Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 3.481
PHÁP LUẬT VỀ DI SẢN VĂN HÓA ĐIỀU CHỈNH CÁC HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY DI SẢN THẾ GIỚI: THỰC TRẠNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA
Lượt đọc: 1832Thời gian: 11:35 - 14/02/2024

Di sản Văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đây là sự kết tinh các giá trị, phản ánh quá trình dựng nước và giữ nước của nhân dân ta qua hàng ngàn năm lịch sử được trao truyền, kế thừa và phát huy từ nhiều thế hệ cho tới ngày nay. Xác định tầm quan trọng, vai trò cốt lõi của di sản văn hóa Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn có sự quan tâm to lớn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị. Điều này thể hiện qua việc ban hành và điều chỉnh, bổ sung các đường lối, chính sách cùng hành lang pháp lý để phù hợp với từng giai đoạn, điều kiện cụ thể từ Đề cương Văn hóa năm 1943 của Đảng, đến Sắc lệnh số 65/SL ngày 23 tháng 11 năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc Bảo tồn cổ tích trên toàn cõi Việt Nam; Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về Xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và các văn bản hướng dẫn kèm theo. Đến Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 06 năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã xác định rõ quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước.

Trong tổng thể di sản văn hóa Việt Nam, di sản văn hóa thế giới đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh tại Việt Nam là nguồn tài nguyên văn hóa nổi bật chứa đựng các giá trị vật thể, phi vật thể với nhiều loại hình phong phú, đa dạng khác nhau đã góp phần làm nên thương hiệu, hình ảnh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và nâng cao vị thế về đất nước con người Việt Nam trên trường quốc tế. Từ khi Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều năm 2009 được ban hành cùng với các văn bản hướng dẫn kèm theo, công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới tại các địa phương cơ bản đã đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế và hiệu quả quản trị toàn cầu ngày càng đang được chú trọng, Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009 cùng với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn kèm theo cần được nghiên cứu, rà soát, đánh giá và sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới nói riêng cũng như di sản văn hóa Việt Nam nói chung. Bài viết này đưa ra một số nhận định phân tích, đánh giá tổng quan các vấn đề bất cập, hạn chế, trên cơ sở đó, kiến nghị, đề xuất, sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến Luật này.

1. Tổng quan về di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam

Cho đến tháng 1/2024, Việt Nam có 32 di sản được UNESCO vinh danh thuộc 3 lĩnh vực: Di sản vật thể, di sản phi vật thể và Di sản tư liệu (không kể một số loại hình di sản tự nhiên khác cũng do tổ chức này vinh danh như : Công viên địa chất toàn cầu, Khu dự trữ sinh quyển...).

Đối với loại hình di sản vật thể, Việt Nam hiện có 9 địa phương có di sản được công nhận, thuộc 3 nhóm: Di sản văn hóa (có 5 di sản), Di sản thiên nhiên (có 2 di sản, riêng di sản Vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh mới được công nhận mở rộng qua quần đảo Cát Bà thuộc địa phận thành phố Hải Phòng), và Di sản văn hóa và thiên nhiên (thường gọi là Di sản hỗn hợp, có 1 di sản).

Theo trình tự thời gian, nhóm các di sản văn hóa được UNESCO công nhận thuộc về Huế, Quảng Ninh, Quảng Nam, Hà Nội, Thanh Hóa và Hải Phòng.

Quần thể Di tích Cố đô Huế (được công nhận năm 1993) là một ví dụ điển hình về quy hoạch và xây dựng, một kinh đô phòng thủ hoàn chỉnh trong giai đoạn đỉnh cao dù tương đối ngắn vào những năm đầu thế kỷ XIX. Tính toàn vẹn của quy hoạch đô thị và thiết kế xây dựng đã đưa Huế trở thành một mẫu mực hiếm có về quy hoạch đô thị vào cuối thời kỳ phong kiến ở Đông Á. Khu đền tháp Mỹ Sơn (1999) và Đô thị Hội An (1999) gồm hệ thống đền tháp Champa, nhà cổ và hệ sinh thái đều được bảo tồn nguyên vẹn, đảm bảo tính chân xác của di sản, góp phần tạo nên sức hấp dẫn thu hút khách tham quan. Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (2010) là minh chứng duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở châu thổ sông Hồng trong suốt lịch sử liên tục 13 thế kỷ và vẫn được tiếp nối cho đến ngay nay. Thành nhà Hồ (2011) được đánh giá là thành đá lớn nhất, độc đáo nhất và duy nhất còn tồn tại ở khu vực Đông Nam Á.

Đối với các di sản tự nhiên, Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận hai lần với giá trị thẩm mỹ tiêu biểu (1994) và giá trị ngoại hạng về địa chất địa mạo toàn cầu (2000), năm 2023 lại được công nhận mở rộng phạm vi bao gồm cả khu vực quần đảo Cát Bà thuộc thành phố Hải Phòng. Trong khi đó, Rừng quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng cũng được công nhận 2 lần bởi các giá trị đặc biệt về địa chất địa mạo (2003) và đa dạng sinh học, sinh thái (2015).  

Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) là di sản hỗn hợp duy nhất của Việt Nam (2014), được xem là đáp ứng được cả 2 tiêu chí về văn hóa và thiên nhiên có giá trị nổi bật toàn cầu và có tiềm năng rất lớn để xây dựng thành một khu du lịch có quy mô lớn.

 Về sức sống của những di sản văn hóa phi vật thể của các cộng đồng tộc người ở Việt Nam càng đa dạng và phong phú. Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam (2003) được bảo tồn và phát huy giá trị trong không gian diễn xướng nguyên thủy của nó tại các cung điện, đền miếu thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế góp phần hồi sinh di sản văn hoá Huế. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2005) của các tộc người cư trú trên địa bàn Tây Nguyên, một di sản văn hóa độc đáo và đặc sắc của các tộc người ở vùng văn hóa Trường Sơn - Tây Nguyên. Dân ca Quan họ (2009) là một loại hình nghệ thuật đặc sắc, độc đáo và tiêu biểu trong các hình thức diễn xướng dân gian của vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ. Nghệ thuật Ca trù được UNESCO (2009), đây là loại hình nghệ thuật quý báu của cha ông để lại đã đạt tới đỉnh cao về nghệ thuật và văn học. Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (2010) là sự mô phỏng một cách sinh động diễn biến các trận đấu của Thánh Gióng và nhân dân Văn Lang trong cuộc chiến chống giặc Ân, thông qua đó nâng cao nhận thức cộng đồng về các hình thức chiến tranh bộ lạc thời cổ xưa; đồng thời giáo dục lòng yêu nước, truyền thống thượng võ, ý chí quật cường và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc. Hát xoan được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần phải bảo vệ khẩn cấp (2011) và chính thức được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (12/2017). Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (2012) nhằm tri ân các bậc anh hùng dựng nước, có thể xem là tín ngưỡng Quốc tổ của người Việt. Nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam Bộ (2013) là loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo được sáng tạo dựa trên dòng nhạc lễ, nhã nhạc cung đình và những giai điệu ngọt ngào sâu lắng của dân ca miền Trung và miền Nam. Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh (2014) là sự kết tinh từ tình yêu, trí tuệ tài hoa của các dân tộc anh em trên vùng đất của núi Hồng - sông Lam. Lần đầu tiên, chúng ta có một Di sản đa quốc gia đó là Nghi lễ và trò chơi Kéo co, được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia (gồm Việt Nam, Campuchia, Philippines và Hàn Quốc) (2015), đây là trò chơi thú vị của các dân tộc có những nét tương đồng về văn hóa ở châu Á. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (2016) với những nét độc đáo của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ở người Việt, tín ngưỡng này thể hiện những giá trị văn hóa truyền thống trong tâm thức của người Việt. Nghệ thuật Bài Chòi miền Trung (2017) là một hoạt động văn hoá quan trọng trong cộng đồng làng xã, đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng, được truyền dạy chủ yếu trong trong gia đình, làng xóm, hội, câu lạc bộ và trường học.

Các di sản tiếp theo như Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái (2019) và mới đây nhất là Nghệ thuật làm gốm của người Chăm (2022) đều chứa đựng những giá trị văn hóa độc đáo đa dạng và có tính đại diện cao của các cộng đồng dân tộc Việt Nam, và đều có lịch sử lâu đời, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của đất nước và nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc.

Từ năm 1994, UNESCO đưa ra Chương trình Ký ức thế giới để công nhận các di sản văn hóa dưới dạng tư liệu (Documentary Heritage), đến nay đã có hàng trăm di sản thuộc loại hình này đã được tổ chức công nhận. Việt Nam hiện đã có 9 di sản tư liệu đã được UNESCO công nhận ở 2 cấp độ: thế giới và khu vực châu Á- Thái Bình Dương (3 di sản tư liệu thế giới là Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều NguyễnBia Tiến sỹ Văn Miếu Thăng Long; 6 di sản tư liệu khu vực châu Á- Thái Bình Dương là: Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm- Bắc Giang, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế- Thừa Thiên Huế, Mộc bản trường học Phúc Giang- Hà Tĩnh, bản đồ Hoàng Hoa Sứ trình đồ- Hà Tĩnh, Bia ma nhai ở danh thắng Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng và Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu -Hà Tĩnh).

Mộc bản triều Nguyễn (2009) là một loại hình tài liệu đặc biệt được tạo ra trong quá trình hoạt động của Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Ðây là những văn bản chữ Hán-Nôm được khắc ngược trên gỗ để in ra các loại sách, nhân bản các tài liệu của triều Nguyễn. Bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê và Mạc (2010) với sức hấp dẫn là nơi rạng danh các bậc hiền tài, kẻ sĩ trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Mộc bản kinh Phật thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm (2012) là nét văn hóa độc đáo là nơi lưu giữ những tinh hoa của Thiền phái Trúc Lâm ở Việt Nam. Châu bản triều Nguyễn (2014) với những văn bản hành chính của triều Nguyễn do các cơ quan hành chính trung ương và địa phương soạn thảo, thông qua nhà vua xem xét, châu phê bằng mực son để truyền đạt ý chỉ hoặc giải quyết các vấn đề về chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội... Đây được xem là kho lưu trữ tài liệu văn thư hành chính của vương triều Nguyễn. Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là những áng văn thơ không chỉ là minh chứng thuyết phục cho một thời kỳ phát triển rực rỡ của văn học trung đại Việt Nam mà còn góp phần làm nên phần hồn, làm tăng tính văn hóa cho các công trình kiến trúc thời Nguyễn. Cùng thời điểm đó, Việt Nam có thêm Mộc bản trường học Phúc Giang (Hà Tĩnh) được vinh danh là di sản thuộc chương trình Ký ức Nhân loại với nét độc đáo là nơi lưu giữ nếp gia phong, giáo dục của dòng họ Nguyễn Huy ở Hà Tĩnh; Hoàng Hoa sứ trình đồ là tập bản đồ với nhiều thông tin, hình ảnh quý giá ghi chép con đường đi sứ từ Việt Nam sang Trung Hoa của sứ thần triều Lê ở thế kỷ XVIII do Thám hoa Nguyễn Huy Oánh biên tập, ấn hành. Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn  là những tư liệu cực kỳ quý giá, chân xác và đặc sắc thể hiện tính giao thoa, hòa điệu về kinh tế, văn hóa xã hội giữa các quốc gia như Nhật Bản, Trung Hoa và Việt Nam từ thế kỷ XVII- XIX. Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu- Hà Tĩnh là một bộ sưu tập độc bản bao gồm sắc phong, văn bằng, trướng được viết bằng tay trên giấy, lụa từ năm 1689-1943, thể hiện nền giáo dục và văn hóa của một làng quê miền Trung trong nhiều thế kỷ.

Những năm qua, các di sản văn hóa thế giới đã được bảo tồn và phát huy, góp phần quan trọng vào việc giáo dục lịch sử, vun đắp truyền thống tốt đẹp của dân tộc; góp phần xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia, truyền bá các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ của di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam ra thế giới thông qua hoạt động du lịch, giao lưu văn hóa và hợp tác phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Trên phương diện kinh tế - xã hội, các di sản văn hóa thế giới đã trở thành những sản phẩm văn hóa - du lịch độc đáo, vừa là động lực vừa là mục tiêu cho sự phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch, đồng thời, từng bước làm thay đổi cơ cấu kinh tế và mang tới những lợi ích thiết thực của địa phương nơi có di sản thế giới.

2. Thực trạng và những vấn đề trao đổi về pháp luật di sản văn hóa điều chỉnh các hoạt động bảo vệ, phát huy di sản thế giới

Trong những năm qua, Luật di sản văn hóa năm 2001 ra đời và sau đó được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009 đã nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực di sản văn hóa, đồng thời, tác động tích cực nhiều mặt đến đời sống xã hội khi đi vào cuộc sống. Dẫu vậy, sau quá trình triển khai thực hiện cùng với sự vận động không ngừng của điều kiện thực tiễn, hiện nay, Luật Di sản văn hóa năm 2001, và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009 đã bộc lộ một số hạn chế, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó, có quy định liên quan đến di sản thế giới. Phần này sẽ trao đổi một số vấn đề bất cập cần làm rõ hơn hoặc điều chỉnh, bổ sung theo trình tự tổng quan đến cụ thể và theo kết cấu thứ tự của các điều, khoản, điểm nêu tại Luật Di sản văn hóa năm 2001, và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009 với những vấn đề như sau:

Thứ nhất, Luật Di sản văn hóa năm 2001, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009 gồm 7 Chương, 74 Điều, trong đó, cụm từ “di sản thế giới” và “di sản văn hóa thế giới” được đề cập tại Điều 19 và Điều 63 của Luật Di sản văn hóa năm 2001; Khoản 11 và Khoản 12 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009 nhưng chưa thể hiện cụ thể, rõ ràng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới.

Thứ hai, trên bình diện quốc tế, di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam được UNESCO vinh danh là niềm vinh dự, tự hào của cả dân tộc. Tuy nhiên, để các tầng lớp nhân dân hiểu như thế nào cho chính xác, đúng đắn nhất về di sản văn hóa thế giới và các nội hàm của di sản văn hóa thế giới (di sản thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa thế giới, di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới, di sản tư liệu thế giới và các loại hình di sản thế giới khác về phi vật thể) chưa có khái niệm (định nghĩa) cụ thể. Ngày 21 tháng 09 năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2017/NĐ-CP quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam, trong đó, có giải thích từ ngữ của “di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới”; “di sản văn hóa thế giới”; “di sản thiên nhiên thế giới”; “di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới hỗn hợp tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 3 của Nghị định. Cách giải thích này nhấn mạnh ở phạm trù “di sản văn hóa vật thể” nhưng nội dung thể hiện dễ gây hiểu lầm là đã bao gồm phạm trù “di sản văn hóa phi vật thể”.

Thứ ba, tại Điều 12, di sản văn hóa Việt Nam được sử dụng nhằm 3 mục đích “Phát huy giá trị di sản văn hóa vì lợi ích của toàn xã hội; Phát huy truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; Góp phần sáng tạo những giá trị văn hóa mới, làm giàu kho tàng di sản văn hóa Việt Nam và mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế” mới thể hiện ở khía cạnh về “tinh thần” chưa đề cập đến mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Trong khi quan điểm của Đảng đã xác định rõ tại Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 là văn hóa (mà trong đó có di sản văn hóa) là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Phải xem di sản văn hóa như một nguồn lực to lớn để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội (Công nghiệp văn hóa).

          Thứ tư, việc tôn vinh các loại hình di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể chưa đảm bảo tính cân đối. Tại Điều 18, loại hình di sản văn hóa phi vật thể được tôn vinh ở trong nước chỉ có cấp “quốc gia”; tại Điều 29, loại hình di sản văn hóa vật thể được tôn vinh ở trong nước có 3 cấp là “cấp tỉnh”, “cấp quốc gia” “cấp quốc gia đặc biệt”. Điều này ở một chừng mực nào đó cho thấy độ chênh, chưa thỏa đáng giữa công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể với bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể.

            Cùng với đó, di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO vinh danh là một bộ phận của di sản văn hóa Việt Nam nên cần thể hiện cấp độ xếp hạng (công nhận/ghi danh) ở trong nước thay vì chỉ có 1 cấp đối với di sản văn hóa phi vật thể và 3 cấp đối với di sản văn hóa vật thể như đã nêu trên.

Thứ năm, tại Điểm b Khoản 1 Điều 28 quy định có đề cập đến công trình xây dựng, địa điểm gắn với thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân, nhân vật lịch sử, tuy nhiên, đến nay chưa có quy định thể hiện cụ thể khái niệm, định nghĩa như thế nào là “anh hùng dân tộc”, “danh nhân”, “nhân vật lịch sử”. Vấn đề này không chỉ ảnh hướng đến việc xác định loại hình di tích mà còn tác động đến các hoạt động quản lý Nhà nước khác mà điển hình là công tác đặt, đổi tên đường, phố và các công trình công cộng tại các địa phương vì nó dễ mang ý chí chủ quan, đánh đồng khái niệm gây nhầm lẫn.

          Thứ sáu, những bất cập liên quan đến việc khoanh vùng bảo vệ di tích:

          - Pháp lệnh số 14-LCT/HĐNN7 ngày 04 tháng 4 năm 1984 của Hội đồng Nhà nước về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hoá và danh thắng ban hành quy định “mỗi di tích lịch sử, văn hoá là bất động sản và danh lam, thắng cảnh có từ một đến ba khu vực bảo vệ”. Do vậy, những hồ sơ di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam được UNESCO vinh danh và những di tích đã được cấp có thẩm quyền xếp hạng trước năm 2001 sẽ lập và tiến hành khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích theo quy định của Pháp lệnh này (trong đó, có những di sản thế giới, di tích có 3 khu vực khoanh vùng bảo vệ). Đến khi Luật Di sản văn hóa năm 2001, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009 có hiệu lực thi hành, đã quy định khu vực bảo vệ di tích gồm 2 khu vực (không còn khu vực bảo vệ III) tại Điều 32 và Điều 73 quy định “Những quy định trước đây trái với Luật này đều bãi bỏ”, tức là hồ sơ di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam được UNESCO vinh danh và những di tích đã được cấp có thẩm quyền xếp hạng có 3 khu vực khoanh vùng bảo vệ phải tiến hành lập lại hồ sơ khoanh vùng bảo vệ di tích để đảm bảo phù hợp với quy định mới. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai thực hiện, đặc biệt đối với các hồ sơ di tích là di sản văn hóa thế giới.

  - Thực tiễn cho thấy có nhiều khu di sản thế giới, di tích có diện tích, phạm vi rộng lớn (ví dụ như Quần thể di tích Cố đô Huế) và có nhiều hộ dân, cộng đồng dân cư địa phương đã sinh sống ổn định từ lâu. Trong đó, có nhiều hộ dân đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước thời điểm tiến hành khoanh vùng khu vực bảo vệ di sản thế giới, di tích và thời điểm Luật Di sản văn hóa năm 2001, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, tại Khoản 3 Điều 32 quy định: Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó”; “Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”; “Việc xây dựng công trình quy định tại khoản này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích”, điều này sẽ dẫn đến 2 trường hợp làm ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của người dân địa phương:

+ Một là, trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng sẽ không được tiến hành xây dựng công trình dân dụng phục vụ nhu cầu dân sinh vì trái mục đích so với quy định của Khoản 3 Điều 32; hoặc nếu được thì phải qua các bước quy trình, thủ tục phức tạp từ địa phương đến trung ương và đòi hỏi người dân phải có sự am tường về trình độ nhận thức pháp luật di sản văn hóa cùng với pháp luật về xây dựng.

+ Hai là, trường hợp người dân chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đã sinh sống ổn định từ trước đây và có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại các điều 100, 101 của Luật Đất đai năm 2013 nhưng với quy định ràng buộc của Khoản 3 Điều 32 nêu trên thì rất khó để các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương có thể cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.

          Thứ bảy, Khoản 4 Điều 33 quy định tổ chức thực hiện kiểm kê di tích và công trình, địa điểm được đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương, được bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hóa chưa đảm bảo tính toàn diện giữa bảo tồn các giá trị di sản văn hóa với tính pháp lý của Luật Đất đai bởi vì việc kiểm kê không được lập thành hồ sơ khoa học có xác nhận của các cấp có thẩm quyền và yêu cầu có đơn tự nguyện của cá nhân, tổ chức sở hữu công trình, địa điểm như hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích để làm cơ sở pháp lý về sau. Cùng với đó, các công trình, địa điểm thuộc danh mục kiểm kê di tích cấp tỉnh trong quá trình muốn sửa chữa, cải tạo sẽ chịu sự chi phối các quy định của Luật Di sản văn hóa tương tự như một “di tích cấp tỉnh”; trường hợp công trình, địa điểm chứa đựng những giá trị lịch sử văn hóa được đưa vào danh mục kiểm kê di tích cấp tỉnh nhưng không có sự đồng thuận của cá nhân, tổ chức sở hữu công trình, địa điểm sẽ dễ dẫn đến việc khiếu nại liên quan đến các quy định của Luật Đất đai.

          Thứ tám, Điều 34 quy định việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải bảo đảm các yêu cầu giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích, tuy nhiên, thực tế cho thấy trong hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích, việc xác định yếu tố nguyên gốc gặp rất nhiều khó khăn vì khái niệm này chưa được làm rõ trong Luật. Bên cạnh đó, đa phần các di tích có tuổi thọ cao thường được trùng tu tôn tạo nhiều lần, qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau trước khi xếp hạng di tích. Việc xác định yếu tố nguyên gốc thường gặp rất nhiều khó khăn.

3. Kiến nghị, đề xuất một số giải pháp điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện pháp luật di sản văn hóa

Từ những thực trạng và vấn đề trao đổi về pháp luật di sản văn hóa điều chỉnh các hoạt động bảo vệ, phát huy di sản thế giới nói riêng và di sản văn hóa Việt Nam nói chung, kiến nghị, đề xuất một số giải pháp điều chỉnh, bổ sung tương ứng với 8 nhóm vấn đề đã nêu trên nhằm hoàn thiện pháp luật về di sản văn hóa và đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong thời gian tới như sau:

          - Nghiên cứu bổ sung giải thích từ ngữ vào Luật hoặc giao trách nhiệm nghiên cứu bổ sung các khái niệm, định nghĩa của di sản văn hóa thế giới”“các nội hàm của di sản văn hóa thế giới (di sản thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa thế giới, di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới, di sản tư liệu thế giới và các loại hình di sản thế giới khác về phi vật thể)”; “anh hùng dân tộc”; “danh nhân”; “nhân vật lịch sử”.

          - Cần có một Chương hoặc Mục quy định riêng về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới.

- Điều 12 bổ sung một khoản thể hiện nội dung mục đích “phát triển kinh tế xã hội”.

          - Chương III - Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần xem xét nghiên cứu bổ sung các điều, khoản thể hiện sự tôn vinh các loại hình di sản văn hóa phi vật thể ở các cấp độ khác nhau tương ứng như di sản văn hóa vật thể: di sản văn hóa phi vật thể thế giới - di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đặc biệt - di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh. Cùng với đó, quy định thẩm quyền, thủ tục công nhận các loại hình di sản văn hóa phi vật thể.

          - Điều 29 cần xem xét bổ sung thêm cấp độ là di sản văn hóa thế giới.

- Nhằm đảm bảo tính thống nhất về quy trình, thủ tục, kiến nghị các di sản văn hóa đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt hoặc đã công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đặc biệt mới đủ điều kiện lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận/ghi danh là di sản văn hóa thế giới.

          - Cần ban hành Nghị định hoặc Thông tư hướng dẫn chi tiết việc thực hiện điều chỉnh hồ sơ khoanh vùng bảo vệ đối với các di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam và di tích đã được lập theo các quy định trước khi Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009 có hiệu lực thi hành.

          - Đối với công tác quản lý khu vực bảo vệ II, Khu vực bảo vệ I tại Điều 32 cần xem xét đối với những trường hợp do yếu tố lịch sử để lại và mang tính khách quan nên còn tồn tại nhiều hộ dân hoặc cộng đồng dân cư sinh sống trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích. Theo đó, xem xét quy định về việc xây dựng kế hoạch kiểm đếm, di dời, giải tỏa và đền bù các hộ dân hoặc cộng đồng dân cư sinh sống trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích; trường hợp chưa đảm bảo nguồn lực để thực hiện kế hoạch kiểm đếm, di dời, giải tỏa và đền bù trong tương lai gần cần tạo cơ chế cho địa phương chủ động nghiên cứu chính sách đặc thù trình cấp có thẩm quyền xem xét để giải quyết nhu cầu về dân sinh, xây dựng của các hộ dân sinh sống trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích. Đồng thời, cần có quy định, hướng dẫn cụ thể hơn với cách thức sử dụng khu vực bảo vệ II phù hợp với từng khu di sản văn hóa thế giới, di tích trên cơ sở điều kiện thực tiễn của từng địa phương để đảm bảo sự hài hòa giữa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa với phát triển kinh tế xã hội.

          Ngoài ra, quy định tại Khoản 1 Điều 36 Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch” cũng là một ràng buộc gây khó khăn về thủ tục pháp lý trong việc triển khai đầu tư các dự án phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu dân sinh của dân cư địa phương sinh sống xung quanh khu vực bảo vệ di tích. Kiến nghị nên ủy quyền cho địa phương hoặc cơ quan, đơn vị được giao trách nhiệm quản lý di tích ban hành quy định riêng (chỉ trừ những trường hợp đặc biệt mới phải xin ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch) đối với trường hợp xây dựng, cải tạo gần khu vực bảo vệ di tích hoặc quy định khoảng cách cụ thể từ khu vực bảo vệ di tích (ở đây là từ khu vực II) đến khu vực có thể tiến hành xây dựng, cải tạo mà chỉ cần thực hiện các thủ tục về pháp luật xây dựng để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, giảm bớt các thủ tục không cần thiết trong việc thực hiện xin phép xây dựng hoặc cải tạo nhà ở và triển khai các dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội.

h) Việc kiểm kê di tích tại Điều 33 cần bổ sung một khoản quy định “các công trình, địa điểm đưa vào danh mục kiểm kê di tích phải có sự đồng ý của cá nhân, tổ chức sở hữu hợp pháp công trình, địa điểm đó” để làm cơ sở pháp lý quản lý thống nhất, tránh sự chồng chéo các quy định giữa Luật Di sản văn hóa và Luật Đất đai.

- Điều 34 xem xét quy định làm rõ hoặc giao trách nhiệm cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn việc xác định yếu tố nguyên gốc của di tích.

Một số ý kiến khác:

- Khoản 4 Điều 13 bổ sung“trộm cắp” di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh vào các hành vi bị nghiêm cấm.

- Điều 41 quy định mọi di vật, cổ vật thu được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ hoặc do tổ chức, cá nhân phát hiện, giao nộp phải được tạm nhập vào bảo tàng cấp tỉnh nơi phát hiện. Bảo tàng cấp tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, luật chưa quy định rõ ngoài việc lựa chọn các hiện vật có giá trị, tiêu biểu để lưu giữ thì đối với hàng loạt di vật không nằm trong tiêu chí trên chưa có giải pháp xử lý, trong khi, qua nhiều năm kho lưu trữ của các đơn vị quản lý ở địa phương không thể đáp ứng được một số lượng lớn di vật như vậy. Do đó, kiến nghị điều chỉnh Điều 41 như sau: “Mọi di vật, cổ vật thu được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ hoặc do tổ chức, cá nhân phát hiện, giao nộp phải được tạm nhập vào bảo tàng cấp tỉnh nơi phát hiện và phân loại chuyển về các bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng địa phương nếu xét thấy phù hợp. Trường hợp nếu xác định hiện vật không phải là di vật, cổ vật bảo tàng cấp tỉnh nơi lưu giữ hiện vật tiến hành xử lý theo nguyên tắc hoạt động chuyên môn của bảo tàng. Bảo tàng cấp tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.”

- Khoản 4 Điều 41a điều chỉnh “Nhà nước dành ngân sách thích đáng để mua và quản lý, bảo vệ bảo vật quốc gia”.

*

Trên đây là một số ý kiến trao đổi liên quan đến tình hình thực hiện pháp luật về di sản văn hóa trong đó trọng tâm là Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009, qua đó người viết mạnh dạn đề xuất, kiến nghị một số nội dung nhằm hoàn thiện các quy định Luật Di sản văn hóa bổ sung trong thời gian tới và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc. Chúng tôi rất mong nhận được sự trao đổi, phản hồi từ các chuyên gia và các đơn vị chuyên môn liên quan, đồng thời hy vọng cơ quan soạn thảo Luật cầu thị, tiếp thu ý kiến góp ý trao đổi của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý từ khắp các địa phương trong cả nước để hoàn chỉnh Luật trong thời gian sớm nhất./.

 

PTH
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL