Trong dòng chảy di sản văn hóa thời Nguyễn cũng như trong hệ thống lăng các bà hoàng, lăng Hiếu Đông là một công trình kiến trúc độc đáo cùng những giá trị nghệ thuật mang đậm chất cung đình. Không chỉ vậy, lăng Hiếu Đông là câu chuyện cảm động về thân phận một bà hoàng và tình mẫu tử sâu nặng.
Lăng Hiếu Đông là nơi an nghỉ ngàn thu của bà Hồ Thị Hoa, người huyện Bình An, tỉnh Biên Hòa, là con của một Phúc Quốc Công. Lăng nằm trong quần thể không gian rộng lớn của lăng vua Thiệu Trị, thuộc địa bàn thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy.
Bà Hồ Thị Hoa được vua Gia Long và Thuận Thiên Cao Hoàng hậu chọn đưa vào cung làm vợ thái tử Nguyễn Phúc Đảm (vua Minh Mạng sau này) vào năm 1806 khi 16 tuổi. Năm 1807, khi hạ sinh một hoàng tử (vua Thiệu Trị) được 13 ngày tuổi thì bà mất, lúc này lăng chỉ được xây dựng đơn sơ, bình dị bên dòng sông Hương. Năm 1841 khi lên ngôi, vua Thiệu Trị truy tôn bà là Tá Thiên Nhân Hoàng hậu và lăng được tiến hành xây dựng quy mô hơn, bắt đầu từ thời gian đó kéo dài đến năm Thiệu Trị thứ 3 (1843).
Quan sát hiện trạng lăng Hiếu Đông, từ ngoài lăng vào Bái đình với lối cấu trúc san đất thành 3 bậc nền, mỗi bậc nền có bậc cấp chính trang trí rồng tả thực với chất liệu đá, hai bậc cấp 2 bên rồng trang trí cách điệu với các họa tiết hoa lá lật và biến hóa mây sóng tinh xảo. Cũng như các lăng bà Từ Dũ, lăng Tiên Cung (Vạn Vạn)... trước sân lăng cũng có hồ bán nguyệt nhưng giờ đây nước đã khô cạn, chỉ còn lau lách, cỏ dại mọc um tùm nhưng vẫn nao lòng người du ngoạn bởi những nét kỳ bí của cảnh quan và âm điệu buồn da diết nơi đây.
Điều đáng nói, để đến lăng Hiếu Đông, chỉ riêng việc du khách men theo sườn đồi, qua khu vườn cây, cách Bửu thành khoảng 300m, len lỏi qua các bụi dây gai để chiêm ngưỡng hai trụ biểu bề thế giữa khu rừng là một trải nghiệm, khám phá thú vị khó có được ở những lăng khác.
Theo ghi chép của các tài liệu nhà Nguyễn, ở trước phía trái của lăng trước kia có một đài gác trực cho lính hộ lăng, bây giờ gần như mất dấu. Cổng lăng được xây bằng đá, phần phía trên có trang trí với dải đường diềm hoa văn hình cánh phượng, tiếp giáp là các đường diềm nối hoa văn dây uyển chuyển. Phía trên cùng của cổng lăng ở chính diện có hình tròn kiểu vân sơn tụ được đặt ở vị trí cao nhất, kết hợp các dải hoa lá bao quanh chạy dài vươn ra hai đầu của cổng tạo sự tiếp nối và chứa đựng nhiều ý nghĩa triết lý nhân sinh sâu sắc.
Ở hai bên tai của đỉnh có hai vòm trang trí với nhiều nét gấp chồng lên nhau, điều này tương đối khác biệt so với những lăng khác thời Nguyễn là các họa tiết trang trí tương đối trải đều và kéo dài theo cấu trúc và diện tích của mỗi công trình. Mật độ “ẩn vân” của rồng được trang trí tại lăng cũng đậm đặc, phong phú hơn so với những lăng khác. Ở phần bệ chân quỳ bình phong được thể hiện phong cách trang trí lại hoàn toàn khác với các ô, hộc và tại bình phong. Điều này một lần nữa cho chúng ta thấy có sự đột phá và biển thể về phong cách trang trí rất lạ ở lăng bà hoàng này.
Có thể nói dưới thời Thiệu Trị, hoa văn trang trí được chạm khắc trên đá tại các công trình đa dạng về kiểu thức, khác biệt, tinh tế và rất phong phú. Điều này thật sự hiếm thấy ở các lăng khác trong hệ thống các lăng tẩm thời Nguyễn.
Khi đến lăng Hiếu Đông, hẳn du khách không khỏi băn khoăn và có nhiều suy ngẫm với tên của lăng, phải chăng chữ “Hiếu Đông” gắn với một điều gì đó chân thành, sâu nặng, lắng đọng về hình ảnh một người phụ nữ hoàng cung vắn số tịch liêu và sự tiếc thương đầy hiếu nghĩa của một vị vua con về hình ảnh người mẹ đã ra đi quá sớm.
Lăng Hiếu Đông nằm ở vị trí khá tách biệt, ẩn khuất trong một làng ven sông Hương, và ít được chú ý trong hệ thống các điểm di tích trên tuyến đường tham quan của du khách. Đây là điều cần được quan tâm để dần khai thác, đưa các điểm du ngoạn lăng tẩm không chỉ của các nhà vua mà còn cả hệ thống lăng của các bà hoàng vào việc phục vụ tham quan, nghiên cứu và phát triển con đường di sản trong lộ trình phát triển du lịch - văn hóa sắp tới.