Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 1.954
Người phụ nữ sở hữu tuyệt kỹ làm trống cung đình
Lượt đọc: 87004Thời gian: 16:47 - 29/01/2017

(VHH) - Hàng chục năm qua, bà Hồ Thị Thương là phụ nữ duy nhất ở Huế theo nghề làm trống cung đình. Với việc sở hữu những tuyệt kỹ trong chế tác trống, bà đã được mời phục chế nhiều loại trống dùng trong các lễ hội cung đình ở Huế.

Giữ nghiệp tổ tiên

Ở Huế có nhiều cơ sở sản xuất trống, nhưng nổi tiếng nhất là cơ sở của bà Hồ Thị Thương (63 tuổi) nằm trên đường Lê Thánh Tôn, TP.Huế. Cơ sở này không có bảng hiệu nhưng được rất nhiều người biết đến bởi là nơi sản xuất ra những cái trống nổi tiếng về độ bền và độ chuẩn âm thanh.

“Khách hàng đặt tên cho những cái trống do tui làm là trống “o Thương” để phân biệt với trống của những cơ sở khác”- bà Thương vừa kể vừa hì hục cầm búa đóng vào tang chiếc trống lớn đang làm dở. 

“Làm trống là nghề nặng nhọc chỉ hợp với đàn ông, một phụ nữ, lại là phụ nữ Huế mà làm nghề này chắc là trường hợp độc nhất vô nhị?”. Nghe tôi hỏi, bà dừng búa, nâng vạt áo quệt mồ hôi, vẻ mặt trầm tư: “Nghề ni cực lắm, cả nước ni chắc chỉ có tui là phụ nữ làm trống. Vì không muốn những tuyệt kỹ chế tác trống của cha ông bị thất truyên nên dù mang thân đàn bà con gái, tui vẫn theo nghề”. 

Bố bà Thương là nghệ nhân Hồ Khách, quê gốc xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông Khách là nghệ nhân chế tác trống và là nhạc công nức tiếng dưới thời nhà Nguyễn. Người truyền nghề cho ông Khách là bố ông, cũng là một nghệ nhân làm trống nổi tiếng. Do am tường từ việc làm trống đến chơi trống nên ông Khách được tham gia đội nhạc của Từ Cung Hoàng Thái hậu - vợ vua Khải Định. Ông có hai vợ, mẹ bà Thương là vợ hai.

Từ nhỏ bà Thương đã say sưa xem bố mình chế tác trống rồi phụ giúp bố những công việc lặt vặt. Trong số những người con của ông Khánh, chỉ có bà Thương thích thú với nghề làm trống.

“Ba tui nói chỉ dạy cho tui biết nghề chứ con gái con lứa không được theo nghề ni vì rất nặng nhọc. Nên lúc đầu ba chỉ dạy những cái cơ bản, còn những tuyệt kỹ trong nghề ông nhất quyết không truyền cho tui”- bà Thương nhớ lại.

Khi bà Thương đến tuổi thiếu nữ thì ông Khách đã già yếu. Nhận rõ những tuyệt kỹ làm trống của gia đình có nguy cơ thất truyền, bà Thương năn nỉ xin bố truyền lại cho mình. Cảm động trước tấm lòng của con gái, ông Khách đã truyền dạy tất cả những kỹ năng, kinh nghiệm chế tác trống. Năm 1969, ông Khách qua đời và bà Thương kế nghiệp bố giữ gìn, phát triển nghề làm trống từ đó đến nay.

Thương hiệu trống "o Thương"

Hàng chục năm qua, thương hiệu trống “o Thương” không chỉ nổi tiếng ở Huế mà lan khắp khu vực miền Trung. Cơ sở của bà Thương làm được tất cả các loại trống, từ trống kinh, trống chiến dùng cho nhã nhạc cung đình và các nhà chùa cho đến trống hội, trống đại dùng cho các ngày hội, lễ tế làng, nhà thợ họ... Cái trống nào bà Thương làm ra cũng đạt chuẩn về âm thanh nên cơ sở của bà liên tục được khách trong và ngoài tỉnh đặt hàng.

Bà Thương kể, trước đây, khi công nghệ còn lạc hậu, việc làm trống nặng nhọc nhất là công đoạn xẻ và bào gỗ. Hàng ngày bà phải xẻ và bào hàng chục thanh gỗ mít bằng tay để làm thân trống, nên tối nào nằm ngủ chân tay cũng rã rời. Sau này, dù đã có máy móc nhưng việc chuẩn bị gỗ làm trống vẫn tốn nhiều sức người. Khâu khó nhất trong làm trống là chọn và bào da.

“Muốn có một cái trống chất lượng phải sử dụng da trâu cái. Đem da này bào hết lớp màng rồi khử mùi, đem phơi nắng cho khô. Tuyệt đối không được để da trâu bị ươn, nếu không trống coi như hỏng bét”- bà tiết lộ.

Theo bà Thương, chọn và bào da là công việc quyết định chất lượng âm thanh, độ bền của chiếc trống. Da trống phải được bào bằng tay thì khi đánh mới cho âm thanh đạt chuẩn.

“Bữa ni hầu hết các cơ sở sản xuất trống đều bào da trống bằng máy, không còn ai hì hục bào bằng tay như tui mô. Bào da bằng máy thì khỏe thân nhưng trống đánh ra sẽ chỉ có một âm, không ra thể thống chi cả, đó là chưa kể da trống rất nhanh bị hỏng. Bào da bằng tay mới căn được âm thanh phù hợp với từng loại trống, từ đó tạo ra cái trống âm thanh tốt” - bà nói.

Với việc sở hữu những tuyệt kỹ trong chế tác trống, bà Thương đã được mời phục chế nhiều loại trống dùng trong các lễ hội cung đình ở Huế. Bà chính là người đứng ra phục chế các loại trống dùng trong các lễ Tế đàn Nam Giao, Xã Tắc, trống treo ở lầu Ngũ Phụng (Đại nội Huế). Ngoài ra, bà cũng là người sản xuất hầu hết trống chiến phục vụ cho các nhạc công nhã nhạc cung đình Huế. Những chiếc trống do bà phục chế, sản xuất được các nhà chuyên môn đánh giá rất cao về chất lượng âm thanh.

Nói về tài nghệ làm trống của bà Thương, nghệ nhân Hồ Đăng Châu - nhạc công nhã nhạc cung đình Huế gạo cội - tấm tắc: “Tôi đã thử qua nhiều cái trống do nhiều nghệ nhân làm, nhưng chỉ có trống bà Thương làm là đạt chất lượng âm thanh tốt nhất. Trong số những nghệ nhân làm trống tên tuổi hiện nay, hiếm có người nào ở hữu được nhiều tuyệt kỹ chế tác trống của người xưa như bà ấy”. 

Học trò đặc biệt

Tuổi xuân của bà Thương trôi đi với những tháng ngày mải mê theo nghề làm trống đầy nặng nhọc. Đến năm 30 tuổi thì tình duyên mới đến. Người bạn đời của bà là ông Nguyễn Văn Phước - một người làm nghề xây dựng. Sau ngày cưới nhau, thương vợ lao lực, ông Phước bỏ nghề xây dựng để cùng vợ làm trống.

Ông Phước kể: “Tui vốn không biết chi về nghề ni, phải nhờ vợ truyền nghề nhiều năm liền mới biết những cái cơ bản. Làm học trò của vợ hàng chục năm rồi mà tui vẫn chưa thuần thục hết những bí kíp chế tác trống”.

Tiếp lời chồng, bà Thương cười và bảo: “Hầu hết những công đoạn để làm một cái trống đạt chuẩn thì ông ấy làm được hết rồi, chỉ còn việc bào da thì học mãi mà vẫn chưa được. Học trò mà như ri thì nghề của thầy sớm muộn chi cũng mai một thôi”.

Ông Phước đáp lời vợ: “Cưới bà tui còn cưới được nói chi tới làm trống, tui sẽ bào được”. Bà Thương cười, hướng về phía tôi, vui vẻ: “Nói rứa chơ nếu không có ông ấy hỗ trợ thì nghề của tui không phát triển được như ngày hôm nay”.

Người con trai của hai ông bà là Nguyễn Văn Hải (33 tuổi) vừa đi làm về liền bắt tay phụ giúp việc làm trống. Hải hiện là nhạc công của dàn nhã nhạc thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế. Nhờ được mẹ truyền dạy bài bản nên dù còn khá trẻ nhưng Hải đã thạo các công đoạn chế tác trống. “Tui muốn con nối nghiệp mình để giữ nghề gia truyền của ông ngoại, ông cố. Nó yêu nghề và có năng khiếu làm trống lắm. Vợ chồng tui già rồi nên chừ chỉ còn biết trông chờ cả vào nó”- bà Thương chia sẻ.

Theo An Sơn (Dân Việt)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL