Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 1.835

Về nơi được mệnh danh là vịnh biển đẹp nhất thế giới
Lượt đọc: 108013Thời gian: 15:59 - 02/12/2016
Ảnh: Ivivu

(VHH) - Định hướng đến năm 2020, Chây Mây - Lăng Cô trở thành khu đô thị biển hiện đại, sinh thái, công nghệ cao, trở thành động lực cho sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Lăng Cô được tổ chức Worldbays Club bình chọn là một trong những "Vịnh biển đẹp nhất thế giới" từ tháng 5/2009. Từ đó đến nay, Lăng Cô đã tập trung khai thác tiềm năng lợi thế về địa lý, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trên "Con đường di sản miền Trung".

Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) có vị trí rất thuận lợi, có các trục giao thông quốc gia quan trọng chạy qua như Quốc lộ 1A, tuyến đường sắt Bắc-Nam; nằm ở trung điểm của hai thành phố lớn nhất của khu vực miền Trung là thành phố Huế và thành phố Đà Nẵng (cách Huế 45km về phía Bắc và cách Đà Nẵng 55km về phía Nam); có cảng nước sâu Chân Mây là một trong những cửa ngõ thông ra biển quan trọng của Hành lang kinh tế Đông - Tây theo Quốc lộ 1A và đường 9 nối Việt Nam với các nước trong khu vực như Lào, Thái Lan và Myanmar. Lăng Cô kết nối với Vườn Quốc gia Bạch Mã - một điểm nhấn trong hệ sinh thái rừng nguyên sinh còn lại của dãy Trường Sơn hùng vĩ;  Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô là trọng điểm kinh tế của tỉnh Thừa Thiên Huế đang được hình thành và phát huy vai trò động lực trong tương lai...

Thời gian qua, Lăng Cô được Trung ương và tỉnh quan tâm đầu tư phát triển kinh tế và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhiều công trình quan trọng trên địa bàn được hoàn thành xây dựng như, cảng nước sâu Chân Mây, hầm đèo Hải Vân, cầu Lăng Cô, đường ven đầm Lập An... tạo nền tảng cơ bản và điều kiện thuận lợi thúc đẩy kinh tế - xã hội và mở rộng giao thương với các địa phương các vùng trong tỉnh và khu vực.

Đặc biệt, từ khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phê duyệt xây dựng Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô trở thành một trong những trung tâm giao thương quốc tế lớn và hiện đại của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng mang tầm cỡ khu vực, quốc tế, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung xây dựng cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô hiện đại, đồng bộ. Tỉnh xây dựng mới đô thị Chân Mây theo hướng hiện đại, văn minh có kiến trúc mang bản sắc Huế gắn với chuỗi đô thị Huế - Chân Mây - Lăng Cô - Đà Nẵng - Chu Lai - Dung Quất - Nhơn Hội - Vân Phong... đưa Lăng Cô trở thành điểm sáng, là nơi thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô hiện nay đã thu hút được 38 dự án đầu tư trong và ngoài nước trên các lĩnh vực công nghiệp, du lịch, dịch vụ với tổng mức đầu tư khoảng 39.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lao động; tổng doanh thu của các doanh nghiệp đạt 2.879 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 2.140 tỷ đồng.

Ảnh: diadiemdulich.com

Có thể khẳng định, từ khi Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô hình thành, vùng động lực kinh tế phía nam này đã có bước phát triển nhanh chóng, hệ thống cơ sở hạ tầng được đẩy nhanh như đường sá, hệ thống cấp nước, hệ thống xử lý chất thải... đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đô thị hoá, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao.

Tại Lăng Cô hiện có cảng biển Chân Mây với quy hoạch lượng hàng thông qua dự kiến vào năm 2020 khoảng 4,8-5,4 triệu tấn/năm; năm 2030 khoảng 8,9-10,2 triệu tấn/năm. Theo đó, khu bến Chân Mây là bến cảng tổng hợp, công ten nơ kết hợp phục vụ tàu khách du lịch quốc tế, tiếp nhận tàu hàng tải trọng từ 30.000 đến 50.000 tấn. Giai đoạn năm 2020, xây dựng mới 2 đến 3 cầu cảng cho tàu đến 50.000 tấn (không kể bến phụ); giai đoạn 2030 bổ sung thêm 2 bến tàu hàng 50.000 tấn và 1 bến tàu khách du lịch quốc tế đến 225.000GT; năng lực thông qua năm 2020 khoảng 0,1-0,2 triệu tấn/năm, năm 2030 khoảng 0,3-1,0 triệu tấn/năm.

Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Chân Mây Huỳnh Văn Toàn cho biết, cảng Chân Mây là một trong 46 cảng biển được Hiệp hội Du thuyền châu Á lựa chọn xây dựng điểm dừng chân cho các du thuyền ở khu vực Đông Nam Á. Đây là cảng chính giữa con đường biển kết nối Singapore, Philippines và Hong Kong. Cảng Chân Mây nằm ở vị trí trung tâm của hai đô thị lớn nhất miền Trung là Huế - Đà Nẵng và gần các Di sản văn hóa thế giới như Hội An, Mỹ Sơn, Huế. Cảng Chân Mây cũng là cửa ngõ hướng ra biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất đối với các vùng miền khu vực Hành lang kinh tế Đông Tây (là nơi kết nối miền Trung Việt Nam với Trung Hạ Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar).

Cảng Chân Mây vì thế hội đủ điều kiện và tiềm năng để phát triển trở thành cảng công nghiệp du lịch tàu biển chuyên dùng. Hiện sau khi nâng cấp cảng Chân Mây đã có bến tàu với chiều dài 420m, độ sâu trước bến 12,5m đủ khả năng đón tàu có trọng tải 30.000DWT và tàu du lịch quốc tế cỡ lớn khoảng 3.000 khách... Năm 2016, có khoảng 60.000 khách du lịch quốc tế bằng tàu biển đến Huế qua cảng Chân Mây.

Tại khu du lịch Lăng Cô hiện có 6 khu du lịch tổng hợp, 45 khách sạn, nhà nghỉ hoạt động với khoảng 1.200 phòng, 1.800 giường, cùng hàng chục nhà hàng ăn uống phục vụ du khách. Lượng khách du lịch tăng bình quân hàng năm trên 25%, doanh thu tăng bình quân 20%. Số lượng khách đến Lăng Cô chiếm 16% tổng lượt khách đến Thừa Thiên Huế. Đội ngũ nhân viên ngành du lịch tăng nhanh và ngày càng chuyên nghiệp hơn. Lăng Cô còn có 20 dự án du lịch đã được cấp phép với vốn đăng ký hơn 10.000 tỷ đồng đang tiếp tục triển khai đầu tư.

Để Lăng Cô trở thành khu du lịch thực sự hấp dẫn du khách, đô thị Lăng Cô cần tiếp tục đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo thêm các dịch vụ vui chơi giải trí tương xứng. Năm 2016, Lăng Cô (huyện Phú Lộc) phấn đấu thu hút khoảng 700.000 lượt khách du lịch; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.

Trước mắt, theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Tiến Dũng, bên cạnh khuyến mãi kích cầu, các khu resort ven biển, đầm phá nên tổ chức những hoạt động ấn tượng để quảng bá, đồng thời phát triển các dịch vụ khác bám vào biển. Theo đó, thay vì tắm biển, khách đi tham quan, ngắm biển, đầm phá rồi về lưu trú ở resort như ở khách sạn.

Muốn thế, các resort có thể xây dựng mức giá vừa phải và đồng bộ để phục vụ những đoàn khách tập thể; đồng thời, đa dạng hóa, đầu tư mạnh các dịch vụ như các hạng mục trò chơi và có chính sách kích cầu hướng vào khách du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo... Bên cạnh đó, người dân Lăng Cô cần thay đổi để thích ứng với sự chuyển mình của vùng đất năng động này; thực hiện tốt việc quản lý, khai thác du lịch bên Vịnh đẹp thế giới... Đặc biệt cần thúc đẩy tiến độ các dự án, công trình xây dựng du lịch, dịch vụ biển, đầm phá đang chậm tiến độ tại khu du lịch này.

Thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục liên kết với các địa phương vùng Trung bộ, đẩy mạnh khai thác tour du lịch "Con đường di sản miền Trung", các điểm du lịch trên Hành lang kinh tế Đông - Tây để quảng bá thương hiệu du lịch Lăng Cô. Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo sự phát triển nhanh chóng hơn cho đô thị Lăng Cô, từ đó kết nối với Bạch Mã - Cảng Chân Mây tạo thành tam giác phát triển về du lịch văn hóa, du lịch sinh thái.

Ngành du lịch cũng sẽ chú trọng việc đào tạo chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm dịch vụ du lịch trong các doanh nghiệp và người dân Lăng Cô, góp phần làm tăng giá trị thương hiệu Lăng Cô trong thời gian tới. Điều quan trọng là, tỉnh cần tạo thêm những dịch vụ cao cấp, sản phẩm du lịch đa dạng hơn tại khu vực Lăng Cô - Bạch Mã, có như vậy mới thu hút nhiều hơn lượng khách đến với khu du lịch này...

Theo Quốc Việt (TTXVN)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL