Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 50.057

Xây dựng và làm mới sản phẩm du lịch đóng một vai trò quyết định trong năm 2016
Lượt đọc: 104216Thời gian: 12:03 - 11/12/2015

(VHH) - Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VI, nhiệm kỳ 2011- 2016 đã diễn ra nhiều phiên chất vấn sôi nổi, có chất lượng cao. Trong đó, vấn đề phát triển du lịch được nhiều đại biểu tập trung thảo luận, đặc biệt chú trọng về các giải pháp để phát triển, đưa du lịch dịch vụ Thừa Thiên Huế có bước phát triển đột phá trong năm 2016 và những năm tiếp theo.

Trong phiên họp sáng nay (ngày 11/12/2015), sau phần trả lời chất vấn của Lãnh đạo Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng chí Phan Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được sự ủy quyền của UBND tỉnh trực tiếp trả lời chất vấn trước HĐND tỉnh về vấn đề liên quan đến hoạt động phát triển Du lịch trên địa bàn tỉnh thời gian qua và định hướng khắc phục trong thời gian đến. Trang Thông tin điện tử Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng đăng tải toàn văn nội dung trả lời chất vấn của đ/c Phan Tiến Dũng tại kỳ họp.

Ý kiến chất vấn của đại biểu Trần Duy Tuyến - Tổ đại biểu thị xã Hương Trà nêu ra: Trong những năm qua, mặc dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, hình thành nhiều tour du lịch mới,... tuy nhiên tình hình khách du lịch đến Huế giai đoạn 2011-2015 đạt thấp so với kế hoạch đề ra. Với những lợi thế riêng có của tỉnh như Quần thể di tích Cố đô Huế, dòng sông Hương nổi tiếng đẹp và thơ mộng, Vườn quốc gia Bạch Mã,.. nhưng sản phẩm du lịch Huế vẫn rất nghèo nàn. Đề nghị UBND tỉnh cho biết nguyên nhân của thực trạng này và những giải pháp sắp tới để tạo điều kiện thúc đẩy du lịch tiếp tục phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạng nổi trội của tỉnh.

Nội dung trả lời của đ/c Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Về tình hình khách du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế thời gian qua:

Tình hình khách du lịch trong giai đoạn 2011-2015 đạt mức tăng trưởng khá so với kế hoạch đề ra, lượt khách tăng gần 2 lần và doanh thu bình quân tăng 15% (được nêu trong Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV). Hằng năm, du lịch Thừa Thiên Huế đón từ 2,5 đến 3 triệu lượt khách, trong đó có gần 45% khách nước ngoài. Du lịch dịch vụ đã trở thành nền kinh tế mũi nhọn phát triển của tỉnh. Bình quân 3 năm trở lại đây, du lịch dịch vụ đóng góp trên 50% GDP của Thừa Thiên Huế, năm 2014 đóng góp 56% GDP. Thừa Thiên Huế được đánh giá là trung tâm du lịch lớn nhất vùng Bắc Trung bộ, cùng với Đà Nẵng và Quảng Nam trở thành trục trung tâm cho sự phát triển du lịch miền Trung và cả nước, nhiều năm liền các sự kiện về văn hóa, du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế được xếp vào 10 sự kiện văn hóa, du lịch tiêu biểu của Việt Nam.

Trong đó, năm 2012 mà đại biểu có nêu tỷ lệ tăng trưởng đạt cao hơn các năm khác lý do là năm tổ chức Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012 và Festival Huế 2012 với hơn 40 hoạt động lớn mang tầm quốc gia và quốc tế được tổ chức tại Huế. Riêng trong năm 2014 và 2015, tỷ lệ tăng trưởng khách du lịch có dấu hiệu tăng trưởng chậm, đặc biệt là khách lưu trú và khách quốc tế vì những lý do chủ yếu sau:

- Tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp dẫn đến sự suy thoái và một số ngành dịch vụ, trong đó có du lịch tăng trưởng chậm lại và đặc biệt có thời điểm tăng trưởng âm. Trong cả nước, theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2015 ước tính khách du lịch đạt 56,2 triệu lượt khách (có 26 triệu lượt khách lưu trú), giảm 3% so với năm 2014. Riêng Thừa Thiên Huế số khách du lịch là 3,25 triệu lượt, tăng 11,8%; khách lưu trú ước đạt 1,8 triệu lượt; khách quốc tế lưu trú giảm 2,1%.

Khai trương đường bay mới Huế - Đà Lạt

- Theo các thống kê, ở Thừa Thiên Huế có nguồn khách từ các địa phương như Quảng Trị, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam đến du lịch và về trong ngày (không lưu trú) cũng như số lượng khách du lịch quốc tế tàu biển cập cảng Chân Mây khá lớn (chỉ lưu trú trên tàu), có mức tăng trưởng ổn định qua hằng năm. Tuy nhiên, lượng khách này chỉ đến tham quan, sử dụng các loại hình dịch vụ và đi trong ngày hoặc lưu trú trên tàu nên không được thống kê vào số lượng khách lưu trú, dẫn đến việc lượng khách quốc tế (trong đó có tàu biển) ở mức tăng trưởng thấp. Điều này khác với các địa phương khác tất cả đều được đưa vào thống kê.

Nguyên nhân du lịch Thừa Thiên Huế chưa có các sản phẩm du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh:

- Hệ thống sản phẩm du lịch chính là văn hóa - di sản do chậm "đổi mới chất lượng" nên dẫn đến "bão hòa", nhất là lượng khách trong nước không tăng như các địa phương khác, do vậy khả năng hấp dẫn thu hút khách ít hơn giai đoạn trước. Các di tích lịch sử văn hóa ở Huế chỉ mới khai thác được một phần trên cơ sở các điểm cũ, chưa mở rộng thêm các điểm mới, các di tích, danh thắng khác chưa được đầu tư tu bổ, tôn tạo hoàn chỉnh để trở thành các điểm du lịch hấp dẫn.

- Du lịch biển, đầm phá là thế mạnh nhưng mức độ đầu tư thấp; hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với các điểm tắm biển thiếu đồng bộ; hệ thống dịch vụ phục vụ khách tại các bãi tắm còn manh mún, nhỏ lẻ, hoạt động mang nặng tính mùa vụ.

- Công tác xã hội hóa trong xây dựng các sản phẩm du lịch, dịch vụ còn yếu, một phần do các doanh nghiệp kinh tế, doanh nghiệp du lịch dịch vụ trên địa bàn quy mô còn nhỏ; thiếu năng lực và kinh phí đầu tư vào các dịch vụ cao cấp. Mặt khác, thời gian qua tỉnh kêu gọi còn ít các nhà đầu tư có thương hiệu tham gia vào lĩnh vực lưu trú, giải trí, mua sắm, phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ. Còn thiếu các loại hình dịch vụ, các điểm mua sắm, các mặt hàng lưu niệm chất lượng cao.

- Việc kết nối khách du lịch đường biển và đường hàng không đến với Huế thời gian qua còn nhiều khó khăn. Việc di chuyển của du khách còn chiếm nhiều thời gian dẫn đến hạn chế số điểm tham quan. Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế do đặc điểm địa lý nên việc kinh doanh du lịch còn bị ảnh hưởng bởi thời tiết, mưa bão thất thường.

Nhiều chuyến tàu cập Cảng Chân Mây trong năm 2015

Những giải pháp trong thời gian tới:

Căn cứ vào các giải pháp phát triển du lịch của Ban Chỉ đạo Nhà nước về phát triển du lịch cùng với việc Trung ương đã bước đầu bãi bỏ VISA một số nước sẽ góp phần kích cầu du lịch. Năm 2016 là năm tổ chức Festival Huế và các chương trình phát triển du lịch dịch vụ do tỉnh triển khai (theo Nghị quyết về Kinh tế - Xã hội của Tỉnh ủy), trong đó tập trung thực hiện các giải pháp sau:

1. Xây dựng và làm mới sản phẩm du lịch: Tập trung nâng cao chất lượng loại hình du lịch di sản, mở rộng phạm vi trưng bày tham quan, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ tại di tích Hoàng Thành, các lăng vua, các địa điểm khác mà du khách quan tâm. Hiện tại, sản phẩm du lịch này đã phát triển “tới ngưỡng”, do vậy phải “làm mới” và nâng cao chất lượng để tạo sự cạnh tranh với sản phẩm các địa phương xung quanh. Chọn lựa, huy động những doanh nghiệp dịch vụ chuyên nghiệp cùng đầu tư nhằm đột phá, làm gia tăng các sản phẩm đặc thù với mục đích khai thác, phát huy khu Hoàng Thành, các khu vực trong Kinh Thành như: Tuyến du lịch sông Ngự Hà, hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, các khu Hổ Quyền, Voi Ré, Văn Thánh... tạo sự phong phú sản phẩm, tăng nhanh nguồn thu tại các di tích. Tiếp tục xây dựng kế hoạch cụ thể để phát huy loại hình du lịch tâm linh, nghiên cứu đầu tư triển khai hiệu quả dự án Khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng Bạch Mã, Thiền viện Trúc Lâm... xem đây là thế mạnh riêng của Huế nhằm thu hút các nhà nghiên cứu và du khách quan tâm đến loại hình này. Có các đề án cụ thể và cân đối mức đầu tư để phát huy các sản phẩm qua các kỳ Festival, khắc phục tình trạng chỉ trình diễn mà không sử dụng thành sản phẩm để duy trì phục vụ dịch vụ du lịch.

Ưu tiên đầu tư các sản phẩm du lịch biển tại Thuận An, Lăng Cô để phát triển mang tính chuyên nghiệp, nối kết thành phố Huế với Thuận An thành khu nghỉ mát biển mang tính chiến lược cho phát triển lâu dài (theo Nghị quyết về Kinh tế - Xã hội của Tỉnh ủy) kết hợp với đầu tư phát triển các loại hình giải trí cao cấp như các trò chơi thể thao, dù lượn, thủy phi cơ, tàu cánh ngầm...

Đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu ẩm thực Huế, xem đây là sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Trong đó, khai thác triệt để các yếu tố cung đình, dân gian, y học trong ẩm thực để giới thiệu, hấp dẫn du khách.

Kêu gọi và tạo điều kiện cho một số nhà đầu tư chiến lược nghiên cứu đầu tư vào du lịch dịch vụ như: Bitexco, Vingroup… Phối hợp, có kế hoạch liên kết với các hãng lữ hành lớn như: Vietravel, Saigontourist, Vidotour, Vietnamtourist… nhằm chủ động nguồn khách. Xây dựng các tour tuyến đặc sắc đưa khách số lượng lớn đến Huế thông qua các lễ hội, chương trình kích cầu du lịch. Để du lịch tiếp tục đà tăng trưởng thì việc xây dựng và làm mới các sản phẩm du lịch như đã nêu ở trên có vai trò quyết định.

2. Về hạ tầng, giao thông: Kết nối giao thông thuận lợi nhất cho quá trình phát triển du lịch, tạo sự liên kết với các doanh nghiệp mở các đường bay nội địa để nối tiếp Huế - Cần Thơ, Nha Trang và đường bay quốc tế nối Huế với các cố đô trong vùng. Hiện đã làm việc với các hãng như Jetstar, Vietjet Air nối kết được đường bay Huế - Bangkok, Huế - Đà Lạt, Huế - Nha Trang (dự kiến sẽ khai trương ngày 26/3/2016); về du lịch tàu biển sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ Giao thông Vận tải đang quản lý cảng Chân Mây, hãng tàu Royal Carribean Cruise nâng cấp các cầu cảng và hình thành khu dịch vụ tại cảng Chân Mây nhằm đáp ứng nguồn khách đông vào năm 2016, 2017 và những năm tiếp theo.

Xây dựng các bến đỗ, bến thuyền, cầu tàu vùng đầm phá Tam Giang (về vấn đề này tỉnh đã giao các huyện, thị xã chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban ngành cấp tỉnh xây dựng đề án và phê duyệt, khởi công trong năm 2016, trước mắt ưu tiên khu dịch vụ Cồn Tộc (Quảng Điền), Đầm Sam (Phú Vang) để khai thác tuyến đầm phá Quảng Điền, Hương Trà, Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc (khu vực này có nhiều di sản, các khu tràm chim, các hoạt động canh tác trồng trọt... phục vụ du lịch trải nghiệm); hoàn thiện các sản phẩm du lịch tại các huyện Nam Đông, A Lưới, liên kết với các doanh nghiệp lữ hành để khai thác hiệu quả các sản phẩm này. Đầu tư nâng cấp hệ thống đường giao thông thuận lợi đến các điểm du lịch cộng đồng tại làng cổ Phước Tích, Cầu ngói Thanh Toàn, làng hoa giấy Thanh Tiên, làng Sình...

3. Về cơ chế, chính sách: Xây dựng chính sách ưu đãi, huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng vào những khu du lịch dịch vụ quy mô lớn (trước mắt có cơ chế để xã hội hóa, huy động các doanh nghiệp xây dựng các khu dịch vụ tại Cảng Chân Mây và trung tâm thành phố Huế)

Đ/c GĐ Sở VHTTDL tặng hoa cho khách du lịch đến Huế qua Cảng Chân Mây

Có các cơ chế chính sách đồng bộ, ưu tiên thu hút đầu tư về cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch, nhất là "các nhà đầu tư chiến lược" có thương hiệu mạnh, đẳng cấp sớm đầu tư vào lĩnh vực du lịch như: Vingroup, Bitexco, BRG, Hilton, Hyyat, Marriott, InterContinental, Banyan Tree... để phát triển loại hình khách sạn cao cấp, trung tâm hội nghị, mua sắm, giải trí...

Khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm; huy động các nguồn đóng góp từ thu nhập du lịch cho hoạt động bảo tồn, phục hồi các giá trị văn hoá và phát triển du lịch xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chủ động tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như ILO, UNESCO, EU, JICA... để phát triển và duy trì các loại hình dịch vụ du lịch nói trên tại làng cổ Phước Tích, Cầu ngói Thanh Toàn...

4. Về xúc tiến quảng bá: Xây dựng chương trình tổng thể triển khai xúc tiến quảng bá theo hướng hiệu quả, thiết thực; tăng cường xã hội hóa kinh phí, huy động các doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan tham gia; tập trung các thị trường trọng điểm, đổi mới hình thức xúc tiến, chú trọng đúng tâm lý khách hàng, khắc phục nhược điểm hiện tại là chỉ quảng bá những cái mà địa phương mình có mà chưa quan tâm những cái khách cần nơi đến du lịch.

Các ngành phối hợp tăng cường xây dựng các trung tâm thông tin du lịch ở sân bay, ga tàu, cảng Chân Mây và những khu vực thuận lợi trong địa bàn thành phố, nhằm cung cấp kịp thời thông tin các dịch vụ để du khách yên tâm lựa chọn các lộ trình, sản phẩm thích hợp.

5. Liên kết để phát triển: Liên kết Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam để tiếp tục phát triển du lịch, ngoài ra còn liên kết Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Tây Nguyên, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và ngay cả một số nước trong ASEAN để phát huy lợi thế so sánh, tính cá biệt và các ưu thế chung trong sự liên kết này.

6. Đảm bảo tính đồng bộ trong tổ chức thực hiện: Phối hợp xây dựng cơ chế liên kết chặt chẽ giữa nhà nước, các doanh nghiệp cùng tư nhân theo mô hình hợp tác công - tư trên cơ sở luật pháp và tư duy đột phá nhằm thu hút các nguồn lực. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của các địa phương trong việc phối hợp đảm bảo trật tự, vệ sinh, an toàn cho du khách, đảm bảo hình ảnh điểm đến thân thiện, hấp dẫn.

Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL