Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 2.762
Sống dậy tình yêu Ca Huế cho người trẻ
Lượt đọc: 87001Thời gian: 10:13 - 18/12/2015

(VHH) - Bên cạnh lớp nghệ nhân "vàng", lớp những nghệ sỹ "măng non" - nghệ sỹ trẻ là thế hệ mới sẽ đồng hành cùng nghệ thuật Ca Huế trên con đường phát huy giá trị di sản này ra cộng đồng, tiến tới hội nhập di sản quốc tế. Do đó, việc làm sao để truyền lại vẹn nguyên bản sắc, đúng cái "chất" của Ca Huế cho lớp nghệ sỹ trẻ kế tục cũng đang là vấn đề được các ban, ngành quan tâm.

Duy trì 02 lần một tuần tại Bảo tàng Văn hóa Huế, có một không gian ca Huế thính phòng là nơi giữ ngọn lửa đam mê và tâm huyết của nhiều thế hệ. Nghệ sĩ Thanh Tâm, Minh Mẫn cùng nhiều nhạc công lão luyện của Ca Huế đều đặn sinh hoạt ở đây, vừa để kéo mọi người gần lại, hiểu đúng về Ca Huế, vừa truyền nghề lại cho lớp hậu sinh.

Khác với suy nghĩ của nhiều người, nơi đây tập trung rất đông các bạn trẻ đến tham dự. Các bạn hầu hết là sinh viên các trường nghệ thuật, tuổi đời mười tám đôi mươi, họ đến với những lý do khác nhau. Người đến để học hỏi, người đến để hưởng thụ, kẻ đến để thưởng thức những “ngón nghề” quý giá của lớp tiền bối, đến để tìm lại chút gì đó “rất Huế” giữa chốn thành thị nhộn nhịp. Trên hết, họ đến vì đam mê một môn nghệ thuật dung dị mà bác học.

Từng được biểu diễn trong những chương trình nghệ thuật của Huế, bạn Trần Trọng Dũng - sinh viên Học viện Âm nhạc Huế chia sẻ: Em thường xuyên đến đây nghe và xem những nghệ sĩ biểu diễn, do đó em  thấm thía được nhiều điều. Không chỉ là giọng hát sâu và truyền cảm, cách nhấn nhá, cách nhả chữ, cách luyến láy, mà sức hấp dẫn từ một nghệ nhân thực thụ còn toát ra từ phong thái, cốt cách rất sang trọng, quý phái. Em đến đây không chỉ mục đích phục vụ cho việc học tập mà còn muốn được sống lại những giây phút của ngày xưa.

Là người thường xuyên có mặt trong những buổi biểu diễn, nghệ sĩ Quỳnh Hoa chia sẻ "Mục đích chính của Ca Huế thính phòng là nhằm bảo tồn Ca Huế và tạo ra một diễn đàn cho các nghệ sĩ hoạt động. Khi thấy các bạn trẻ đến đây, không chỉ xem mà giao lưu, tìm hiểu về Ca Huế, nhiều em còn xin được biểu diễn, những nghệ sĩ lớn tuổi như tôi cảm thấy quá vui mừng và phấn khởi. Đó là động lực để chúng tôi còn tiếp tục đến đây để biểu diễn phục vụ giới mộ đạo, bảo tồn nghệ thuật truyền thống này".

Một chương trình biểu diễn tại Bảo tàng Văn hóa Huế

Điều đó phần nào khiến những người đam mê ca huế, gắn cả đời mình với ca huế thêm vững tin vào tương lai tươi sáng của môn nghệ thuật này.

Nghệ sĩ Trần Thảo, người sinh trưởng trong một gia đình đã đến đời thứ tư theo nghiệp Ca Huế, Nhã nhạc Cung đình. Trải lòng mình về những trăn trở với Ca Huế, ông nói: "Bản chất tinh hoa Ca Huế không thay đổi, mà vì cuộc sống đổi thay. Do dịch vụ trên Sông Hương bây giờ nhộn nhịp, nhiều người chưa thành nghề cũng đi hát, đi đàn. Kể cả nghệ sĩ chân chính, khi không đủ sống bằng nghề, cũng phải bươn chải, chạy sô. Người ta coi đó là việc mưu sinh nên chất lượng không đồng đều, không ổn định". Hiện ông là một trong những nhân tố tích cực tham gia biểu diễn, đào tạo tại CLB Ca Huế thính phòng của Bảo tàng Văn hóa Huế. Ông bảo, lớp trẻ bây giờ học Ca Huế qua trường lớp, tốc độ nhanh, nhuần nhuyễn về mặt kỹ thuật nhưng chưa chắc nắm được cái thần, cái tinh túy, cảm xúc. Nhưng ông cũng tin tưởng: "Những em nào thật sự yêu thích, đam mê, bỏ công tập luyện, chịu khó học hỏi, sẽ trụ lại. Nếu không, sớm muộn cũng tự đào thải".

Tuy nhiên, cũng theo nghệ sĩ Trần Thảo, điều quan trọng hơn hết là giúp lớp trẻ có nền tảng vững chắc và  tình yêu Ca Huế, điều này thì không môi trường nào tốt hơn là nhà trường, không biện pháp nào hiệu quả hơn là thông qua giáo dục. Nhà thơ Võ Quê cho rằng: "Không chỉ Ca Huế, muốn giữ gìn giá trị của tất cả các loại hình văn hóa - nghệ thuật truyền thống khác như kiến trúc, ẩm thực, hội họa, nhã nhạc... đều phải thông qua giáo dục. Hiện nay, chủ trương đưa nghệ thuật truyền thống vào nhà trường đã có, nhưng để thực hiện còn nhiều lúng túng. Nếu nhà trường nào xây dựng mô hình sân khấu học đường và có nhu cầu mời chúng tôi đến để giảng dạy, giới thiệu, chúng tôi sẵn sàng".

Hiện nay, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế và Học viện Âm nhạc Huế đang trực tiếp đào tạo những lớp diễn viên và nhạc công kế tiếp của Ca Huế. Bên cạnh các nhà hát nghệ thuật truyền thống, còn có nhiều CLB Ca Huế được hình thành, đặc biệt có sự tham gia của nhiều thanh thiếu niên, sinh viên. Đội ngũ những nghệ nhân bậc thầy như Minh Mẫn, Mộng Điệp, Thanh Hương, Thanh Tâm, Châu Dinh... bây giờ tuổi đã cao, nhưng niềm đam mê ca Huế vẫn sâu nặng như ngày nào. Bằng những việc làm cụ thể, họ đã truyền đạt lại các bí quyết, kỹ thuật thể hiện ca Huế cho lớp nghệ sĩ ưu tú kế cận như: Ngọc Bình, Kiều Oanh, Khánh Vân, Lan Phương, Thu Hằng, Bạch Hạc... và đông đảo nghệ sĩ trẻ đang theo học nghề.

Việc giáo dục cần phải như sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Không chỉ đào tạo ở những bậc cao, mà cần phải chú trọng ngay từ tiểu học, trung học. Trường THCS Nguyễn Tri Phương nhiều năm nay vẫn duy trì CLB Ca Huế với hơn 10 thành viên, độ tuổi chủ yếu từ 12 đến 15. Không chỉ mỗi tuần đều đặn hai lần tập, các em còn được những buổi ngoại khóa, giao lưu với các anh chị, cô chú nghệ nhân, để tìm hiểu và thêm yêu nghệ thuật truyền thống, thỉnh thoảng các em lại được biểu diễn trong trường hoặc hội diễn của thành phố. Đây chính là môi trường tốt để phát hiện những tài năng âm nhạc “xuất chúng”, để sớm rèn rũa, bồi dưỡng, ươm mầm những tài năng trẻ này thành lớp kế cận cho nghệ thuật Ca Huế trong tương lai.

BM (Theo CINET)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL