Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 9.850

Triển vọng mới trong việc phát triển Du lịch tàu biển tại Cảng Chân Mây tỉnh Thừa Thiên Huế
Lượt đọc: 99244Thời gian: 16:03 - 15/09/2014

(VHH) - Hiện nay, Du lịch tàu biển là loại hình du lịch mốt thời thượng và đang được thế giới ưa chuộng. Theo nhận định của các chuyên gia hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực này, Việt Nam là nước có tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp du lịch tàu biển trong tương lai. Trên thực tế, lượng khách du lịch qua đường biển đang tăng nhanh với nhiều loại du thuyền chuyên chở lớn, yêu cầu cấp thiết phải sớm đầu tư xây dựng cảng biển hiện đại để đáp ứng, nếu không sẽ mất đi cơ hội cạnh tranh với các quốc gia khác trong lĩnh vực du lịch.

Việc quy hoạch cảng biển du lịch và xây dựng các cơ sở hạ tầng hàng hải, kết nối các cảng biển trong khu vực là một trong những định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển ngành du lịch Việt Nam.

Cảng Chân Mây tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong 46 cảng biển được Hiệp hội Du thuyền Châu Á (ACA)  lựa chọn xây dựng điểm dừng chân cho các du thuyền ở khu vực Đông Nam Á.  Đây là cảng chính giữa con đường biển kết nối Singapore, Philippines và Hồng Kông. Ngoài ra, Cảng Chân Mây nằm ở vị trí trung tâm của Việt Nam, giữa hai đô thị lớn nhất miền Trung (Huế - Đà Nẵng), Khu du lịch trọng điểm quốc gia (Cảnh Dương - Lăng Cô - Hải Vân, vườn quốc gia Bạch Mã), Đô thị du lịch quốc gia (Huế). Do vậy, Cảng Chân Mây được đánh giá là địa điểm rất có tiềm năng phát triển tại Việt Nam.  

Mặt khác, Cảng Chân Mây là cửa ngõ hướng ra Biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất đối với các vùng miền khu vực Hành lang kinh tế Đông Tây (là nơi kết nối miền Trung Việt Nam với Trung Hạ Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar). Vì vậy, Cảng Chân Mây hội đủ điều kiện và tiềm năng để phát triển trở thành cảng công nghiệp du lịch tàu biển chuyên dùng. Hiện tại, Cảng Chân Mây có bến tàu với chiều dài 420m, độ sâu trước bến 12,5m đủ khả năng đón tàu có trọng tải 30.000DWT và tàu du lịch quốc tế cỡ lớn khoảng 3.000 khách. Năm 2014, đến tháng 8, Cảng Chân Mây đã đón trên 34.000 khách du lịch tàu biển đến tham quan tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy vậy, vẫn còn một vấn đề là việc Cảng Chân Mây hiện nay thiếu các điều kiện cơ sở hạ tầng để đón các loại tàu du thuyền siêu lớn có 4.500 đến 5.500 khách du lịch và 3.000 đến 3.500 thuyền viên phục vụ, đây là một hạn chế trong sự phát triển của du lịch Thừa Thiên Huế nói riêng và Việt Nam nói chung; do vậy cần phải sớm tiến hành xây dựng, cải tạo và nâng cấp Cảng biển Chân Mây phù hợp với yêu cầu phát triển của cảng tàu biển du lịch.

Thông qua Hội thảo Chiến lược Phát triển Công nghiệp Du lịch tàu biển Việt Nam được Tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức vào dịp Festival Huế 2014 với sự tham gia của các hãng tàu biển lớn trên thế giới, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã kêu gọi và nhận được sự quan tâm từ nguồn vốn Trung ương, nguồn xã hội hoá của hãng tàu biển Royal Caribbean và một số nguồn vốn khác để triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, nạo vét luồng lạch Cảng biển Chân Mây. Dự kiến từ 1/1/2015, hãng tàu này sẽ đưa những tàu khách đầu tiên đến Huế và sẽ đạt đến số lượng 25.000 khách mỗi năm.

Ngày 04 tháng 09 năm 2014, tại trụ sở Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã diễn ra cuộc họp giữa đồng chí Nguyễn Văn Cao - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Kế hoạch Đầu tư với đồng chí Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Cục Vụ Viện liên quan. Tham gia cuộc họp còn có sự tham dự của ông Jonh Tercek - Phó Chủ tịch phụ trách phát triển sản phẩm và thị trường mới đại diện của hãng tàu Royal Caribbean. Sau khi nghe ý kiến từ các đại biểu tham dự họp, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã đánh giá cao những đóng góp của hãng tàu biển Royal Caribbean cho ngành du lịch Việt Nam trong thời gian qua. Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam luôn là điểm đến “An toàn, Thân thiện và Chất lượng” đối với du khách, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn khuyến khích các hãng tàu biển quốc tế đưa khách du lịch đến nước ta tham quan, nghỉ dưỡng.

Để khai thác tiềm năng của Cảng Chân Mây, Bộ trưởng đã thống nhất và giao cho các đơn vị phối hợp, xây dựng các văn bản báo cáo Chính phủ, các Bộ Ngành liên quan với mục tiêu đưa Cảng Chân Mây vào quy hoạch thành một trong những Cảng Du thuyền có cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bộ trưởng cũng nhất trí chủ trương đề xuất nghiên cứu cho phép tàu du lịch tiếp tục triển khai các hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, mua sắm của du khách khi ở trên tàu trong thời gian tàu cập cảng. Đồng thời yêu cầu tỉnh Thừa Thiên Huế mở rộng và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí trên bờ trong thời gian tới, đồng thời tăng cường các hoạt động quảng bá sản phẩm du lịch và du lịch tàu biển tại các hội chợ du lịch trong nước và quốc tế nhằm xúc tiến, thu hút, tăng thời gian lưu trú của khách du lịch khi đến Việt Nam. Cùng ngày, đồng chí Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND tỉnh cùng các Ngành và các hãng tàu đã làm việc với Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam và các đối tác. Các bên đã ký vào các văn bản hợp tác nhằm đầu tư phương tiện để đón các tàu siêu lớn đưa khách đến Cảng Chân Mây.

Với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, nguồn lực đầu tư của các Bộ, Ngành liên quan, hy vọng trong thời gian tới, Cảng Chân Mây sẽ phát triển và tiếp tục là địa điểm lý tưởng của các hãng tàu biển lớn trên thế giới. Từ đó tạo cơ hội thuận lợi tiến tới thúc đẩy và hiện thực hóa những tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng cũng như trên đất nước Việt Nam nói chung.

Phan Tiến Dũng - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh TT-Huế

Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL