Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 13.202
Văn hóa doanh nghiệp: Đến lúc không còn là lý thuyết
Lượt đọc: 106468Thời gian: 16:49 - 24/10/2016

(VHH) - Chưa bao giờ, khái niệm văn hóa doanh nghiệp, văn hóa trong kinh doanh được đặt ra nhiều như hiện nay.

Gần đây, một số nhà nghiên cứu cho rằng, sự trụ vững, phát triển hay tàn lụi, phá sản của các doanh nghiệp không chỉ đơn thuần từ kinh tế, mà sâu xa hơn, chính là từ văn hóa, trong văn hóa. Có thể vẫn còn ý kiến chưa đồng tình, song một điều không thể phủ nhận, văn hóa doanh nghiệp đang là yếu tố quan trọng, quyết định đến hình ảnh doanh nghiệp. Và doanh nghiệp muốn tồn tại, phát triển, phải coi trọng và thực sự xây dựng văn hóa chứ không chỉ là một khái niệm chung chung, mơ hồ.

Văn hóa doanh nghiệp không phải là chiếc áo bóng bẩy

 PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt  Nam nhận định: "Ở thời điểm này, hầu hết lãnh đạo các doanh nghiệp đều hiểu rõ tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp. Họ đã biết những khái niệm và những bước đi cơ bản để xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Và dù muốn hay không thì bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng đều có ý thức xây dựng, củng cố văn hóa doanh nghiệp của riêng mình".

Thời gian qua, không ít doanh nghiệp, trên tinh thần cầu thị, đã xây dựng văn hóa doanh nghiệp nhưng phần lớn mới chỉ dừng lại ở bề nổi, ở phong trào, nghi lễ, nghi thức như có doanh nghiệp tổ chức hát Quốc ca đầu tuần...; ở cách báo cáo công việc, giữ gìn tài sản chung, ngôn ngữ giao tiếp với đồng nghiệp, đối tác, khách hàng, các thủ tục hành chính, trang phục, môi trường làm việc, cấu trúc tổ chức...

Ông Nguyễn Thế Kỷ cho rằng: “Văn hóa doanh nghiệp không phải là chiếc áo màu mè loè loẹt để tô điểm cho doanh nghiệp thêm sang. Nó cũng không phải dùng để quảng cáo nhất thời cho doanh nghiệp. Phần cốt lõi quan trọng nhất của văn hóa doanh nghiệp đó là thái độ, trách nhiệm, niềm tin, tiêu chuẩn…; là tăng cường tiềm lực, quy tụ được sức mạnh mọi mặt của nhân viên, khích lệ họ tạo để tạo ra nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp”.

Bà Dương Thị Liễu - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Kinh doanh, Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam thì cho rằng: "Khái niệm đạo đức kinh doanh, trách nhiệm doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân chưa được quan tâm thấu đáo. Trong khi đó, những hành vi phi đạo đức, phản văn hóa trong kinh doanh chưa bị xử lý nghiêm khắc, chưa bị dư luận xã hội lên án mạnh mẽ".

Bà Liễu dẫn chứng: "Sau vụ Vedan nhiều công ty vẫn ngang nhiên xả nước thải làm ô nhiễm môi trường, sau vụ nước tương xuất khẩu bị phát hiện có chất 3 - MCPD gây ung thư, người tiêu dùng vẫn phải đối mặt với sự khủng khiếp của nạn thực phẩm bẩn... Lối kinh doanh theo kiểu chụp giật, ngắn hạn, thiếu quan tâm đến lợi ích cộng đồng, không từ bất kỳ thủ đoạn nào, sẵn sàng chà đạp lên mọi giá trị vẫn tồn tại bởi vẫn có rất nhiều doanh nhân, doanh nghiệp coi mục đích kiếm tiền lớn hơn danh dự".

"Và ở một khía cạnh khác, kiểu láu cá vặt, vô trách nhiệm, tư duy tiểu nông chính là rào cản lớn nhất trên con đường phát triển của mỗi doanh nghiệp. Với những khuyết tật như vậy, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam không hội tụ được sức mạnh để cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường ngày càng nhiều sóng gió" - bà Liễu nhận định.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp như thế nào?

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp đem lại điều gì cho doanh nghiệp? Câu hỏi này cần được làm sáng tỏ để các doanh nghiệp có động lực thực hiện.

“Khi đã có tâm thế xây dựng văn hóa doanh nghiệp thì cần trả lời câu hỏi: văn hóa doanh nghiệp mà tập thể đang thiết kế có (sẽ) giúp gì cho doanh nghiệp phát triển? Nếu chưa trả lời được (hoặc không đặt ra) câu hỏi này thì văn hóa doanh nghiệp mới chỉ là lớp áo bóng bẩy bên ngoài” - ông Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ.

Theo ông Kỷ, những đặc trưng hữu hình, cụ thể của văn hóa doanh nghiệp như hát quốc ca, thể dục giữa giờ, mặc đồng phục, đeo phù hiệu, thực hiện kỷ luật lao động, văn minh công sở... thường dễ thực hiện, dễ triển khai. Nhưng những đặc trưng vô hình, đem lại những giá trị to lớn, lâu dài cho doanh nghiệp lại khó thực hiện, khó phát triển.Vì thế, trên cơ sở chiến lược kinh doanh, chiến lược phát triển của doanh nghiệp mà xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

"Nếu không dựa vào chiến lược kinh doanh để thiết kế văn hóa doanh nghiệp thì cái gọi là “văn hóa doanh nghiệp” của hầu hết các đơn vị đều na ná như nhau. Khi thiết kế văn hóa doanh nghiệp phải chọn lọc, tiếp thu văn hóa bản địa, văn hóa vùng miền. Văn hóa doanh nghiệp của mỗi ngành hàng, của từng lĩnh vực kinh doanh sẽ khác nhau, do đó, văn hóa doanh nghiệp cũng sẽ khác nhau, nhưng những điều này chưa thể tạo nên bản sắc của doanh nghiệp. Chiến lược kinh doanh, đường hướng phát triển của doanh nghiệp là cái quan trọng, có thể độc đáo, thậm chí là duy nhất. Thiết kế văn hóa doanh nghiệp nếu bám chắc vào những điều căn cốt ấy sẽ tạo nên sức sống, giá trị tăng thêm, sự khác biệt cần có cho doanh nghiệp" - ông Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Lương Hồng Quang - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đưa ra hàng loạt các giá trị để đánh giá văn hóa doanh nghiệp đồng thời khẳng định: "Văn hóa doanh nghiệp là toàn bộ các giá trị văn hóa được xây dựng trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên của doanh nghiệp; tạo nên sự khác biệt giữa các doanh nghiệp và được coi là truyền thống riêng của mỗi doanh nghiệp".

Mỗi doanh nghiệp sẽ có một cách xây dựng văn hóa riêng biệt nhưng văn hóa doanh nghiệp sẽ tựu chung lại trong việc xây dựng được môi trường làm việc và giá trị sáng tạo. Khi đó, văn hóa doanh nghiệp sẽ là nền tảng tạo nên sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và xã hội.

Theo Hồng Hà (Tổ quốc)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL