Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 1.856
Tủ sách Huế góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, con người Huế
Lượt đọc: 1825Thời gian: 09:45 - 07/07/2022

VHH - Giới thiệu những cuốn sách có giá trị, hình thành bộ quà tặng có ý nghĩa văn hóa, Tủ sách Huế là thiết chế, ấn phẩm văn hóa độc đáo nhằm thúc đẩy quảng bá văn hóa, con người Huế qua sách. Nhân dịp UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Thiết lập và phát triển Tủ sách Huế” giai đoạn 2022-2025, giao cho Sở Văn hóa và Thể thao là cơ quan thường trực, Ấn phẩm Văn hóa Huế đã có cuộc trao đổi với TS. Phan Thanh Hải, TUV, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao về giải pháp, định hướng phát triển để Tủ sách Huế góp phần phát triển văn hóa, con người Huế theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

 

Xin ông cho biết những lý do và sự cần thiết để hình thành Đề án “Thiết lập và phát triển Tủ sách Huế” ?

Với lịch sử hình thành và phát triển trên 700 năm, Thừa Thiên Huế là vùng đất có bề dày văn hiến với các di sản đồ sộ, nổi bật trong đó là nguồn tài liệu sách vở, tư liệu phong phú, trong đó khối lượng sách có nội dung liên quan đến tất cả các lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật... là rất lớn; tạo nên một kho tri thức đồ sộ về Thừa Thiên Huế, phục vụ cho hàng triệu công chúng qua nhiều thế hệ. Trong công cuộc cuộc Đổi Mới ngày nay, Thừa Thiên Huế vẫn kế thừa truyền thống vốn có, xứng đáng là một địa chỉ văn hóa, một kho đề tài bất tận dành cho những người yêu Huế, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, họa sỹ, nghệ sỹ... để họ sáng tạo nên những tác phẩm mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của cộng đồng nhân dân ở trong và ngoài nước.

 Tuy nhiên, cùng với thời gian, sách liên quan đến Thừa Thiên Huế có nhiều nguy cơ mai một, hạn chế như: Nhiều cuốn còn lưu lại rất ít bản sách trong tủ sách cộng đồng và cá nhân; Nhiều cuốn sách có tình trạng cũ kỹ, mối mọt, hư hỏng khá nhiều; Do in ấn qua nhiều thời gian khác nhau, nhiều cung cách xuất bản khác nhau, dẫn đến không đồng bộ, khó lưu trữ, và nếu lưu trữ có hệ thống thì không đạt tính mỹ thuật cao; Hiện có những bản thảo sách có giá trị, song tác giả, nhóm tác giả chưa có điều kiện để xuất bản; Vẫn còn nhiều chủ đề liên quan đến Huế cần tiếp tục nghiên cứu để xuất bản sách.

Nhu cầu hiểu biết về Thừa Thiên Huế trên tất cả các lĩnh vực là rất lớn, nhất là trong cộng đồng và hệ thống trường học, cơ quan công sở, trong một bộ phận không nhỏ khách du lịch, những người yêu Huế, thích Huế, muốn khám phá Huế ở trong và ngoài nước. Hồ sơ, danh mục lưu trữ các đầu tên sách Huế trên các lĩnh vực tương đối khá nhiều, nhưng chưa được khai thác, có kế hoạch đánh giá thực trạng, xu hướng khai thác phục vụ nâng cao kiến thức, nâng cao dân trí để kịp thời hỗ trợ nhân bản, tái bản đáp ứng nhu cầu xã hội. Xuất bản sách điện tử chưa được quan tâm đúng mức và để đáp ứng tốt xu hướng văn hóa đọc trong thời đại số, do cơ sở dữ liệu các bản sách quý hiếm, mới lạ, độc đáo chưa cập nhật, số hóa, lưu trữ điện tử khoa học. Công tác quảng bá, thông tin, giới thiệu, tuyên truyền các đầu sách quý, mới chưa được quan tâm đúng mức, nên chưa được tạo được những trào lưu, nền tảng hiểu biết sâu hơn, khoa học hơn, chi tiết và đầy đủ hơn trong và ngoài nước những tiềm năng, thế mạnh, các tầng văn hóa trầm tích, đặc trưng riêng có của văn hóa, con người xứ Huế; đồng thời, chưa tạo được động lực liên doanh, liên kết, xã hội hóa, tài trợ cho hoạt động xuất bản, in, phát hành rộng rãi các đầu sách quý về Huế.

Trước thực trạng đó, đã và đang đặt ra vấn đề rất cần tổ chức đánh giá, thẩm định, xuất bản, thiết lập và phát triển Tủ sách Huế một cách có hệ thống để vừa xuất bản lại các cuốn sách chất lượng có nguy cơ mai một, tuyệt bản; vừa lưu trữ được một cách có hệ thống sách Huế, đảm bảo tính mỹ thuật; đồng thời, quan tâm phát triển các nguồn sách mới để giới thiệu, quảng bá đặc trưng văn hóa và con người xứ Huế nhằm đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của công chúng bạn đọc trong thời kỳ mới - thời đại 4.0. Vì vậy, Tủ sách Huế hình thành, với logo, bìa gáy sách đặc trưng có thể nhận diện được “Tủ sách Huế”, sẽ tạo nên một thiết chế, sản phẩm văn hóa độc đáo của riêng Huế, thúc đẩy quảng bá văn hóa Huế qua sách và đóng góp trong việc thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Đô thị di sản trực thuộc Trung ương.

Tủ sách Huế ra đời mong muốn đạt được những mục tiêu gì thưa ông ?

Ngày 9/12/2020, UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Thiết lập và phát triển Tủ sách Huế” (theo Quyết định số 3105/QĐ-UBND). Trong đó, đặt ra mục tiêu Tủ sách Huế hướng tới hình thành thiết chế, sản phẩm văn hóa độc đáo của riêng Huế, thúc đẩy quảng bá văn hóa Huế qua sách và đóng góp trong việc thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Việc xây dựng và hình thành Tủ sách Huế nhằm mục tiêu giới thiệu quảng bá hình ảnh Huế qua sách, phát triển văn hóa đọc, giới thiệu các cuốn sách quý, hình thành bộ quà tặng có ý nghĩa văn hóa của vùng đất Cố đô, xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học cho việc nghiên cứu Thừa Thiên Huế trên tất cả các lĩnh vực..., phục vụ cho công cuộc xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành đô thị văn hóa, di sản trực thuộc Trung ương.

Xây dựng Tủ sách Huế nhằm tổ chức tái bản các cuốn sách đã xuất bản và đặt hàng xuất bản các tác phẩm mới có giá trị, chất lượng liên quan đến tỉnh Thừa Thiên Huế trên mọi lĩnh vực. Qua đó hình thành cơ sở dữ liệu khoa học cho việc nghiên cứu Thừa Thiên Huế trên tất cả các lĩnh vực; Xuất bản có hệ thống các tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng liên quan đến văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, con người Thừa Thiên Huế; chú trọng xuất bản thêm các nội dung liên quan đến thông tin đối ngoại, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo; Các tác phẩm trong Tủ sách Huế có phong cách bìa gáy, logo nhận diện sẽ là một sản phẩm văn hóa đặc thù của Huế; Tôn vinh các tác phẩm quý, tôn vinh các giá trị liên quan đến sách Huế, phục vụ cho công cuộc xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thành đô thị di sản trực thuộc Trung ương; Góp phần quảng bá hình ảnh Thừa Thiên Huế qua sản phẩm văn hóa là sách, nâng cao văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và cả nước; Tạo tiền đề để giao lưu, trao đổi với các thư viện lớn trong nước và trên thế giới. Đa dạng hóa các hình thức, phương thức thông tin, quảng bá, giới thiệu, tuyên truyền, quản lý, khai thác các đầu sách quý, mới trong Tủ sách Huế để đáp ứng nhu cầu độc giả trong và ngoài nước nghiên cứu, tìm hiểu, nâng cao hiểu biết khoa học hơn, chi tiết và đầy đủ hơn về những tiềm năng, thế mạnh, các tầng văn hóa trầm tích, đặc trưng riêng có của văn hóa, con người xứ Huế. Tạo động lực liên doanh, liên kết, xã hội hóa, tài trợ cho hoạt động xuất bản, in, phát hành rộng rãi các đầu sách quý về Huế thông qua Tủ sách Huế và nhận diện logo Sách Huế.

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Thiết lập và phát triển Tủ sách Huế” giai đoạn 2022-2025. Tỉnh đã giao Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện những nhiệm vụ nào ?

Ngày 05/4/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 138/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án “Thiết lập và phát triển Tủ sách Huế” giai đoạn 2022-2025. Trong đó giao trách nhiệm Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu điều chỉnh Kế hoạch và tổ chức, triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng hợp, báo cáo, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án. Báo cáo và đề xuất Ủy ban nhân tỉnh điều chỉnh, bổ sung nội dung Đề án (nếu có). Điều chỉnh Quy định xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách Huế, Tủ sách điện tử Huế. Quy định tiêu chí xây dựng, tuyển chọn ấn phẩm đưa vào Tủ sách Huế; Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng tuyển chọn xuất bản phẩm, Tổ điều hành và Tổ thẩm định Tủ sách Huế. Cập nhật danh mục sách để chọn đưa vào Tủ sách Huế. Đề xuất Hội đồng Tuyển chọn danh mục tổng thể các đầu sách trên nhiều lĩnh vực, có tầm nhìn xuyên suốt và đưa vào kế hoạch cụ thể giai đoạn 2022-2025; đảm bảo tính pháp lý về Luật Sở hữu Trí tuệ; Quản lý, khai thác các ấn phẩm thuộc Tủ sách Huế. Xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, quảng bá Tủ sách Huế. Xây dựng, quản lý và khai thác không gian trưng bày Tủ sách Huế trong hệ thống thư viện công cộng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng.

Ngoài ra hỗ trợ Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và truyền thông, các thư viện chuyên ngành về nghiệp vụ trong quá trình hình thành và khai thác không gian Tủ sách Huế trong trường học, điểm Bưu điện - Văn hóa xã, tủ sách/thư viện chuyên ngành. Thực hiện tuyên truyền, quảng bá, tạo sự lan tỏa và phát huy hiệu quả Tủ sách Huế trong cộng đồng; gắn với định hướng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, đồng thời bám sát theo định hướng xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm văn hóa, đặc sắc của cả nước.

Trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao đã giới thiệu 02 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế, gồm “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam” và “Ca Huế - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Xin ông cho biết vài nét về hai cuốn sách nêu trên ?

Đầu năm 2022, UBND tỉnh đã quyết định chọn hai ấn phẩm của ngành Văn hóa để tái bản có bổ sung, đưa vào Tủ Sách Huế, bao gồm “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam” và “Ca Huế - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Cuốn sách “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” được Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành vào tháng 10/2020, ngay sau đó đã nhận được sự quan tâm đón nhận nồng nhiệt của các nhà nghiên cứu, độc giả trong nước. Trong lần tái bản này, cuốn sách đã được nghiên cứu, bổ sung thêm 6 bài viết mới cùng một số hình ảnh để cập nhật thông tin về tình hình triển khai Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam”, đồng thời cũng bỏ bớt một số bài viết không còn phù hợp.

Sau hơn một năm kể từ khi được Lãnh đạo UBND tỉnh giao chủ trì nghiên cứu xây dựng và triển khai Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam”, Sở Văn hóa và Thể thao đã thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động thiết thực và có hiệu quả để quảng bá, tôn vinh và nâng cao thương hiệu Áo dài truyền thống Huế. Các loại hình Áo dài truyền thống của cố đô, đặc biệt là các loại cổ phục như áo ngũ thân tay chẽn, ngũ thân tay rộng, áo Nhật bình... đã có sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, không chỉ tại địa phương mà còn lan rộng trong toàn quốc, thậm chí còn tạo nên một xu thế mới về thời trang trong giới trẻ.

Hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao đang tích cực vừa xây dựng để hoàn chỉnh vừa triển khai Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” sau khi Đề cương đề án này được UBND tỉnh phê duyệt (Quyết định số 2065-QĐ/UBND ngày 19/8/2021). Đồng thời, Sở đã và đang hoàn chỉnh hồ sơ về Áo dài ngũ thân truyền thống Huế (với hai tiêu chí: Nghề may đo và Tập quán sử dụng áo dài) trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để đưa vào Danh mục di sản phi vật thể quốc gia, tiến tới trình UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bên cạnh đó, thực hiện Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế giai đoạn 2017 - 2022 (theo Quyết định số 1867/QĐ-UBND ngày 19/8/2017 của UBND tỉnh); tháng 11/2019, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đã biên soạn, xuất bản cuốn “Ca Huế - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” nhằm giới thiệu đến bạn đọc những vấn đề nghiên cứu liên quan đến nghệ thuật Ca Huế. Các chuyên mục gồm Ca Huế - Giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật; Giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Ca Huế trong đời sống đương đại. Sau khi ra đời, cuốn sách “Ca Huế - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” đã thu hút được đông đảo bạn đọc. Qua những thư từ trao đổi gửi đến Sở Văn hóa và Thể thao, bạn đọc đã đóng góp nhiều ý kiến hoan nghênh và mong muốn cuốn sách được phát hành rộng rãi hơn, đáp ứng được yêu cầu của các nghệ nhân, nghệ sĩ, học sinh, sinh viên… muốn nghiên cứu tìm hiểu về nghệ thuật Ca Huế.

Việc được tái bản và lựa chọn đưa vào Tủ sách Huế bên cạnh việc bổ sung nguồn tư liệu quý đến từ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu văn hóa Huế, còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đặc trưng của Văn hóa Huế, đặc biệt trong công cuộc phục hưng chiếc Áo dài truyền thống và xây dựng thương hiệu Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam cũng như tạo luận cứ khoa học vững chắc để xây dựng Bộ hồ sơ Nghệ thuật Ca Huế đệ trình UNESCO đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Xin cảm ơn ông!

 

Trần Văn Dung thực hiện
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL