Cồng chiêng không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Cơ Tu
Trong sắc màu văn hóa của đồng bào phía thượng ngàn, chiêng, ché như trái tim của mọi lễ hội. Nhưng lần trở lại miền ngược này, thoáng chút tiếc nuối bởi không đúng dịp lễ hội và càng buồn hơn khi anh Hồ Văn Dưa (xã Thượng Long, huyện Nam Đông) bảo rằng, độ hơn chục năm về trước, khách đến nhà làng dù không đúng dịp cũng được thưởng thức ché rượu cần và âm thanh cồng chiêng. Anh Dưa thú thực: "Nhà tui đều biết đánh cồng chiêng nhưng không có chiêng. Mỗi lần muốn đánh phải đi mượn. Ché cũng không có để ủ rượu".
Câu chuyện về chiêng, ché của người Cơ Tu được già Ta Rương Tôm tiếp nối tại nhà Gươl ở bản K’ Dong (xã Thượng Long, huyện Nam Đông). Sau một tuần umpalich (cạn ly), già Tôm ngập ngừng: "Giá như có ché rượu cần ở đây thì tốt biết mấy". Rồi như muốn cởi "nút thắt" tâm can, già Tôm bảo rằng ngày xưa, trong ngôi nhà truyền thống này, hai ché rượu cần luôn được đặt cạnh bếp lửa, chiêng được treo bên góc nhà. Những vật dụng truyền thống nói trên của người Cơ Tu được họ xem như bổn mạng.
Ché là một trong những lễ vật trong đám cưới của người Cơ Tu
"Trước đây, chiêng ché để ở nhà Gươl là tục lệ của bản làng. Lớp thanh niên đi săn được con nai, con heo mang về nhà làng, lúc này, tiếng chiêng vang lên để ăn mừng thành quả. Rồi mọi người xoay quanh ché rượu cùng nhau ca hát. Umbual (uống rượu cần) không chỉ để giải trí, xua tan mệt mỏi sau ngày làm việc mà còn để tạo nên sợi dây liên kết giữa mọi người", già Tôm trải lòng.
Chừng vài tuần umpalich, âm thanh cồng chiêng bỗng từ xa vang vọng. Già Tôm cười xòa: "Boong boong boong..., boong boong..., chắc chắn làng bên có đám cưới, đó là tiếng chiêng đón khách. Trong các lễ hội của người Cơ Tu, âm thanh cồng chiêng rất quan trọng. Lễ dạm ngõ, lễ cưới, lễ đâm trâu, mừng lúa mới... không có tiếng cồng chiêng như món ăn thiếu muối".
Chiêng ché của người Cơ Tu mang trong mình những điều thật khó lý giải. Kí ức của những già làng ở Nam Đông, sau bao cuộc di dân từ vùng đất xứ Quảng, dù có cách trở nhưng chiêng, ché luôn được họ giữ bên mình. Già Tôm kể, trước đây, khi đi rừng săn thú, âm thanh của chiêng chính là cách để báo hiệu cho nhau. “Thời ni có điện thoại liên lạc với nhau, ngày trước mần chi có. Liên lạc chỉ bằng tiếng chiêng mà thôi nên ai cũng biết đánh hết. Săn được hổ tiếng chiêng sẽ khác săn được heo, nai, gấu...”, già Tôm nói.
Khoảng thập niên 80 của thế kỉ trước, dân buôn ở xứ Quảng đến Nam Đông để lùng sục, tìm mua ché của người Cơ Tu. Nhiều gia đình vì khó khăn nên bán, từ đó số lượng ché tại Nam Đông giảm dần. "Quan niệm của người Cơ Tu, ché có giá trị bằng cả mạng sống. Nếu có đổi ché thì đổi bằng một con trâu to, khỏe nhất đàn. Hơn 20 năm trước, người Quảng Nam ra mua ché rất nhiều nhưng tui nhất quyết không bán. Bởi nó là một trong những tài sản quý. Chừ ché không ai làm nữa, bán đi thì sau ni có tiền cũng không mua lại được", già làng A Tin (bản K’Rong) góp chuyện.
Hai chiếc ché cổ được già Ta Rương Tôm lưu giữ
Tại nhà riêng của các già làng, chiêng, ché được họ cất giữ cẩn thận, sắp xếp ngăn nắp ở vị trí trang trọng. Già làng A Tin sở hữu hơn 10 chiếc ché và 3 chiếc chiêng được lưu giữ mấy chục năm. Có cái bây giờ không còn công năng sử dụng nhưng già vẫn trân quý và không mang ra nhà làng bởi sợ thất lạc. "Ngày xưa chiêng, ché là lễ vật quan trọng trong đám cưới của người Cơ Tu. Tục thách cưới khiến nhiều gia đình phải bỏ cả gia tài để mua chiêng, ché làm lễ vật, cống nạp cho nhà gái. Nhưng nay, tục lệ đó đã dần phai mờ. Nhà nào có đông con gái, nhiều chiêng ché đa số họ mang bán lấy tiền, không mặn mà lưu giữ", già A Tin thở dài.
Việc người dân không còn lưu luyến với chiêng, ché không hẳn là lý do khiến đồ vật được xem là linh hồn nơi thượng ngàn bị "hao hụt". Theo nhiều người dân, những năm gần đây, giới săn cổ vật liên tục săn tìm ché cổ và ra giá cao khiến đồ vật từ rẻo cao xuôi về đồng bằng. Chuyện già làng Rapat Groc (bản A Xăng, xã Thượng Long) bán chiếc ché cổ tận mấy cây vàng hơn chục năm về trước khiến ai cũng tiếc hùi hụi, và thêm chuyện già Róc vì sơ ý bị những tên trộm lấy mất chiếc ché cổ trị giá 5 cây vàng. Hay việc anh Ta Rương Thanh đổi ché lấy vàng một thời xôn xao làng bản. Ché được đổi từ 3-10 cây vàng là câu chuyện hơn chục năm về trước.
Bây giờ, ở Nam Đông, già Ta Rương Tôm là một trong số ít người sở hữu được chiếc ché xuất hiện từ thế kỷ 17. Già bảo rằng, ché của người Cơ Tu có nhiều loại, loại nhỏ bằng ấm nước trà, loại lớn cao hơn 1m, to bằng một người ôm được dùng làm lễ vật, ủ rượu, đựng thổ cẩm, mã não, hạt cườm... “Kể tên thì không hết được, các loại ché phổ biến của người Cơ Tu, như thượng thùy, bon moi, hoa dây, K’roong... mỗi loại có các hoa văn khác nhau. Phân biệt ché cổ dựa vào các hoa văn này và âm thanh phát ra khi gõ.
"Tui có một chiếc ché cổ từ thế kỉ 17, mấy năm trước, có người đến hỏi mua với giá mấy chục triệu nhưng không bán vì với tui, ché còn là linh hồn của núi, của rừng" - câu nói của già Tôm khiến người nghe ấm lòng trên suốt chặng đường rời miền sơn cước trong chiều muộn, dẫu rằng người như già Tôm, già A Tin nay không còn nhiều.
Theo Ông Hồ Văn Nhũ, Phó Trưởng Phòng VHTT huyện Nam Đông: Đối với người Cơ Tu, chiêng, ché là đồ vật thuộc về văn hóa, tâm linh và không thể thiếu trong cuộc sống đời thời. Hiện số lượng chiêng, ché tập trung nhiều ở xã Thượng Long. Bên cạnh tuyên truyền bà con lưu giữ chiêng, ché, phòng VHTT huyện Nam Đông đã thành lập nhà trưng bày. Đây là nơi để người dân có thể gửi chiêng, ché cổ mà không sợ bị thất lạc
|