Để công nhận di tích này, trước đó, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế họp bàn cùng với Sở Văn hóa và Thể thao TP. Đà Nẵng để lập hồ sơ và đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Hải Vân Quan là di tích cấp quốc gia.
Hải Vân Quan được xây từ đời Trần và được trùng tu vào thời Nguyễn (năm Minh Mạng thứ 7, 1826). Hải Vân Quan nằm ở đỉnh đèo vắt qua một rặng núi đâm ngang ra biển từ dãy Trường Sơn. Trên đỉnh cửa Hải Vân phía trước phía sau đều đặt một cửa quan (mặt trước viết 3 chữ “Hải Vân Quan”, ngạch sau viết 6 chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Lạc khoản một bên góc bảng còn ghi thêm "Minh Mệnh thất niên cát nhật tạo", tức và làm vào ngày tốt năm Minh Mệnh thứ 7 (1826). Ngày xưa, Hải Vân Quan là một vị trí chiến lược xung yếu của Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế về quân sự cũng như giao thông bằng đường bộ, đó là cửa ngỏ phía nam của vùng đất này. Đỉnh đèo Hải Vân ở độ cao 496m so với mực nước biển và cách Huế 77,3km về phía Nam.
Dưới thời nhà Nguyễn, Hải Vân Quan là cửa ải quan trọng, là cửa ngõ vào kinh đô Huế từ phía Nam. Chính vì vậy triều Nguyễn đã tập trung lực lượng và vũ khí quy mô ở Hải Vân Quan để trấn giữ. Theo Đại Nam Thực Lục, sau khi trùng tu Hải Vân Quan, triều đình đã “phái biền binh 4 đội Hữu Sai và 2 đội Ứng Sai chở súng ống đến để đấy (súng quá sơn bằng đồng 5 cỗ, súng phun lửa 200 ống, pháo thăng thiên 100 cây và thuốc đạn theo súng) theo viên tấn thủ đóng giữ”. Đây không chỉ là vị trí phòng thủ quan trọng của cửa ngõ phía nam Kinh thành Huế mà còn là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam.

Việc xếp hạng di tích Hải Vân quan tạo tiền đề quan trọng cho tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, thu hút khách tham quan du lịch.