Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 6.405
Đưa Huế thành Kinh đô Áo dài
Lượt đọc: 9567Thời gian: 08:49 - 09/07/2020

(VHH) - Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” là chủ đề hội thảo do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức chiều 8/7, cung cấp nhiều cứ liệu khoa học để nhận diện Huế là cái nôi đã sản sinh, nuôi dưỡng chiếc áo dài Việt Nam, áo dài cũng là một nét đặc trưng của bản sắc văn hóa Huế.

Huế - nơi sản sinh, nuôi dưỡng áo dài Việt

Ngược dòng thời gian, năm 1744, sau khi lên ngôi xưng vương ở phủ chính Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành nhiều chính sách, trong đó đề cập đến việc cải cách triều phục. Từ đó, chiếc áo dài trên đất Huế được chú trọng và trở thành trang phục chính của người dân ở vùng đất Đàng Trong. Nếu như Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát có công khai sinh ra chiếc áo dài thì vua Minh Mạng có công đưa chiếc áo dài trở thành trang phục sử dụng phổ biến từ Bắc đến Nam, trong đó Huế giữ vị thế là Kinh đô Áo dài.

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, vấn đề cải cách trang phục dưới thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát và vua Minh Mạng không chỉ dừng lại ở hình thức, mà còn phản ánh tư tưởng thống nhất, tự chủ về văn hóa của triều đại đang hưng thịnh. Hai sự kiện lịch sử này cũng là tiền đề rất quan trọng để chiếc áo dài ra đời và được phổ biến rộng rãi từ Bắc đến Nam. Áo dài trở thành trang phục của mọi tầng lớp trong xã hội, từ vua chúa, quý tộc, quan lại cho đến thường dân nam nữ và chính thức trở thành quốc phục của dân tộc.

Từ chiếc nôi ở Huế, áo dài Việt Nam trở thành một biểu tượng về bản sắc văn hóa của trang phục Việt, vừa trang trọng, vừa mang tính độc sáng. Với riêng xứ Huế, áo dài còn mang theo một quá khứ vàng son, một kiểu cách rất riêng của vùng đất kinh kỳ. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, ngoài đặc điểm chung của áo dài Việt Nam, áo dài xứ Huế còn có những đặc trưng riêng: “Áo dài năm thân hay còn gọi là áo ngũ thân, với ý nghĩa tượng trưng cho đạo lý cao đẹp của con người: bốn thân áo của vạt trước, vạt sau tượng trưng cho “tứ thân phụ mẫu”, thân trong tượng trưng cho người con…”.

Ở các vùng miền trong nước, áo dài thường là lễ phục. Riêng với Huế, áo dài vừa là một phần trong lễ phục, vừa là y phục thường ngày. Có một thời, áo dài luôn gắn liền với sinh hoạt của người Huế, tùy từng đối tượng, hoàn cảnh mà có những biến cách khác nhau. Trong cung, vua mặc áo dài khi đọc sách, ăn cơm...; phi tần cung nữ khi ngủ vẫn mặc áo dài. Ngoài dân gian, thầy đồ và học sinh đều mặc áo dài khi học tập; trong nhà người lớn mặc áo dài khi tiếp khách, đi chợ, bán hàng, chèo đò trên sông…

Đưa áo dài trở lại vị thế vốn có

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, chiếc áo dài vẫn luôn được coi là trang phục truyền thống không thể thiếu của mỗi người dân xứ Huế từ xưa cho đến nay. Đây cũng chính là lý do khiến Thừa Thiên Huế cần đầu tư nghiên cứu để khôi phục lại vị thế và thương hiệu “Kinh đô Áo dài” của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh tỉnh đang nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Khẳng định áo dài Huế là một giá trị văn hóa độc đáo trong di sản văn hóa Huế, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, để quyết tâm xây dựng thương hiệu áo dài Huế như một tài sản trí tuệ độc sáng của vùng đất Cố đô, ngoài vận động phụ nữ thường xuyên mặc áo dài trong sinh hoạt, Thừa Thiên Huế cần tổ chức thêm các hoạt động quảng bá, tôn vinh vẻ đẹp của áo dài Huế, như: tổ chức Ngày hội Áo dài Huế với quy mô hoành tráng, thu hút người dân cùng tham gia; khuyến khích xây dựng các show trình diễn áo dài Huế. Đồng thời, xúc tiến thành lập Hiệp hội nghề may áo dài và kinh doanh áo dài Huế, khuyến khích các nhà đầu tư phát triển sản xuất và kinh doanh áo dài Huế…

Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Đình làng Việt” đề xuất, với vị thế là quê hương của áo dài, Thừa Thiên Huế cần có biện pháp phục hồi nghề may áo dài ngũ thân, hình thành đội ngũ nghệ nhân lành nghề để tên tuổi, sản phẩm của họ gắn chặt với thương hiệu Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam; tổ chức cuộc thi thiết kế áo dài hiện đại; vận động cán bộ, công chức, viên chức mặc trang phục áo dài tại các không gian nghi lễ và không gian văn hóa truyền thống...

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho hay, áo dài truyền thống là một phần không thể thiếu trong di sản văn hóa Việt Nam; tuy nhiên, đến nay chưa được chính thức công nhận là di sản văn hóa. Vì vậy, hội thảo lần này cũng tạo tiền đề để xây dựng hồ sơ công nhận áo dài truyền thống Huế là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Để xây dựng Huế trở thành Kinh đô Áo dài, cần có những hành động thiết thực đưa áo dài trở lại vị thế vốn có trong lòng người dân Cố đô, như: tiếp tục vận động cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên mặc áo dài nhiều hơn; yêu cầu cán bộ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mặc áo dài truyền thống; miễn vé vào tham quan di tích cho những người mặc áo dài; vận động chị em tiểu thương và nhiều đối tượng khác mặc áo dài vào Ngày hội Áo dài Huế diễn ra trong dịp Festival Huế 2020. Chính tôi cũng sẽ mặc áo dài trong những buổi tiếp tân Đại sứ. Ngoài việc tổ chức Ngày hội Áo dài, tri ân các bậc tiền nhân có công khai sáng chiếc áo dài, Huế sẽ xây dựng một không gian để trưng bày áo dài Việt Nam, áo dài Huế”.

Minh Hiền - HU
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL