Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 38.722

Du lịch, dịch vụ làm đầu
Lượt đọc: 75184Thời gian: 08:55 - 08/08/2016

(VHH) - Đó là kết luận của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016 vào chiều 07/8/2016. Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương. Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có các đồng chí: Lê Trường Lưu, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong TVTU, TT.HĐND và UBND tỉnh, Ủy ban MTTQVN tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh.

Chuyển biến tích cực, đúng hướng

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho biết: Năm 2016 tỉnh Thừa Thiên Huế xác định mục tiêu phát triển: Ưu tiên nguồn lực cho đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế; bảo đảm tăng trưởng kinh tế cao hơn các năm trước gắn với bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Sáu tháng đầu năm, kinh tế phát triển ổn định với mức tăng trưởng 6,04%; trong đó khu vực dịch vụ tăng 8,03%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 5,36%. Tổng lượng khách du lịch đến Huế đạt gần 1,7 triệu lượt, tăng 6,7% so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách đạt 50% dự toán năm, tăng 19,8% so cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương bằng 39,5% dự toán năm. Tổng vốn đầu tư đạt 8.167 tỷ đồng, bằng 43,7% KH năm, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều thành quả tốt đẹp.

Năm 2016, Tỉnh lấy chủ đề là "Năm Doanh nghiệp". Theo đó, tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Các chỉ tiêu về khởi sự kinh doanh, chỉ tiêu nộp thuế, chỉ tiêu tiếp cận điện năng, chỉ tiêu giao dịch thương mại... đều đạt chỉ tiêu cao. Tổng số doanh nghiệp đăng ký mới từ đầu năm đến tháng 6/2016 đạt 275 doanh nghiệp, tăng 3% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt 1.034,5 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ. Đã cấp mới 8 giấy chứng nhận đầu tư trong nước, tăng 33,3%, tổng vốn 202 tỷ đồng tăng 46%. Lĩnh vực FDI cấp mới 04 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng mức đầu tư 11,3 triệu USD. Lũy kế đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thu hút 497 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 101.259 tỷ đồng, trong đó có 88 dự án từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là 2.620,76 triệu USD tương đương 57.656 tỷ đồng, chiếm 56,9% tổng vốn đăng ký đầu tư.

Nhìn chung, tuy đã nỗ lực phấn đấu phát triển kinh tế xã hội, song do sự cố môi trường biển đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng của nền kinh tế. Ước tính thiệt hại đã làm giảm tăng trưởng GRDP chung toàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2016 khoảng 1% và còn ảnh hưởng, tác động tiêu cực lâu dài đến toàn bộ nền kinh tế.

Với tính đặc thù riêng, Thừa Thiên Huế đang quyết tâm đầu tư phát triển đô thị theo định hướng "đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường", tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm cho phép tỉnh lập Đề án cơ chế hỗ trợ cho đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Huế; có cơ chế chính sách đặc thù cho di tích Huế như kinh phí giải tỏa dân cư trong khu vực I của di tích; cho phép tỉnh Thừa Thiên Huế được vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam nhằm đẩy nhanh tiến độ bảo tồn, tu bổ, phát huy các giá trị của Quần thể di sản Cố đô Huế; đồng ý chủ trương khai thác Di tích Cố đô Huế theo hướng xã hội hóa; cho phép miễn thuế sử dụng phi nông nghiệp đối với hộ dân thuộc Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nhà vườn và hộ dân trong khu vực kinh thành Huế; cho phép kinh doanh Casino dành cho người nước ngoài tại Khu nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô Huế; nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài; bổ sung quy hoạch một số sân golf dọc biển; quan tâm định hướng các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo sức bật cho địa phương, nhất là đối với các dự án trọng điểm của tỉnh; hỗ trợ vốn đầu tư các dự án chống sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa biển tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế đề nghị Trung ương sớm có giải pháp khắc phục làm sạch môi trường biển; hỗ trợ tiếp tục quan trắc môi trường biển, đầm phá, để kịp thời cảnh báo chính xác cho người dân biết; hỗ trợ xây dựng, nâng cao năng lực Trung tâm quan trắc môi trường. Tiếp tục có chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân; có chính sách đối với sản xuất nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản; chính sách đối với lĩnh vực du lịch biển; hỗ trợ đầu tư hạ tầng phát triển công nghiệp vùng ven biển, đầm phá…

Ưu tiến phát triển du lịch, dịch vụ

Tại buổi làm việc, đại diện các Bộ, ngành Trung ương tập trung thảo luận, góp ý làm rõ định hướng và các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời cho ý kiến đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh.

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao công cuộc phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua của tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều nỗ lực, chuyển dịch cơ cấu đúng hướng với chiều hướng phát triển tích cực, rõ ràng.

Nhiệm vụ trước mắt trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh cần tập trung nhiệm vụ xử lý hậu quả sự cố môi trường biển và cho biết: Sắp đến Chính phủ sẽ có chính sách cụ thể về tái tạo môi trường biển, chính sách phát triển tín dụng, tạo việc làm, hỗ trợ về an sinh xã hội... vì vậy ngay sau khi có chính sách cụ thể của Chính phủ, tỉnh phải triển khai kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng; đồng thời cần tính toán phát triển nông nghiệp để bù cho sự giảm sút từ ảnh hưởng của sự cố môi trường biển.

Thừa Thiên Huế phải đặt quyết tâm chính trị hàng đầu là thực hiện nhiệm vụ xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó tập trung nhiệm vụ phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, thu hút đầu tư... Đồng thời, tập trung quyết liệt thực hiện thực hiện Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Định hướng phát triển kinh tế của Thừa Thiên Huế phải lấy du lịch, dịch vụ làm đầu, phải đổi mới tư duy về làm du lịch, loại bỏ tư duy bao cấp, phụ thuộc để chuyển mạnh tư duy thị trường, thực hiện kết nối liên vùng trong du lịch, kết hợp với đầu tư hạ tầng du lịch, ứng xử trong du lịch; chú trọng phát triển sản phẩm du lịch khác biệt và đẳng cấp, đa dạng hóa sản phẩm. Phát triển công nghiệp phải ứng dụng công nghệ cao. Về nông nghiệp, cần thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trọng tâm, cụ thể theo hướng vùng núi làm gì, đồng bằng làm gì, vùng đầm phá ven biển làm gì. Về xây dựng đề án “Đô thị di sản Huế”, cần thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác thực hiện với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh và các bộ ngành Trung ương.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng cho ý kiến cụ thể đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh. Về cơ bản đều ủng hộ và ghi nhận. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng giao trách nhiệm cụ thể cho từng Bộ, ngành liên quan phối hợp với tỉnh Thừa Thiên Huế tham mưu Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quyết định.

BM (Theo Báo Thừa Thiên Huế)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL