Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 16.511
Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Dỗi, một mô hình hoạt động hiệu quả
Lượt đọc: 93637Thời gian: 14:59 - 26/06/2014

(VHH) - Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay, mô hình hoạt động của nhà sinh hoạt cộng đồng (SHCĐ) cấp thôn và nhà văn hóa tổ dân phố chưa có ban chủ nhiệm quản lý. Từ thực trạng này đã làm cho việc khai thác, sử dụng các thiết chế văn hóa ở làng (thôn, bản) trên địa bàn tỉnh hiệu quả chưa cao, chưa phát huy hết công năng của chúng. Vừa qua, chúng tôi đã có đợt khảo sát một số mô hình nhà SHCĐ ở thôn (địa chỉ do Phòng Văn hóa Thông tin các huyện giới thiệu) thì phát hiện được một mô hình hay cần được nhân rộng đó là mô hình hoạt động của nhà SHCĐ thôn Dỗi xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông.

Năm 2004, thôn Dỗi được tổ chức phát triển quốc tế Hà Lan (SNV) đầu tư xây dựng ngôi nhà Gươl truyền thống trị giá 20 triệu đồng. Cùng thời gian này, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn, hỗ trợ nghiệp vụ để làm du lịch cộng đồng. Một ban quản lý du lịch cộng đồng thôn được hình thành với 9 thành viên, gồm: Trưởng ban phụ trách chung, kế toán, thủ quỹ, phụ trách đội văn nghệ, nấu ăn, vệ sinh môi trường. Ông Hồ Văn Chước, Trưởng Ban quản lý du lịch cộng đồng thôn Dỗi cho biết: "Được Nhà nước đầu tư tiền, bà con đã hưởng ứng làm nhà văn hóa để họp dân. Từ đó, các đoàn khách nước ngoài, nhất là Nhật Bản đến tham quan rất nhiều. Bà con tiếp đón rất chu đáo, không làm mất lòng khách. Các đoàn khách rất thích, có người đã khóc khi chia tay thôn". Trung bình mỗi năm có 12 đoàn khách du lịch nước ngoài (chủ yếu là Nhật Bản) và một số đoàn khách du lịch trong nước đến với thôn Dỗi. Hoạt động cộng đồng ở đây thực sự thu hút du khách với việc giao lưu, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cùng người dân địa phương tại ngôi nhà Gươl, đi thăm làng, đến thác Kazan (một trong những thác đẹp nhất của Thừa Thiên Huế), cùng nấu ăn với người dân (món ăn của người Cơ Tu), du khách tặng thực phẩm, áo quần cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mua sản vật địa phương và cuối cùng là giã bạn. Những hoạt động này diễn ra một cách có tổ chức, được chuẩn bị kỹ lưỡng của các thành viên trong Ban quản lý du lịch cộng đồng thôn. Chỉ riêng phần văn nghệ giao lưu với khách du lịch phải duy trì đội văn nghệ của thôn gần 20 người gồm nam, nữ thanh niên và người lớn tuổi. Các tiết mục chủ yếu là hát, nhảy múa (thường thấy trong lễ hội ăn lúa mới và lễ hội đâm trâu của người Cơ Tu); đặc biệt có già làng Hồ Văn In nay đã gần một trăm tuổi thổi kèn sừng sơn dương, già làng Hồ Văn Can sử dụng đàn a ơi (làm bằng ống nứa) tham gia biểu diễn. Đây là những nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu, hiện nay ở thôn Dỗi không nhiều người sử dụng được.

Những ngày đầu tháng 6, chúng tôi có dịp đến thăm nhà SHCĐ thôn Dỗi, các bác trong ban quản lý thôn mời khách ngồi trên tấm sạp sàn nhà bằng tre nứa sạch bóng. Cột nhà làm bằng gỗ lim vững chãi, mái lá cũng vừa lợp lại mới tinh. Theo Ban quản lý du lịch cộng đồng thôn Dỗi, mỗi đoàn khách đến hỗ trợ cho thôn 1 triệu đồng, số tiền này chi cho các hoạt động, làm thức ăn, nước uống, trái cây số còn lại nhập vào quỹ để thăm hỏi bà con ốm đau, tu sửa nhà Gươl. Công việc liên quan đến nhà SHCĐ thôn đều có sự phân công cụ thể cho các thành viên ban quản lý. Ngoài phục vụ du khách, đây còn là nơi để bà con đến sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, hội họp triển khai phong trào xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nông thôn mới, tập huấn kỹ thuật sản xuất chăn nuôi... Từ ngôi nhà Gươl này đã làm đổi thay một thôn nghèo của xã. Đời sống kinh tế ngày một đi lên, văn hóa, văn nghệ, phong tục, tiếng nói của đồng bào trước đây bị mai một bây giờ được phục hồi và phát triển.

Hiện nay toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 682 nhà SHCĐ trên tổng số 1.491 làng (thôn, bản), tổ dân phố với tỷ lệ 45,7%. Trong số những thôn có nhà SHCĐ thì có gần 40% là tận dụng cơ sở cũ, phần lớn xây dựng chưa đảm bảo về diện tích, các thiết chế liên quan (sân thể thao, sân khấu) và trang thiết bị bên trong còn thiếu nhiều. Ví dụ như thiếu hệ thống âm thanh, sách báo, trang trí khánh tiết, bàn ghế, v.v...Không có ban chủ nhiệm, chỉ có người phụ trách là trưởng thôn làm nhiệm vụ giữ chìa khóa, vệ sinh. Không có kế hoạch hoạt động cụ thể. Việc quy hoạch đất xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng ở thành phố gặp khó khăn do thiếu quỹ đất. Kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa hạn hẹp nên mỗi năm chỉ đầu tư hỗ trợ cho địa phương rất ít, trung bình 3 đến 5 nhà, mỗi nhà 150 đến 200 triệu đồng trong khi xây dựng một công trình đạt chuẩn phải cần cả tỷ đồng.

 

Hữu Uy
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL