Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 3.334
Xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn, những chỉ tiêu cụ thể, thiết thực hơn trong giai đoạn mới
Lượt đọc: 6754Thời gian: 10:19 - 13/01/2021

VHH - Cuối năm 2020, tỉnh Thừa Thiên Huế kết thúc thực hiện Đề án Xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020. Đánh giá những thành quả đạt được cho thấy đây là bước tiến quan trọng tạo đà cho một giai đoạn mới với những chỉ tiêu cụ thể, thiết thực hơn.

Những kết quả quan trọng giai đoạn 2013 - 2020

Cùng với việc triển khai các phong trào, cuộc vận động lớn về xây dựng đời sống văn hóa, giai đoạn năm 2013 - 2020, trên cơ sở tham mưu của Ngành Văn hóa và Thể thao và các ngành liên quan, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai Đề án xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020. Đây được xem là một phong trào quan trọng nhằm tiếp tục thay đổi nhận thức trong mọi tầng lớp nhân dân, phát huy nét đẹp văn hóa của mỗi địa phương, vùng miền, bài trừ hủ tục, tệ nạn xã hội, tạo dựng được nét đẹp trong ứng xử, giao tiếp và hành động văn minh của mỗi người dân đô thị và nông thôn.

Xác định tuyên truyền vận động là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, Sở Văn hóa và Thể thao đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hàng năm. Ngoài ra, Sở đã hướng dẫn các đơn vị có chức năng tổ chức tốt việc ban hành các nội dung tuyên truyền cổ động trực quan, nhiều cụm panô lớn tuyên truyền về xây dựng nếp sống văn minh đô thị đã được thiết lập tại thành phố Huế, trung tâm các thị xã tập trung triển khai phổ biến, tuyên truyền nội dung “Quy định một số vấn đề trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2014-2015, định hướng đến năm 2020” đến tận địa phương cơ sở.

Công tác tuyên truyền, vận động đã được các địa phương, đơn vị trên địa bàn các huyện, thị xã và thành phố đẩy mạnh bằng nhiều hình thức như: thông tin cổ động trực quan, tuyên truyền lưu động, triển khai việc lồng ghép nội dung xây dựng nếp sống văn minh đô thị trong các buổi sinh hoạt cộng đồng. Việc tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội thông qua thực hiện nội dung quy ước văn hóa được các địa phương được thực hiện trên 100% làng, thôn, tổ dân phố. Sở đã tiến hành vận động nhân dân hạn chế đốt, rải vàng mã khi đưa tang và đốt vàng mã phải có dụng cụ đảm bảo vệ sinh môi trường. Ngoài ra, Thành phố Huế đã chọn 07 tuyến đường gồm: Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Hùng Vương, Võ Thị Sáu, Phạm Ngũ Lão, Đống Đa và Chu Văn An; ở thị xã Hương Trà đã chọn 04 đường: Thống Nhất, Trần Quốc Tuấn, Lê Hoàn và Lý Bôn thuộc phường Tứ Hạ; ở thị xã Hương Thủy chon 04 tuyến đường Nguyễn Tất Thành, Sóng Hồng, Tân Trào và Nguyễn Khoa Văn vận động thực hiện không rải vàng mã khi đưa tang. Công tác tuần tra của các lực lượng chức năng về đảm bảo trật tự an toàn giao thông gắn với các đợt ra quân tuyên truyền lập lại trật tự đô thị, chấn chỉnh các hoạt động lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh, buôn bán, họp chợ, đặt biển quảng cáo rao vặt… được tập trung triển khai, góp phần tạo mỹ quan đô thị.

Tại các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, công tác tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn minh được lồng ghép vào công tác, hoạt động chuyên môn trong năm: Đã tuyên truyền cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc các qui định về xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn, đặc biệt là vấn đề tổ chức tang lễ không quá 3 ngày, hạn chế rải vàng mã khi đưa tang, và hạn chế đốt vàng bạc, giữ gìn vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp nơi làm việc cũng như nơi cư trú… Uỷ ban MTTQVN, các Hội, Đoàn thể các cấp đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn qua hình thức hội nghị, hội thảo, tập huấn. Nội dung tuyên truyền, vận động đã bám sát những quy định thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nông thôn như: tổ chức việc cưới, việc tang tiết kiệm, không phô trương, lãng phí, đặc biệt tang lễ không để dài ngày, hạn chế việc rãi vàng mã trên những tuyến đường cấm theo quy định; thực hiện giao tiếp văn minh, lịch sự; giữ gìn vệ sinh môi trường cơ quan, công sở và nơi công cộng.

Đánh giá về những kết quả đạt được

Các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương đã có sự quan tâm và chỉ đạo cụ thể góp phần cho công tác tuyên truyền, phổ biến và nhân rộng phong trào làm chuyển biến nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân về nếp sống văn minh đô thị và nông thôn.

Các chương trình, mô hình thí điểm (tuyến đường văn minh, tuyến đường không rải vàng mã, thôn không rác, tổ dân phố không rác) bước đầu đã đạt được những thành công, tạo được nề nếp, ý thức chấp hành tốt trong đại bộ phận cán bộ và quần chúng nhân dân, là cơ sở để triển khai, nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh.

Đã có sự kế thừa những thành quả và kinh nghiệm của việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” để triển khai xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn. Khơi dậy và phát huy những nhân tố tích cực trong cộng đồng dân cư đối với một số lĩnh vực đảm bảo trật tự đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường, giao tiếp, ứng xử; thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Việc tuyên truyền và kết quả triển khai đã tạo ra những chuyển biến mới trong ý thức của người dân, tác động tích cực đến thành công của các hoạt động văn hóa, lễ hội lớn của tỉnh.

Đến cuối năm 2020, các chỉ tiêu về văn hóa đạt được như sau: Trên 90% hộ gia đình được tuyên truyền vận động các nội dung về xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn; Trên 92,9% gia đình đạt chuẩn và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa; 90% khu dân cư đạt chuẩn và giữ vững danh hiệu khu dân cư văn hóa; 88,5% cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn văn hóa; 100% quy ước xây dựng cơ quan, đơn vị; khu dân cư văn hóa được tiến hành bổ sung các nội dung của Quy định một số vấn đề về xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn.

Giai đoạn mới với những chỉ tiêu cụ thể, thiết thực hơn

Bên canh những kết quả đạt được, việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Ý thức của một bộ phận quần chúng về chấp hành pháp luật, giữ gìn trật tự, đảm bảo an toàn giao thông, giữ gìn môi trường, đường phố, khu dân cư và nơi công cộng chưa cao; Vẫn tồn tại những hành vi ứng xử, giao tiếp nơi công cộng, nơi cơ quan, công sở chưa phù hợp với nếp sống văn hóa; Hạ tầng đô thị và nông thôn chưa đồng bộ, tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh, quảng cáo, rao vặt, phơi nông sản gây mất trật tự, mỹ quan vẫn còn diễn ra khá phổ biến; Những hủ tục, mê tín dị đoan, bói toán, lên đồng vẫn còn tồn tại, thậm chí đã hình thành các địa điểm lên đồng, xem bói. Tình trạng lợi dụng các lễ hội để tổ chức đánh bạc dưới nhiều hình thức vẫn chưa được ngăn chặn triệt để; Đám tang để dài ngày vẫn còn phổ biến; việc đốt, rải vàng mã trong các ngày rằm, ngày tết, lễ cúng tế, rải giấy vàng bạc trên đường đưa tang còn tồn tại, gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường...

Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn, xây dựng lối sống tiến bộ, giàu bản sắc văn hóa tốt đẹp của địa phương đối với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua Đề án “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, Đề án xác định mục tiêu trong giai đoạn tới là “xây dựng lối sống văn minh, tiến bộ, giàu bản sắc văn hóa tốt đẹp của địa phương trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; đưa việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn đi vào chiều sâu, thiết thực; đảm bảo được đặc trưng của thành phố “văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”, góp phần xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; xây dựng con người Thừa Thiên Huế ngày càng văn minh, lịch thiệp”.

Trong giai đoạn mới, toàn tỉnh phấn đấu thực hiện những chỉ tiêu cụ thể sau: 95% gia đình đạt chuẩn và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa; 95 - 100% hộ gia đình đảm bảo vệ sinh môi trường, không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, gây cản trở giao thông, đặt biển hiệu, biển quảng cáo sai quy định, gây mất mỹ quan đô thị và nông thôn; 95% khu dân cư đạt chuẩn và giữ vững danh hiệu khu dân cư văn hóa; giảm mạnh bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới, nạn tảo hôn, hạn chế thấp nhất tệ nạn xã hội phát sinh; 95% cơ quan, đơn vị và 80% doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn văn hóa; 100% các điểm di tích, các điểm sinh hoạt công cộng có khu vệ sinh; không có tình trạng đeo bám khách du lịch; 100% hộ gia đình tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới; 100% xã đăng ký xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Về nếp sống văn minh đô thị, nếp sống văn minh nông thôn, phấn đấu đạt 100% hộ gia đình, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các xã, phường, thị trấn được tuyên truyền vận động thực hiện nếp sống văn minh, môi trường văn hóa nông thôn, môi trường văn hóa đô thị theo quy định hiện hành; 100% cán bộ, công chức, viên chức và trên 90% hộ gia đình chấp hành thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nông thôn; 100% phường, thị trấn thực hiện đảm bảo việc quản lý kiến trúc, xây dựng đô thị theo quy định hiện hành.

Trong giai đoạn từ năm 2025 - 2030, giữ vững các chỉ tiêu đã đạt được trong giai đoạn 2021 - 2025, tiếp tục phấn đấu đạt 100% hộ gia đình, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các xã, phường, thị trấn chấp hành thực hiện nếp sống văn minh, môi trường văn hóa nông thôn, môi trường văn hóa đô thị theo quy định hiện hành; 98% gia đình được công nhận và giữ vững đạt chuẩn văn hóa; 98% khu dân cư được công nhận và giữ vững danh hiệu đạt chuẩn văn hóa; 98% cơ quan, đơn vị và 85% doanh nghiệp đóng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn văn hóa; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

Để đạt được các mục tiêu trên, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các ngành, cơ quan, cộng đồng dân cư, tạo nên phong trào quần chúng rộng rãi. Đưa các tiêu chí quy định về thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nông thôn vào quy ước, hương ước và xem đó là tiêu chuẩn xét công nhận các danh hiệu văn hóa hàng năm. Đồng thời, hoàn thiện các quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nông thôn, xử phạt các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, mặt trận, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, huy động sự tham gia tích cực của người dân; ngăn chặn và xử lý nghiêm các tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình; thiết lập các đường dây nóng, thành lập đội kiểm tra liên ngành để kiểm tra định kỳ, đột xuất; thực hiện nguyên tắc trách nhiệm địa bàn nào để xảy ra tình trạng tội phạm, tệ nạn xã hội, ăn xin, đeo bám, vi phạm môi trường thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước cấp quản lý trực tiếp. Có kế hoạch đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng không gian, cảnh quan văn minh, hiện đại. Tiếp tục thực hiện các mô hình: “Ngày Chủ nhật xanh - Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch - sáng”; Quản lý trật tự xã hội thông qua dịch vụ đô thị thông minh Huế - S; “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”; phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” gắn với phong trào thi đua “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”. Đẩy mạnh thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá “Xanh - Sạch - Sáng” cấp phường và Bộ tiêu chí đánh giá “Xanh - Sạch - Sáng” cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn là nhiệm vụ lâu dài, phải được thực hiện thường xuyên và liên tục. Tin tưởng rằng trong giai đoạn mới, với sự nỗ lực của các ngành, chính quyền địa phương các cấp và toàn thể nhân dân, tỉnh ta sẽ thực hiện thành công mục tiêu đặt ra, góp phần đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Phòng XDNSVH&GĐ
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL