Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 18.495

Tạo điều kiện cho hàng lưu niệm, quà tặng
Lượt đọc: 72833Thời gian: 10:10 - 12/10/2016

(VHH) - Tiếp theo các Kế hoạch 50, 51, 75 và 109 về khôi phục và phát triển nghề, làng nghề truyền thống và sản xuất sản phẩm xuất khẩu tháng 9/2016, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển hàng lưu niệm và quà tặng (KH 140) với mục đích đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN) truyền thống và quà tặng phục vụ du khách.

Lép vế trên "sân nhà"

Trong số hơn 30 chủng loại hàng lưu niệm, quà tặng được bày bán ở các gian hàng tại chợ Đông Ba, sản phẩm của Huế chỉ đếm trên đầu ngón tay và trưng bày ở những góc khuất.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, người kinh doanh hàng lưu niệm gần 20 năm ở chợ Đông Ba, giải thích: "Hàng TCMN, lưu niệm do các cơ sở, làng nghề trên địa bàn sản xuất mẫu mã đơn điệu, mà giá lại cao rất khó bán. Trong khi chiếc thuyền nan nhập về từ Bắc Giang có giá 40.000đ thì chiếc thuyền tre của Huế có giá tới 60.000đ; còn sản phẩm đồng mỹ nghệ Phường Đúc giá dao động từ 50.000đ - 200.000đ, trong khi sản phẩm đá mạ đồng Non Nước rất tinh xảo nhưng giá chỉ bằng phân nửa, nên dễ bán".

Tại Trung tâm giới thiệu sản phẩm làng nghề đúc đồng Phường Đúc (đường Bùi Thị Xuân, TP Huế), nhiều sản phẩm đồng Nam Định, Vĩnh Phúc và hàng Trung Quốc được bày bán phổ biến. Những mẫu tượng 12 con giáp, hoa sen, lư nhỏ, vật dụng bằng đồng không có nhãn mác, tên cơ sở sản xuất nên tùy theo sở thích của khách, chủ tiệm có thể "gắn" thương hiệu cho từng sản phẩm. "Các cơ sở đúc trên địa bàn chủ yếu sản xuất các loại chuông lớn, lư đồng và vật dụng thờ cúng chứ chưa chú trọng đến các sản phẩm đồng mỹ nghệ, vật dụng có kích thước nhỏ, trong khi khách du lịch chỉ mua các sản phẩm đồng mỹ nghệ loại nhỏ. Vì vậy,  phải nhập hàng từ các tỉnh, TP khác về kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của khách", chị Nguyễn Thị Hường, chủ gian hàng ở trung tâm cho biết.

Tạo đột phá

Trước thực trạng hàng TCMN, lưu niệm và quà tặng do Huế sản xuất còn hạn chế, tháng 9/2016 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch (KH) 140 nhằm phát triển hàng lưu niệm và quà tặng.

Kế hoạch 140 tập trung thiết kế mẫu mới các sản phẩm TCMN, thủ công truyền thống và đặc sản Huế làm quà lưu niệm, quà tặng. Qua đó cải tiến mẫu mã, bao bì đóng gói, đồng thời tập huấn kỹ năng bán hàng phục vụ du lịch, tiếp cận và mở rộng thị trường. Với tổng kinh phí trên 1,5 tỷ đồng, chương trình tập trung đầu tư cho thiết kế các mẫu sản phẩm TCMN, thủ công truyền thống làm hàng lưu niệm và quà tặng; thiết kế, cải tiến mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói; hỗ trợ các cơ sở sản xuất thực hiện thiết kế mới và cải tiến mẫu mã với số lượng từ 15-20 mẫu...

Phó Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương- Trần Thị Thục Nhi cho biết: "Với mục đích làm phong phú hàng lưu niệm, quà tặng phục vụ khách, ngay từ đầu năm 2016 sở đã đặt hàng thiết kế, cải tiến mẫu làm quà tặng tại Công ty TNHH MTV Can studio. Với 7 mẫu sản phẩm mô phỏng dựa trên các công trình kiến trúc nổi tiếng của Huế như Lầu Ngũ phụng, cầu Trường Tiền, Kỳ đài Huế, Cửu đỉnh, tháp Phước Duyên, tượng cụ Phan Bội Châu, con nghê, làm nền tảng để các cơ sở sản xuất lấy mẫu để sản xuất bằng các nguyên liệu khác nhau. Hiện, các mẫu thiết kế đã hoàn tất, các cơ sở có nhu cầu sẽ đăng ký với sở để tiến hành sản xuất số lượng lớn đáp ứng nhu cầu thị trường".

Nghệ nhân đúc đồng Nguyễn Văn Thuận B cho biết: "Sau khi đã có mẫu thiết kế hoàn chỉnh, hiện cơ sở đang nghiên cứu để sản xuất các sản phẩm đồng mỹ nghệ cung cấp cho các điểm bán hàng phục vụ khách du lịch. Dựa trên các thiết kế sẵn có và nguyên liệu đồng truyền thống, cơ sở sẽ sản xuất trên 100 mẫu lưu niệm và quà tặng".

Theo Thanh Hương (Báo TTH)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL