Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 64.526

Thuyền tre nhớ Huế...
Lượt đọc: 71273Thời gian: 10:18 - 19/07/2016

(VHH) - Tại Huế, thuyền rồng bằng tre đang được bày bán nhiều nơi, hầu như đều lấy từ xưởng anh Tuấn, chị Trang. Mẫu hàng lưu niệm này bán nhiều nhất ở chợ Đông Ba.

"Bản sao" thuyền rồng sông Hương

Xưởng sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ nổi danh nằm ở một góc sâu kiệt 8 đường Tú Xương (phường Tây Lộc, TP Huế) do vợ chồng anh Nguyễn Tuấn và chị Hoàng Thị Minh Trang làm chủ. "Bụi bặm ri các anh chị đến đây làm chi. Ra chợ Đông Ba, sản phẩm thuyền rồng này được trưng bày nhiều, tha hồ xem rồi mua", vợ chồng chủ xưởng nói.

Theo lời anh Tuấn, hai vợ chồng đã có hơn 10 năm sản xuất thuyền rồng thu nhỏ để bán cho các cửa hàng kinh doanh sản phẩm du lịch và du khách đến Huế. "Người ta đến Huế, nghe ca Huế, được ngồi trên thuyền rồng dạo quanh những thắng cảnh đẹp giữa dòng sông Hương. Vậy tại sao chúng ta không nghĩ ra một sản phẩm để khách có thể lưu giữ những kỷ niệm khó phai này khi đến với Cố đô", chị Trang nhớ lại ý tưởng manh nha thực hiện mặt hàng lưu niệm này.

Hai vợ chồng tự vẽ mẫu, nghiên cứu cách đan thuyền, trang trí hoa văn đặc trưng của Huế... Để có được một "bản sao" thuyền rồng bằng tre giống với chiếc thuyền rồng giữa dòng sông Hương, theo anh Tuấn, phải trải qua rất nhiều quy trình hoàn toàn làm bằng tay. Anh Tuấn nhấn mạnh: "Khâu chọn tre phải kỹ, sao cho tre không bị mối mọt, không già cũng không non. Việc chẻ tre cũng vậy, không dày không mỏng mà phải đều thì khi đan, chiếc thuyền mới toát lên vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng".

Thời gian làm một chiếc thuyền mất khoảng 2,5 giờ đồng hồ. Khó nhất là công đoạn lộng đuôi rồng và mạn thuyền sao cho có độ cong vừa phải, lúc hoàn thành có thể đứng yên khi đặt trên mặt phẳng. Chị Trang cho hay "Mặc dù xưởng có hàng chục thợ nhưng chỉ có mình anh Tuấn đảm nhận được việc này. Ngoài khéo tay cần có độ kiên nhẫn, nhẹ nhàng để giữ được cái hồn cho từng chiếc thuyền", chị Trang kể. Ngoài đan mành cũng phải cẩn thận, xuôi theo lối sóng, thì công đoạn cắt những “đầu” và "đuôi rồng" ghép vào thuyền vô cùng khó khăn, cần sự tỉ mỉ, khéo léo bởi đây là hai chi tiết đắt giá tạo nên thành công cho sản phẩm mà du khách rất coi trọng khi mua về làm quà lưu niệm.

Tiến đến đăng ký bản quyền

Mỗi ngày xưởng của vợ chồng anh Tuấn, chị Trang xuất ra thị trường khoảng 50-70 sản phẩm, tạo công ăn việc làm cho 7 công nhân với mức thu nhập 150.000 đồng/người/ngày. Không những vậy, những công nhân còn được hai vợ chồng anh Tuấn truyền nghề tận tình. Chị Lê Thị Hoa, có 4 năm làm nghề này cho biết, việc cho ra một chiếc thuyền rồng bằng tre vô cùng vất vả nên yêu cầu thợ phải có niềm đam mê, đủ kiên nhẫn khi đó mới có một sản phẩm đẹp. "Mình đam mê với nghề thì nghề không phụ mình. Hiện tôi đang cố học thêm phần cắt đầu, đuôi rồng nữa sẽ xin ra nghề, mở xưởng làm ăn riêng", chị Hoa chia sẻ.

Đến nay, sản phẩm thuyền rồng bằng tre của xưởng đã xuất đi các tỉnh thành như Nha Trang, Hạ Long, Hội An... Theo yêu cầu của khách hàng, mà các thợ ở xưởng có thể trang trí các họa tiết về từng địa danh nổi tiếng tên vòm thuyền. Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào cũng đạt yêu cầu của khách, nhất là du khách nước ngoài. Anh Tuấn nhớ lại, từng có một đoàn khách quốc tế khi đến mua thuyền rồng bằng tre về làm quà lưu niệm phát hiện một chiếc có đường đan bị ngược. “Họ là du khách đi nhiều nơi, biết nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ nên góp ý rất chân thành. Lập tức mình liền lấy chiếc thuyền tre khác tặng thay cho sản phẩm bị lỗi, và cảm ơn chân tình”, anh Tuấn kể.

Tại Huế, thuyền rồng bằng tre đang được bày bán nhiều nơi, hầu như đều lấy từ xưởng anh Tuấn, chị Trang. Mẫu hàng lưu niệm này bán nhiều nhất ở chợ Đông Ba. Tại kios của chị Lê Thị Thắm, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước sự thích thú của đông đảo du khách: “Quá đẹp. Quá dễ thương. Ngắm nó sẽ nhớ Huế lắm”, một du khách nhận xét.

Đầu ra tốt, thế nhưng nỗi lo hiện nay là chuyện đăng ký thương hiệu, bản quyền sản phẩm. Chị Trang cho biết, chỉ biết làm và bán chứ chưa hề nghĩ đến chuyện đảm bảo thương hiệu do mình làm ra.

Ông Hoàng Minh Đức, Chủ tịch UBND phường Tây Lộc đánh giá cao về mô hình sản phẩm thuyền rồng bằng tre của xưởng anh Tuấn, chị Trang. Ngoài tạo dựng được sản phẩm, thương hiệu quảng bá du lịch cho Huế, công việc này còn giúp nhiều hộ dân có công ăn, việc làm ổn định và thoát nghèo. "Trong những dịp Festival Nghề truyền thống Huế trước đó, phường đã mời anh Tuấn chị Trang đi giới thiệu, quảng bá sản phẩm thuyền rồng bằng tre nhưng vì điều kiện còn khó khăn nên anh chị chưa tham gia. Tuy nhiên, phường luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ xưởng để quảng bá sản phẩm, đăng ký thương hiệu", ông Đức nói.

Theo Phan Thành (Báo TTH)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL