Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 4.058
10 SỰ KIỆN VĂN HOÁ VÀ THỂ THAO NỔI BẬT NĂM 2021
Lượt đọc: 18148Thời gian: 12:21 - 02/01/2022

Năm 2021, hoạt động của ngành Văn hóa và Thể thao tiếp tục chịu tác động trực tiếp của dịch Covid 19; nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội, đặc không thể tổ chức. Tuy nhiên với tinh thần trách nhiệm cao, Sở Văn hóa và Thể thao đã triển khai đồng bộ các giải pháp, vừa tập trung phòng chống dịch bệnh, vừa chú trọng thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, tập trung xây dựng và triển khai các kế hoạch, đề án, dự án, tổ chức nhiều hoạt động quy mô, góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021. Cùng Văn hóa Huế điểm lại 10 sự kiện văn hóa và thể thao nổi bật trong năm 2021.

 

1. Ban hành Nghị quyết về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030: Nghị quyết số 04-NQ/TU được ban hành ngày 24/5/2021 với mục tiêu đến năm 2025, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước, Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, Thành phố Văn hóa ASEAN, Thành phố sáng tạo về văn hóa và đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á. Việc Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết và UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện nghị quyết là cơ sở quan trọng để ngành Văn hóa và Thể thao tập trung đẩy mạnh triển khai các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế, con người Huế; đề xuất đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa hoàn chỉnh.

2. Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND quy định nội dung và mức chi thực hiện chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế: Đây là nghị quyết quan trọng nhằm điều chỉnh, bổ sung một số nội dung và mức chi thực hiện chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với huấn luyện viên, vận động viên đảm bảo phù hợp với Thông tư số 86/2020/TT-BTC ngày 26 tháng 10 năm 2020 của Bộ Tài chính quy định chi tiết chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với huấn luyện viên thể thao thành tích cao, vận động viên thể thao thành tích cao. Việc ban hành Nghị quyết mới này sẽ góp phần đảm bảo chế độ dinh dưỡng, khuyến khích, tạo động lực cho huấn luyện viên, vận động viên trong tập luyện và thi đấu để đạt được những thành tích vượt bậc, tạo được bước đột phá trong phát triển thể thao thành tích cao Thừa Thiên Huế phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh.

  3. Phát huy giá trị Hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế: Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2280/QĐ- TTg xếp hạng Hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế là Di tích Quốc gia Đặc biệt, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu tổ chức trọng thể Lễ công bố quyết định và đón nhận Bằng xếp hang di tích theo quy định. Cùng với đó đã chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm bảo tồn phát huy có hiệu quả hệ thống di tích của Bác Hồ tại Thừa Thiên Huế. Trong năm 2021 đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 989/QĐ-UBND ngày 05/5/2021 phê duyệt Đề án “Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển du lịch; tổ chức các hoạt động như triển lãm chuyên đề “Người đi tìm hình của nước”, “Về nơi lưu dấu tuổi thơ Người”, “Bác Hồ - Kết tinh hồn dân tộc”; hoạt động tìm hiểu, khám phá di tích tại nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (làng Dương Nỗ); cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Sáng mãi tên Người - Hồ Chí Minh”, sáng tác clip tuyên truyền, quảng bá “Di sản Hồ Chí Minh ở Huế - Sống mãi với thời gian”; triển khai ứng dụng công nghệ số vào hoạt động tham quan trực tuyến bảo tàng và các di tích lưu niệm; hoàn thành công trình chỉnh lý Nhà trưng bày Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ và trường Quốc Học Huế; hoàn chỉnh nội dung đề cương đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu, thống kê, sưu tầm các hoạt động di sản văn hóa phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế”.

4. Đẩy mạnh công tác quản lý, lập hồ sơ khoa học xếp hạng các di tích:

Trong năm 2021, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành quyết định xếp hạng  di tích mới được UBND tỉnh xếp hạng 10 di tích cấp Tỉnh gồm: Bia tưởng niệm liệt sỹ tại căn cứ quân sự Động Tranh (Bastogne), Địa điểm chiến thắng Cồn Rang (xã Phú Gia, huyện Phú Vang), Miếu Bà Giàng (phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy) và di tích Nhà thờ làng Diêm Trường, Miếu và Lăng mộ ông, bà Trà Quận công (xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc); địa điểm Lùm Phun (Xã Phú Xuân, huyện Phú Vang); Đình Lương Quán (Phường Thủy Biều, thành phố Huế); Đình Bao Vinh (Phường Hương Vinh, thành phố Huế); Đình Lương Văn (Phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy); địa điểm Cồn Bệ (Xã Phong Hiền, huyện Phong Điền); Lăng mộ Nguyễn Cửu Kiều và Công nữ Ngọc Đỉnh (Xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc); tham mưu trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định nâng cấp xếp hạng di tích cấp Quốc gia đối với di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng đồi A Bia theo quyết định số 3082/QĐ-BVHTT&DL.

Việc quản lý, lập hồ sơ khoa học xếp hạng các di tích là một trong những nhiệm vụ quan trọng đã được xác định trong Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

 5. Thừa Thiên Huế đăng cai tổ chức thành công Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII

Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII với chủ đề “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo, Cục Điện ảnh phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế và các đơn vị liên quan thực hiện đã được tổ chức từ ngày 18 đến 20 tháng 11 năm 2021 tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau 3 ngày được tổ chức với các hoạt động, sự kiện như: triển lãm “Thừa Thiên Huế - điểm đến của các nhà làm phim”, triển lãm ảnh “Di sản và Bạn”, chương trình “Áo dài với điện ảnh”, chiếu phim tại rạp, chiếu phim trực tuyến và giao lưu với các chuyên gia, nghệ sĩ điện ảnh trên nền tảng số VTVGo cùng một số hoạt động khác, Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII đã thể hiện sức hút của điện ảnh khi được đông đảo khán giả cả nước và người dân tỉnh Thừa Thiên Huế, các nghệ sĩ, các nhà làm phim, nhà sản xuất điện ảnh và báo giới trong nước đặc biệt quan tâm. Lần đầu tiên tại một kỳ Liên hoan Phim, tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao tặng giải thưởng giành cho bộ phim có bối cảnh quay đẹp về Thừa Thiên Huế cho tác phẩm điện ảnh “Mắt biếc” do Công ty Cổ phần Giải trí và Giáo dục Galaxy sản xuất. Dù có nhiều khó khăn bởi dịch bệnh phức tạp, Ban Tổ chức Liên hoan Phim và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Văn hóa và Thể thao đã hết sức cố gắng, nỗ lực để công tác tổ chức Liên hoan Phim được đảm bảo an toàn và diễn ra thành công tốt đẹp. Liên hoan Phim là sự kiện văn hóa nghệ thuật quy mô quốc gia được tổ chức trong điều kiện thích ứng với dịch bệnh Covid-19 và cũng là sự kiện văn hóa chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh”.

6. Bảo tàng Gốm cổ sông Hương được thành lập: Ngày 09/12/2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3217/QĐ-UBND cho phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập tại địa chỉ số 120 Nguyễn Phúc Nguyên, phường Hương Long, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế với tên gọi Bảo tàng Gốm cổ Sông Hương. Đây là bảo tàng ngoài công lập thứ 3 ở tỉnh Thừa Thiên Huế sau Bảo tàng đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn (thành lập năm 2012) và Bảo tàng Thêu XQ (thành lập năm 2016). Bảo tàng Gốm cổ sông Hương có tiền thân là không gian trưng bày gốm cổ sông Hương do GS.TS Thái Kim Lan và anh trai là cố họa sĩ Thái Nguyên Bá dày công sưu tầm hơn mấy chục năm qua và có cả những cổ vật của cố nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan. Hiện nay bảo tàng có gần 5.000 hiện vật, trong đó phần lớn là gốm cổ được vớt từ dưới lòng sông Hương có nhiều niên đại, từ gốm Chàm, gốm Sa Huỳnh, Tiền sử, Sơ sử, Lê sơ... và cả những hiện vật gốm từng được sản xuất tại làng cổ Phước Tích. Bảo tàng gốm cổ sông Hương sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách và cộng đồng người dân địa phương, là một thiết chế văn hóa để người dân tìm hiểu, trải nghiệm và tự hào về vùng đất của mình. Đó chính là nơi sông Hương kể câu chuyện về mình, về người Huế và lối sống Huế.

  7. Thể thao Thừa Thiên Huế vượt khó, tổ chức thành công nhiều sự kiện quy mô: Với tinh thần nỗ lực, khắc phục những khó khăn để thích ứng an toàn với đại dịch COVID-19, trong năm 2021, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với Vụ Thể thao Thành tích cao I, II; các Liên đoàn thể thao tổ chức thành công nhiều giải thể thao quốc gia, trong đó có những giải quy mô, thu hút đông đảo lực lượng vận động viên, huấn luyện viên trên cả nước tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển dịch vụ, du lịch của tỉnh nhà trong bối cảnh khó khăn chung do tình tình dịch bệnh Covid-19 gây ra. Tiêu biểu là Cuộc đua xe đạp toàn quốc “Non sông liền một dải” tranh cúp Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 33; Giải bơi - lặn vô địch quốc gia bể 25m; Giải vô địch Đá cầu cá nhân toàn quốc năm 2021; Giải Vô địch Taekwondo quốc gia năm 2021, Giải Cầu lông các cây vợt xuất sắc quốc gia năm 2021 và tổ chức Lễ phát động Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” kết hợp tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2021, thu hút đông đảo người dân tham gia hưởng ứng.

8. Kiên trì nhiệm vụ phục hưng và quảng bá thương hiệu Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam: Sau năm 2020 với nhiều hoạt động thiết thực để giới thiệu, đưa Áo dài đến với công chúng, năm 2021, Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, bảo vệ và tôn vinh các giá trị di sản Áo dài Huế nói riêng, Việt Nam nói chung. Đơn vị đã tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt đề cương đề án “Huế - Kinh đô áo dài” và đang tích cực xây dựng, hoàn chỉnh đề án để triển khai; giới thiệu Áo dài tại lễ hội “Tết Việt 2021” ở Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức chuỗi triển lãm online “Huế - Kính đô Áo dài Việt Nam” trên một số nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, Zalo... tổ chức hoạt động dâng hương, tri ân Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát - Người có công định chế lại y phục Áo dài Việt Nam, xây dựng hồ sơ khoa học Nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đặc biệt đã quảng bá, đưa hình ảnh của Áo dài vào các hoạt động của Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII thông qua chương trình thời trang “Áo dài và Điện ảnh”, xây dựng phim tài liệu “Xứ Huế và áo dài” tham gia Liên hoan Phim… đã khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa của công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị Áo dài truyền thống Huế, đưa Áo dài đến gần hơn trong cộng đồng.

  9. Hồ Thanh Minh - Gương mặt nổi bật của thể thao Thừa Thiên Huế năm 2021: “Bàn thắng vàng” vào lưới U23 Myanmar không chỉ mang về tấm vé tham dự vòng chung kết U23 châu Á 2022 cho U23 Việt Nam mà còn giúp Hồ Thanh Minh (cầu thủ thuộc biên chế của Đội Bóng đá Huế) khẳng định tài năng của mình trên phương diện cá nhân cũng như những đóng góp của thể thao Thừa Thiên Huế vào sự nghiệp thể thao thành tích cao của quốc gia. Hồ Thanh Minh giữ vai trò cầu nối, tấm gương để động viên và khích lệ đồng bào dân tộc đến với các hoạt động thể dục thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao. Thành tích của Hồ Thanh Minh đã được Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên dương, tặng bằng khen và nhiều giấy khen của các cơ quan, đoàn thể. Điểm sáng mang tên Hồ Thanh Minh chắc chắn trở thành tấm gương để thế hệ các cầu thủ trẻ Cố đô noi theo.

10. Sở Văn hóa và Thể thao hoàn thành nhiệm vụ cụm trưởng cụm thi đua ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Bắc Trung bộ: Năm 2021, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, đơn vị Cụm trưởng cụm thi đua ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch 6 tỉnh Bắc Trung bộ đã chủ động phối hợp cùng các đơn vị trong cụm triển khai nhiều phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, triển khai các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đề xuất bổ sung những giải pháp nhằm đảm bảo triển khai các nhiệm vụ phát triển ngành năm 2021 đạt chất lượng, hiệu quả cao và phù hợp với tình hình thực tế hoạt động của Cụm thi đua trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Tại Hội nghị tổng kết công tác thi đua ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Bắc Trung bộ năm 2021, các đơn vị trong cụm đã thống nhất suy tôn Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế và Nghệ An để đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng cờ Thi đua xuất sắc năm 2021. 

Nhật Nam
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL