Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 16.634

Dấu ấn nghệ thuật trang trí ở lăng Thái Hậu Từ Dũ
Lượt đọc: 81286Thời gian: 14:02 - 25/07/2016

(VHH) - Các đề tài trang trí hàm chứa nhiều giá trị tạo hình độc đáo, đi kèm là ý nghĩa tâm linh tinh tế với những biểu trưng nhất định...

Trong di sản văn hóa Huế, ngoài hệ thống quần thể lăng tẩm các vua Nguyễn còn có lăng các bà hoàng với nghệ thuật trang trí đặc sắc, mà một trong những công trình đó là lăng Thái hậu Từ Dũ, nơi ẩn dấu bóng dáng mỹ thuật cung đình một cách sâu đậm.

Lăng Thái hậu Từ Dũ nằm trong quần thể không gian rộng lớn của lăng Thiệu Trị, bắt đầu từ hai trụ biểu được xây dựng bằng gạch với điểm nhấn là hồ bán nguyệt nằm phía trước. Tại bửu thành, có các bậc nền, lan can xây bằng gạch, trát vữa cổ. Lăng được san đồi thành 4 bậc cao dần làm cho chúng ta nhớ đến không gian nền 4 bậc ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh), nơi có tượng đá Adida nổi tiếng của thời Lý (1009 - 1225).

Cổng bửu thành có đường diềm hoa dây, mô típ cánh sen và tranh nề họa hoa văn chim phụng - biểu tượng của các bà hoàng. Hình ảnh các loại quả như đào, lựu, quả Phật thủ biến thể thành đầu rồng, phụng, cũng được thể hiện rất trau chuốt. Các trang trí khác về đề tài tứ thời ở các ô, hộc cũng tạo nên một tổng thể liên kết tương đôi khác lạ, chúng gợi nên cảm giác hài hoà giữa trang trí và hình khối thẩm mỹ của kiến trúc một cách rõ nét với tính định hướng tâm linh lắng đọng. Tại bửu thành không có cửa bằng đồng bảo vệ như các lăng khác, ngay sau vòm cổng bửu thành là bình phong với hình ảnh lưỡng phụng cầu vân tinh xảo, mềm mại, tạo hình trau chuốt, thể hiện một sức sống mạnh mẽ và bay bổng.

Cổng Bửu Thành - Lăng Thái hậu Từ Dũ

Để tạo được hình tượng sống động, nghệ nhân phải có những chuẩn bị công phu về vật liệu, màu sắc nề họa, các vật phẩm trang trí khác. Hình ảnh con phụng có sự biến thể, xuất hiện nhiều vào cuối thế kỷ XIX và dần trở thành một kiểu thức trang trí phổ biến trong trang trí cung đình. Phía dưới chân bình phong có các họa tiết trang trí hoa văn mây, sóng nước, các hoa dây đan vào nhau trải dài phía dưới chân.

Tại bình phong hậu có trang trí đôi phụng rất lớn chiếm vị trí chủ đạo, dù nhiều mảnh sứ và màu vẽ, nề đã bong tróc, nhưng đôi phụng vẫn rất uyển chuyển, nhẹ nhàng, tao nhã với những ý nghĩa tượng trưng đầy cao quý. Trong cấu trúc đôi phụng ở bình phong, các nhịp điệu của hình thể phụng được tính toán thật tỷ lệ sao cho khép kín mặt phẳng của bình phong và tạo được ấn tượng sinh động, phản ánh chức năng biểu tượng cho chủ nhân của công trình.

Với vị trí và cách tạo hình đôi phụng ở lăng này, chúng ta nhận ra có sự tương đồng với đôi phụng tại lăng hoàng hậu Lệ Thiên Anh (trong quần thể lăng Tự Đức) với những tiết điệu riêng không thể lẫn lộn. Đôi phụng trang trí trên chất liệu nề vữa, dù bị phôi pha theo thời gian nhưng vẫn nhận ra nét tinh tế, tỉ mỉ, khéo léo ở từng chi tiết được các nghệ nhân sắp xếp một cách chính xác, phối màu hài hòa và có tính nghệ thuật cao, mang ý nghĩa tượng trưng đúng với biểu tượng vẻ đẹp và đức hạnh của các bà hoàng.

Tại huyền cung, vị trí trung tâm quan trọng nhất của bửu thành, nơi đặt thi hài cùa bà Từ Dũ, đáng chú ý nhất là các hình tượng - hoa văn chạm đá với các nét chạm tỉ mỉ và tinh xảo, trau chuốt, các hình tượng long ẩn vân trên bệ thờ bằng đá, kết hợp với các hoa lá cách điệu. Trên đỉnh mái huyền cung được trang trí khá khác biệt, hình tượng đôi rồng quay đầu, các nét chạm khắc trên đá tỉ mỉ, tinh xảo. đuôi và vẩy rồng ở đây mang dáng vẻ hiền hòa, gần gũi. Mặc dù không mới về ý nghĩa và kiểu thức, tuy nhiên sự khác biệt là con rồng với các họa tiết có sự đột phá về đường nét, sự căng mình của thân rồng cuồn cuộn với vẩy đan xen, sắc sảo và biến hóa ngay từ trên đỉnh mái huyền cung.

Hoa văn chạm đá bệ thờ tại Lăng Thái hậu Từ Dũ

Trên nóc mái của huyền cung là hai bình phong nhỏ ở 2 đầu hồi với chữ Thọ cách điệu kỹ hà và hoa văn dây trong ô hộc dài kết hợp với hoa văn mai rùa tượng trưng cho sự bền vững trường tồn mãi mãi. Điều này cho thấy, trong quan niệm phương Đông, lăng của các bà hoàng là trang trí hình phụng chiếm vị trí chủ đạo, và cũng là sự tượng trưng cho đức hạnh và sắc đẹp của người phụ nữ.

Qua các kiểu thức trang trí tạo hình tại lăng Thái hậu Từ Dũ, ta có thể nhận thấy hoa văn trang trí đa dạng về kiểu thức, khác biệt, tinh tế và rất phong phú về đề tài. Những giá trị chạm khắc trang trí tại lăng bà Từ Dũ bổ sung một phần đáng kể trong nghệ thuật trang trí thời Nguyễn được thể hiện trên nhiều chất liệu tạo hình như nề vữa, khảm sành sứ, đá... Sự kết hợp này khá nhuần nhuyễn và tạo nên một tổng thể tạo hình nhất quán hợp lý trên cùng một công trình kiến trúc, góp phần vào việc mở rộng hơn nữa về ngôn ngữ nghệ thuật trang trí thời Nguyễn nói riêng, trong mạch nguồn nền mỹ thuật truyền thống dân tộc nói chung.

Bà Từ Dũ, người được sử sách ghi danh là bậc mẫu nghi thiên hạ, điều đó một lần nữa khẳng định vai trò và vị trí của bà trong thời gian 50 năm của nhà Nguyễn nửa sau thế kỷ XIX. Lăng bà Từ Dũ nằm trong một khuôn viên khá kín đáo, tuy nhiên hiện nay công trình đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Cùng với những giá trị của kiến trúc nơi đây, khi được nghiên cứu đầy đủ hơn, lăng sẽ là một trong những di tích được nhiều người quan tâm thăm viếng.

 

Theo Trần Thị Hoài Diễm (Báo TTH)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL