Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 28.002
Sự "dấn thân" buổi đầu của Ca Huế
Lượt đọc: 70095Thời gian: 11:26 - 24/09/2016

(VHH) - Một trong những đặc điểm của ca Huế là các bài bản làn điệu có trước, lời ca có sau. Ở đây chúng tôi viết về sự “dấn thân” buổi đầu ca Huế trên lĩnh vực lời ca.

Do nguồn gốc ra đời từ chốn cung đình, phủ đệ của vua chúa, quan lại mà ngay từ đầu lời ca Huế thiên ngâm vịnh cảnh thịnh trị đất nước, hưởng thụ thái bình; cảnh đẹp non sông "vân, hoa, tuyết, nguyệt"; những buồn vui của "thế thái nhân tình"... Những đề tài đó rất phù hợp với các điệu mang tính chất tâm sự, trữ tình của ca Huế. Ta gọi đó là những đề tài truyền thống. Tuy nhiên từ những năm 20 đến 40 của thế kỷ 20 lời ca Huế đã có sự mở rộng đề tài. Có thể nói đó là sự "dấn thân" buổi đầu của ca Huế.

Tác giả Đỗ Anh Đào trong bài "Hà Nội của những ngày xưa" (Báo An ninh thế giới, giữa tháng, số 81 tháng 10/2014) còn nhớ một bài hát trong thời kỳ Mặt trận Bình Dân (1936-1939):

       Dậy, dậy, mở mắt xem toàn châu

       Đến là đền khai hóa rạng khắp toàn cầu

       Sở, công, nông, thương...ngàn dặm

       Xe tàu điện, tàu nước, tàu bay

Tuy tác giả không cho biết người sáng tác bài hát, nhưng chúng ta biết đó là bài hát theo điệu Đăng đàn cung có tựa đề “Có học mới hay” in trong Sách dạy hát tiếng Nam của Nguyễn Trung Phán và Nguyễn Trung Nghệ (Huế, 1928) có sửa lại mấy từ để phù hợp với mục đích truyền bá văn minh và kêu gọi hưởng ứng phong trào Dân chủ. Rõ ràng không dừng lại ở những lời ca “ngâm vịnh” mà các tác giả Sách dạy hát tiếng Nam đã sử dụng Ca Huế với những nội dung mang tính thời sự, chính trị. Cũng trong sách này, các tác giả còn sáng tác nhiều lời ca với các bài bản khác nhau của Ca Huế để khuyên nhủ người đời học tập, tu dưỡng bản thân:

       Sinh ra đạo làm trai

       Chăm lo học cho đặng nên người

       Để đua trí, đua tài kịp người ta

       Đường lớn xa, khi bên thầy

       Khi bên bạn, khi bên đèn

       Lấy văn tự, đêm ngày đặng mà coi...

                                                  (lời Kim Tiền)

       Một đôi lời, một đôi lời

       Khuyên bạn, bạn ơi! Còn niên thiếu

       Chớ khá ham chơi, đua bơi cho kịp

                                                  (lời Hành Vân)

Điều thú vị và rất đáng trân trọng là cụ Phan Bội Châu cũng đã sáng tác bài "hãy thức tỉnh" theo điệu Nam Ai để kêu gọi "khách làng chơi" trên sông Hương, hãy sống có trách nhiệm trước tình cảnh nước nhà:

       "Tai nghe tiếng cuốc gọi

       Riêng tưởng câu thề người chí sĩ

       Ai oán thê lương bầm ruột khô hơi"

       "Dòng Hương Thủy nước đầy vơi

       Cựu chiến trường bao chiến sĩ thây phơi

       Hỡi bạn khách làng chơi

       Riêng cuốc gọi đã gọi người ưu thời..."

Như trên đã nói thông qua Ca Huế có tác giả đề cập đến những vấn đề thời sự, chính trị. Lời Hành Vân sau đây đã "truyền thông" về xã hội văn minh của các nước trên thế giới, từ đó kêu gọi đồng bào ta hãy "gắng công" tiến bước cùng thời đại để "mở mặt non sông":

       Chói đuốc văn minh, năm châu tỏ rạng

       Đèn khai hoá, soi miền Âu, Á, Mỹ, Úc, Phi

       Đủ mọi đường tinh thần trí xảo

       Nghề thuơng mại, nghiệp công nông, dốc một lòng

       Dạy truyền thiên hạ, đặng phổ thông...

       Hỡi đông bào ta hãy gắng công, đua nhau tiến tới

       Có khi mở mặt non sông

                                        (lời Đăng đàn cung)

Một biểu hiện khác của sự “dấn thân” đó là có tác giả đã cố gắng "tả thực"cuộc sống lao động sản xuất. Đây là một trong bốn lời theo điệu Hồ Quảng trong bài "cảnh trời gần sáng":

       Vú (người giúp việc) lại bếp đun trà 

       Mục đồng lại "hò" trâu cưỡi

       “Rị họ rị” ra đồng cày trưa

       Nghe bên kia thổi bệ

       Thợ rèn lục cục đập búa đập đe

       Trống chien xổ, trên thành súng nổ

       Đụng đùng, đụng đùng.

Qua những dẫn chứng trên, chúng ta có thể thấy sự "dấn thân" này, ít (nếu không muốn nói là không) làm tăng thêm giá trị văn học của lời Ca Huế. Những lời ca dùng để tuyên truyền, nhắc nhủ, kêu gọi hoặc "tả thực" đều chưa vượt lên những lời nói, câu văn bình thường. Chúng ta dễ thông cảm và hiểu được đây là những đề tài khó viết hay được. Điều thành công của sự "dấn thân" này chủ yếu ở mặt quảng bá. Các bài ca ấy do tính "nôm na" của mình mà dễ thuộc, do đó thuận lợi cho việc truyền dạy các bài bản Ca Huế. Trường hợp hồi ức của tác giả Đặng Anh Đào và nhiều người cùng thời cho đến nay vẫn còn nhớ những bài Ca Huế được hát trong thời kỳ những năm 20 đến 40 của thế kỷ 20 là những ví dụ. Sự "dấn thân" mở rộng nội dung đề tài của Ca Huế cũng đã góp phần hình thành nên ca kịch Huế, bộ môn kịch truyền thống của dân tộc.

Từ 1954 đến 1975 ca Huế tiếp tục mở rộng đề tài cùng với dân ca Bình Trị Thiên, và ca kịch Huế các sáng tác lời ca Huế đã góp phần vào côgn cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH ở miền Bắc. Ta có thể nói đó giai đoạn “dấn thân” tiếp theo của ca Huế. Tuy nhiên chúng ta vẫn bắt gặp đâu đó những ca-từ vẫn chưa thoát khỏi "cái bóng" của nốt nhạc mà nó mang theo; nhất là trong trường hợp các bài bản đoa là tiết mục độc lập. Xin nêu vài ví dụ. "Mấy năm này/Ra chống đã nhiều tay/ Giờ thất bại thêm cay/ (...)/Quang Ngọc mày/ Sao tính chuyện không may/ Mầy sẽ chịu phanh thây" (Bài "Ngày  thất bại của vua Duy Tân, lời Tứ Đại cảnh của Kiều Khê. Tiếng Hương Bình, NXB Thuận Hóa, 2010). "Trên con đường/ Trên con đường? Con đường văn hóa/ Văn hóa quê nhà...” (Bài Bài ca văn hóa, lời Cổ Bản của Thanh Tùng, Sđd Tr. 99). "Sông Gương vơi đầy/ Nơi cờ gay/ Mùi xâm lược đã tung bay/ Cứ ngày ngày/ Nơi Thương Bạc vẫn còn gây..." ( Lời Nam ai, bài Viếng Khiêm Lăng). Về sáng tác lời cho làn điệu ca Huế, xin xem thêm "Sáng tác lời ca Huế và Dân ca Bình Trị Thiên" của Minh Khiêm, do Trung tâm Văn hóa thông tin Sở Văn hóa và Thể Thao tỉnh Thừa Thiên Huế xuất bản năm 2014.

Đề cập sự "dấn thân" buổi đầu của Ca Huế những năm 20 đến 40 của thế kỷ XX cũng là để thấy rõ hơn đặc trưng âm nhạc từng bài bản Ca Huế. Từ  đó trong sáng tác lời, các tác giả chọn đề tài phản ảnh sao cho phù hợp các bài bản mà mình sử dụng; trên cơ sở của khung âm nhạc ấy mà sáng tác nên những lời ca, những ca - từ có nhiều yếu tố văn học. Phải chăng đó là những đề tài gần gũi với cuộc sống, có thể mang tính truyền thống hoặc mang hơu thở của thời đại; với yêu cầu của lời ca là dễ hát mà không thể dễ dãi, sáo mòn, súc tích mà không khiên cưỡng, tối nghĩa; yếu tố thơ và nhạc quyện hòa.

Theo Minh Khiêm (TRT)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL