Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 4.149
Chùa Thiên Mụ (Huế) là một trong 8 điểm hành hương linh thiêng nhất ở Việt Nam
Lượt đọc: 99995Thời gian: 07:41 - 03/02/2016
Ảnh: Hoàng Gia

(VHH) - Du lịch hành hương ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là ở những quốc gia đề cao các giá trị tâm linh như nước ta. Khi mùa xuân đến, trăm hoa đua nở, cây cối đâm chồi nảy lộc, những địa điểm hành hương ở Việt Nam lại thu hút đông đảo du khách tìm về.

1. Yên Tử - Quảng Ninh

Yên Tử là ngọn núi cao 1068m trong dãy núi Đông Triều ở vùng Đông Bắc nước ta. Không chỉ được biết đến là thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng với núi non hùng vĩ, Yên Tử còn một trong những điểm hành hương ở Việt Nam thu hút đông đảo du khách nhất.

Là nơi phát tích của dòng thiền Trúc Lâm - dòng Phật giáo cổ do vua Trần Nhân Tông sáng lập từ thế kỉ thứ 13, du khách tìm về Yên Tử không chỉ đơn thuần để cầu phúc, cầu may mà còn để khám phá, tìm hiểu về một trung tâm Phật giáo lớn nhất lịch sử tôn giáo nước nhà.

2. Chùa Hương - Hà Nội

Mỗi dịp xuân về, hàng triệu du khách hành hương từ khắp mọi miền lại nô nức kéo nhau về tham dự lễ hội chùa Hương. Là quần thể những công trình kiến trúc nằm rải rác quanh dòng suối Yến hiền hòa và thơ mộng, hành hương đến chùa Hương trong những ngày xuân về, du khách sẽ được lênh đênh trên những con đò, ngắm nhìn cảnh núi non trùng điệp với sắc xuân ngập tràn trong từng tán cây, ngọn cỏ. Giây phút hòa mình vào thiên nhiên non nước, tâm trí của du khách sẽ trở nên thư thái lạ thường.

Ngoài cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, lý do khiến chùa Hương trở thành điểm hành hương nổi tiếng ở Việt Nam bởi theo tương truyền, đây là nơi Quan Thế Âm Bồ Tát đã ứng hiện tu hành.

3. Chùa Bái Đính - Ninh Bình

Nằm ở cửa ngõ phía Tây của khu di tích cố đô Hoa Lư, trên địa phận huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, chùa Bái Đính là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam có diện tích khuôn viên khoảng 539ha. Ngôi chùa này không chỉ giữ nhiều kỉ lục của Việt Nam mà còn cả của khu vực Châu Á. Trong đó, nổi bật nhất phải kể tới tượng Phật Thích Ca bằng đồng dát vàng lớn nhất Châu Á.

Khi nhắc tới các điểm hành hương ở Việt Nam đặc biệt linh thiêng, du khách không thể không nhắc đến chùa Bái Đính. Với kiến trúc đồ sộ và mang đậm dấu ấn kiến trúc Á Đông, đồng thời cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa - tâm linh với quy mô lớn nên mỗi năm, hàng triệu phật tử và du khách từ khắp nơi thường ghé đến đây để tham quan và tìm hiểu. 

4. Núi Bà Đen - Tây Ninh

Với chiều cao 986m, núi Bà Đen thuộc xã Thạnh Tân, huyện Hòa Thành, thị xã Tây Ninh, là ngọn núi cao nhất tại Nam Bộ. Nằm cách Tp HCM 110km, nhìn từ xa, núi Bà Đen tựa như một chiếc nón khổng lồ úp trên cánh đồng lúa bạt ngàn.

Gắn liền với câu chuyện về người con gái xinh đẹp, thủy chung tên Lý Thị Hương, các ngôi chùa nằm trên núi đã trở thành điểm hành hương của đông đảo du khách mỗi dịp đầu năm hay rằm tháng 8.

Không chỉ là điểm hành hương nổi tiếng, núi Bà Đen cũng được xem là một điểm tham quan hấp dẫn với hệ thống núi non, hang động huyền bí, mang lại cho du khách cảm giác lý thú với hệ thống cáp treo và máng trượt.

5. Chùa Linh Ứng - Đà Nẵng

Nằm tại bán đảo Sơn Trà, chùa Linh Ứng tọa lạc trên một ngọn đồi hình con rùa hướng ra biển cả mênh mông với lưng tựa vào cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn. Không chỉ là một công trình mang đậm dấu ấn phát triển của Phật Giáo Việt Nam trong thế kỉ 21, chùa Linh Ứng còn được xem là nơi hội tụ linh khí của trời đất trời và lòng người.

Ngay từ tuyến đường Sơn Trà - Điện Ngọc, du khách có thể quan sát được chùa với mái ngói xanh nằm bên sườn Đông của bán đảo. Chùa Linh Ứng là ngôi chùa lớn nhất của thành phố Đà Nẵng về cả quy mô lẫn nghệ thuật. Điểm nhấn của ngôi chùa này là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao nhất Việt Nam (67m) đứng hướng mặt ra biển, lưng tựa vào núi, tay cầm bình cam lồ như đang ban phước lành cho các ngư dân ngoài khơi xa.

Du khách hành hương về đây với mong muốn thanh lọc tâm hồn giữa khung cảnh thiên nhiên mây trời bao la và biển xanh mênh mông.

6. Thiền viện Trúc Lâm - Đà Lạt

Mặc dù có gần 10 ngôi chùa nổi tiếng như Linh Phước, Linh Ấn, Linh Sơn... nhưng thiền viện Trúc Lâm vẫn là địa điểm thu hút du khách hành hương tìm tới nhiều nhất tại Đà Lạt.

Tọa lạc trên núi Phượng Hoàng, ngay cạnh khu vực hồ Tuyền Lâm, thiền viện Trúc Lâm với diện tích 24ha là một trong ba thiền viện có quy mô lớn nhất Việt Nam theo thiền phái Trúc Lâm. Không mang vẻ đẹp nguy nga, cổ kính như các kiến trúc chùa chiền khác nhưng thiền viện Trúc Lâm lại ẩn chứa biết bao điều huyền nhiệm của thế giới tâm linh.

Khi đặt chân đến đây, song song với việc thăm viếng cảnh chùa thanh tịnh, du khách còn có cơ hội ngắm nhìn ruộng rau bậc thang xanh mướt, rừng thông bạt ngàn từ trên cáp treo hay ngồi trên du thuyền để thưởng ngoạn nét quyến rũ nơi hồ Tuyền Lâm.

7. Chùa Thiên Mụ - Huế

Tọa lạc trên ngọn đồi Hà Khê ở tả ngạn sông Hương, chùa Thiên Mụ được tạo lập từ năm 1601, đã trải qua bao biến cố lịch sử để tồn tại cho tới ngày nay. Đây có thể coi là ngôi chùa cổ nhất tại Huế.

Là ngôi chùa gắn liền với hình ảnh xứ Huế, chùa Thiên Mụ nổi bật với tháp bát giác Phước Nguyên sừng sừng, đồ sộ và các điện Đại Hùng, điện Quan Âm cùng những chuông đồng, bia đá, cổ vật quý mang giá trị lớn lao về lịch sử và nghệ thuật. Mỗi dịp xuân sang, chùa Thiên Mụ lại nghi ngút khói hương cùng dòng người tấp nập tìm đến tham quan và dâng lễ.  

Khách hành hương tới cổng chùa để cảm nhận sự tĩnh lặng nơi lòng mình. 108 tiếng chuông vang lên như giữ nhịp thời gian để du khách rũ bỏ đi những gánh nặng của cuộc sống thường nhật và chào đón một năm mới với những điều an lành.

8. Chùa Giác Lâm - TP HCM

Nằm trên đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình, chùa Giác Lâm là ngôi chùa cổ nhất tại Sài Gòn, được xây dựng vào giữa thế kỉ 18. Ngôi chùa này có kiến trúc ba gian nhà nối liền nhau cùng với những công trình đền thờ phụ và 38 tháp cổ trong khuôn viên rộng hơn 600m2.

Nằm giữa Sài Thành đông đúc và nhộn nhịp nhưng chùa Giác Lâm vẫn giữ nguyên nét uy nghiêm, thanh tịnh của chốn cửa Phật. Đây điểm hành hương nổi tiếng mà người Sài Gòn thường tìm tới. Vào đêm giao thừa và những ngày đầu năm, chùa Giác Lâm lại tưng bừng tiếng chuông hòa với tiếng kinh cầu trong làn khói hương trắng của những người sùng bái tín ngưỡng Phật giáo.

BM (Theo Time Out Vietnam)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL