Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 15.841
Hà Văn Lâu - Niềm kính trọng của người dân xứ Huế...
Lượt đọc: 78043Thời gian: 22:43 - 08/12/2016

(VHH) - Lịch sử đặt lên vai Đại tá - Nhà ngoại giao Hà Văn Lâu những trọng trách của đất nước. Dù là quân nhân trong quân đội hay đại sứ ngành ngoại giao, ông đều tạo được dấu ấn về một người chỉ huy lịch thiệp...

Vị đại tá mang quân hàm kỷ lục Từ năm 1954, được phong quân hàm Đại tá, cho đến khi trái tim ngừng đập, Hà Văn Lâu là người mang quân hàm Đại tá kỷ lục gần 63 năm...

Những người lính, người chỉ huy dưới quyền ông ở Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa, Bình Trị Thiên, từ chân đất sau này nhiều người trở thành thiếu tướng, trung tướng, thượng tướng mà ông vẫn mãi mãi là Đại tá.

Nhiều bạn bè quân ngũ hỏi: "Anh thân với đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị - là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, sao không kêu "đại tá quá lâu", để được cất nhắc lên tướng". Ông cười hiền hỏi lại: "Đại tướng Võ Nguyên Giáp mang quân hàm đó ngót nửa thế kỷ có thấy kêu phong nguyên soái gì đâu. Anh Phạm Văn Đồng làm Thủ tướng suốt đời, anh Nguyễn Cơ Thạch 20 năm làm thứ trưởng, 11 năm làm bộ trưởng vẫn chẳng thấy kêu ca gì".

Rồi ông kể trong một cuộc nói chuyện với cán bộ sân vận động Cột Cờ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhắc nhở rằng: "Chúng ta phải đặt quyền lợi của nhân dân và đất nước lên trên hết. Còn quyền lợi riêng của chúng ta hãy để cho tổ chức lo".

Con người Hà Văn Lâu là như vậy. Ông tuyệt đối phục tùng tổ chức, làm tròn nhiệm vụ được giao mà không bao giờ đòi hỏi...

Niềm kính trọng của người dân xứ Huế

Đại tá - Nhà ngoại giao Hà Văn Lâu sinh tại làng Sình, tên chữ là làng Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngày 10/12/2016, quê nhà đón ông về với nơi chôn nhau cắt rốn theo ý nguyện của ông.

Có thể nói rằng Hà Văn Lâu là niềm kính trọng của người dân xứ Huế. Ngay trong những năm kháng chiến chống Pháp, tên tuổi của ông đã ghi dấu với những trận đánh vang dội trên mảnh đất quê hương. Nhắc đến tên Hà Văn Lâu cùng với những người chiến sĩ cách mạng xứ Huế khác như Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Anh, Trần Quý Hai, là người chỉ huy của chiến thắng.

Đó là chiến thắng Hòa Mỹ, phía tây bắc tỉnh Thừa Thiên. Đó là trận xóa sổ đồn Phổ Lai, khai thông hành lang Huế - Hương Trà - Quảng Điền ra tận Phong Điền, giáp ranh phía nam Quảng Trị. Đó là chiến thắng Thanh Hương - Mỹ Xuyên ghi dấu ấn của Đại đoàn 325 - Bình Trị Thiên.

Cố Thiếu tướng Trần Chí Cường - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần - Bộ Quốc phòng, trong hồi ký của mình đã viết: “Anh Hà Văn Lâu, người con của quê hương, là Trung đoàn trưởng và Chủ huy trưởng Mặt trận Huế ngày đầu kháng chiến. Từ một cán bộ quân sự trở thành một nhà ngoại giao, từng làm Đại sứ tại nhiều nước và cả Liên Hợp Quốc; là Thứ trưởng Ngoại giao có tài năng và nhiều cống hiến.

Bộ đội và nhân dân Bình - Trị - Thiên rất mến mộ tài năng và đức độ của đồng chí Hà Văn Lâu. Người dân quê tôi dù chưa một lần được gặp, nhưng nghe nhắc đến tên tuổi của những nhà cách mạng vừa kể trên là đã ngời lên niềm tin tưởng, kính trọng. Tình cảm tự nhiên như thân quen, ruột thịt"...

Đại tá - Nhà ngoại giao Hà Văn Lâu

Người gương mẫu mọi bề

Đang phụ trách Cục Tác chiến để chuẩn bị cho chiến dịch đông xuân 1953-1954 mở màn đánh vào Điện Biên Phủ thì Đại tá Hà Văn Lâu nhận lệnh cấp trên bàn giao nhiệm vụ cho Đại tá Trần Văn Quang.

Ông tham gia phái đoàn ngoại giao tham dự Hội nghị Genève về kết thúc chiến tranh tại Đông Dương. Từ đây, cuộc đời của nhà quân sự chuyển sang gắn bó với sự nghiệp ngoại giao.

Uyên bác, lịch thiệp, Hà Văn Lâu cùng nhiều trí thức khác (Phạm Văn Đồng, Tạ Quang Bửu, Phan Anh, Nguyễn Cơ Thạch, Xuân Thủy, Mai Văn Bộ, Nguyễn Minh Vỹ, Phan Hiền...) đã trở thành biểu tượng của ngoại giao Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế.

Tên của ông được nhắc nhiều trên mặt báo và các hãng thông tấn hàng đầu thế giới. Đặc biệt, khi ông trở thành Phó Trưởng đoàn ngoại giao Việt Nam tại Hội nghị Paris đàm phán kết thúc chiến tranh và can thiệp vào Việt Nam của Hoa Kỳ trong 2 năm đầu 1968-1970.

Trên mặt trận không tiếng sung - bàn đàm phán ngoại giao - không thiếu những trận đấu trí nảy lửa. Đó là những đòn cân não giữa Hà Văn Lâu với Cyrus Vance - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, sau này là Bộ trưởng Ngoại giao trong Chính phủ Jimmy Carter; với Philippe Habib, một chuyên gia kỳ cựu về Việt Nam... Song đối với đồng nghiệp, với cấp dưới, ông lại đôn hậu, hiền từ. Nhà ngoại giao Vũ Hắc Bồng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ghi-nê, Ma-li, Chi-lê kể lại: “Ông là người ở chức Đại tá lâu nhất tới 40 năm của quân đội ta, chẳng thấy khi nào lên chức hay xuống chức. Sau này, ông chuyển về ngoại giao làm Thứ trưởng. Con người gương mẫu cả về công việc và tư cách.

Khi ông là thủ trưởng của tôi gần 15 năm. Có lần tranh luận công tác, chúng tôi cãi ông, có người còn thiếu kiềm chế đập bàn rầm rầm. Vậy mà xong thì thôi, ông không định kiến với cấp dưới. Ở đời mấy thủ trưởng như thế, thật là đáng kính"...

Đại tá - Nhà ngoại giao Hà Văn Lâu (9/12/1918 - 6/12/2016), cán bộ lão thành cách mạng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Ông đã đảm nhận nhiều chức vụ trong Quân đội và Ngoại giao: Trung đoàn trưởng Trung đoàn Trần Cao Vân, Chỉ huy trưởng mặt trận Huế kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Thừa Thiên Huế, Cục trưởng Cục Tác chiến, Trưởng phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh phụ trách thi hành Hiệp định Genève (1954); Đại sứ Việt Nam tại Cu Ba, Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, Đại sứ Việt Nam tại Pháp kiêm Bỉ, Hà Lan và Luxemburg; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Trưởng ban Việt kiều Trung ương...

 

Theo Kiều Mai Sơn (Nông nghiệp Việt nam)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL