Những thăng trầm
Làng Sình thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế, nằm ven bờ sông Hương, được hình thành cách đây hơn 400 năm. Có thể nói làng Sình là một ngôi làng cổ của Việt Nam.
Tranh dân gian làng Sình có nét giống tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) và tranh Hàng Trống (Hà Nội), nhưng nguồn gốc và xuất thân của dòng tranh này vẫn chưa có lời giải thích thấu đáo.
Theo nghệ nhân Kỳ Hữu Phước thì vào thời các chúa Nguyễn, trong đoàn người Nam tiến lúc bấy giờ vào vùng Thuận Hóa khai hoang lập ấp, ông Kỳ Hữu Hòa mang theo phương pháp làm tranh giấy mộc bản để mưu sinh. Tranh làng Sình ra đời từ đó.
Trước đây, tranh dân gian làng Sình chủ yếu phục vụ việc thờ cúng, tâm linh. Là những bản tranh khắc gỗ khá mộc mạc, nguyên thủy là những hình tượng thờ cúng cầu mong điều an lành cho cuộc sống.
Nói về tâm linh trong tranh dân gian làng Sình, ông Kỳ Hữu Phước chia sẻ ngày xưa trong tâm thức dân gian xứ Huế vẫn tồn tại một niềm tin rằng con người sinh ra có bổn mạng, phù hộ cho sức khỏe, công việc làm ăn, vận hạn...
Ngay trong tháng giêng, tháng hai, người Huế thường tổ chức cúng đất, cúng sao để giải hạn xấu, cầu điều lành. Tranh thờ làng Sình được dùng trong việc cúng bái như thế.
Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước kể vào những năm 1990, cho rằng tranh tâm linh của làng mang màu sắc dị đoan nên để trừ hại cho dân, bao nhiêu bản gỗ đều bị tịch thu, tiêu hủy.
Ông Phước trầm ngâm: "Tính trước thể nào người ta cũng tịch thu hết bộ bản khắc gia truyền của nhà mình, tôi đóng hết vào hòm gỗ rồi chôn sau vườn. Có lẽ còn có cái duyên với dòng tranh này nên tôi đã khôi phục được nó".
Sản phẩm du lịch độc đáo
Khi làm ra một bức tranh, bản khắc gỗ chỉ giữ vai trò làm khuôn và in màu chính. Những màu sắc còn lại được nghệ nhân vẽ thủ công. Chính vì thế nên không có bức tranh nào giống nhau. Nét độc đáo của tranh dân gian làng Sình là ở màu sắc, mỗi bức tranh mang một nét riêng, gắn liền với cảm xúc của nghệ nhân trong quá trình làm tranh.
Tông màu chính là xanh, đỏ, đen, vàng, tím. Nếu tranh dân gian Đông Hồ chỉ có bốn hoặc năm màu chủ đạo thì tranh dân gian làng Sình có nhiều màu hơn, phát triển theo trí tưởng tượng cũng như sự thích ứng văn hóa của cư dân làng Sình.
Những màu sắc của tranh chủ yếu được làm ra từ yếu tố thiên nhiên. Màu vàng nhẹ làm từ lá đung giã với búp hòe non, màu xanh dương từ hạt mồng tơi, hạt hòe làm nên màu vàng đỏ, nước lá bàng sẽ cho màu đỏ sẫm, bột gạch để có màu đơn, tro rơm nếp hòa tan trong nước rồi lọc sạch, cô lại thành màu mực đen bóng.
Còn về giấy in tranh, thay vì là giấy dó thường, người làng Sình còn xuôi thuyền về phá Tam Giang khai thác sò điệp, loài sò có vỏ mỏng và nhiều màu sắc. Vỏ sò được giã thành bột rồi trộn với hồ, sau đó phết hỗn hợp này hai lần lên giấy dó mà thành giấy điệp.
Để tranh đến được nhiều nơi, phục vụ du khách, tạo nguồn cho làng phát triển, ông Phước đã nghĩ ra việc làm những bản khắc gỗ mới với nội dung mới, không bó hẹp trong việc thờ cúng như trước đây. Những nội dung như trò chơi dân gian, phong cảnh, làm lịch cũng được ông đưa vào tranh và được nhiều du khách yêu thích.
Theo nghệ nhân Kỳ Hữu Phước, loại tranh này rất khó đem đi xa vì giấy điệp và màu sơn vốn không giữ được lâu nếu bảo quản không tốt, tranh lớn cũng gây khó khăn và e ngại cho du khách mỗi khi muốn mang về làm quà.
Ông Phước nghĩ ra cách làm ống tre rồi cuộn tranh cho vào bên trong, giúp giữ tranh được lâu và cũng làm sản phẩm du lịch thêm hấp dẫn, khách nước ngoài dễ mang về nước của họ.
Thế là tranh dân gian làng Sình có điều kiện theo chân khách thập phương đi khắp nơi trên thế giới. Tên làng Sình được khắc trên vỏ ống tre, cả tên nghệ nhân làm tranh và số điện thoại. Sáng kiến này giúp tranh bán được mỗi năm một nhiều hơn.
Tranh dân gian làng Sình đã đi qua cơn bĩ cực, góp thêm cho du lịch Huế một sản phẩm độc đáo mang bản sắc văn hóa Việt.