Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 2.218
Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Cơ Tu trong bối cảnh đương đại
Lượt đọc: 997Thời gian: 09:02 - 27/09/2022

VHH - Huyện Nam Đông có hai dân tộc chủ yếu là dân tộc Kinh và Cơ tu cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 43% dân số toàn huyện. Đời sống văn hóa khá đa dạng của đồng bào gắn liền với các điều kiện tự nhiên của huyện. Các nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn phong phú được đúc kết qua nhiều thế hệ gắn liền với các hoạt động lao động, sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái thực sự là tài sản quý giá, làm nên bản sắc riêng của mỗi dân tộc.

 

Trong những năm qua, Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện Nam Đông đã có nhiều giải pháp hỗ trợ nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Từ những chủ trương, chính sách chung của Trung ương, tỉnh, huyện đã cụ thể hóa thành những chương trình, dự án, kế hoạch để triển khai thực hiện đạt được những kết quả, thành tựu đáng kể.

Thực hiện Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”; Kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 19/12/2012 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh, UBND huyện Nam Đông đã ban hành Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 25/02/2020 về thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” trên địa bàn huyện; Hàng năm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đã có nhiều giải pháp hỗ trợ nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Từ những chủ trương, chính sách chung của Trung ương, tỉnh, huyện đã cụ thể hóa thành những chương trình, dự án, kế hoạch để triển khai thực hiện đạt được những kết quả, thành tựu đáng kể như: Đề án bảo tồn làng văn hóa truyền thống dân tộc Cơ tu giai đoạn 2016 – 2020, giai đoạn 2021 - 2025; Đề án phát triển Văn hóa du lịch giai đoạn 2021 – 2025... Nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về văn hóa nói chung và văn hóa dân tộc thiểu số nói riêng được nâng lên. Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện. Công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện; các thiết chế văn hóa được xây dựng đi vào hoạt động; nhiều chương trình, kế hoạch về sưu tầm văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào được thực hiện… tất cả đã góp phần vào việc bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, cụ thể:

Về văn hóa vật thể:

Nhà Gươl: Hiện nay hệ thống thiết chế văn hóa (nhà Gươl) tại các xã định canh, định cư luôn được chú trọng quan tâm xây dựng, có 36/37 thôn có nhà văn hóa thôn nhưng trong đó chỉ có 03/37 nhà được làm theo kiểu mẫu truyền thống (thôn Dỗi xã Thượng Lộ, thôn A Xăng xã Thượng Long và thôn A Ka xã Thượng Quảng). Đã phát huy được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, hội họp của người dân cũng như tổ chức các hoạt động khác của nhân dân trong các dịp lễ, tết.

Về trang phục: Trang phục của người Cơ tu ẩn chứa nhiều nét hoang sơ của những cư dân sống trên vùng Trường Sơn, hình thành nên một bản sắc văn hóa riêng - văn hóa Cơ tu. Ngày xưa, trang phục của người Cơ tu được tạo nên từ những nguyên liệu có xuất xứ từ các loài cây có sẵn trong rừng, sau này trang phục của người Cơ tu là một công trình dệt công phu và mang tính thẩm mỹ cao mặc vào những ngày thường, hoặc trong những dịp lễ hội truyền thống.

Hiện nay, trang phục của người Cơ tu không được sử dụng thường xuyên, do giá cả thị trường một phần tác động vào nhu cầu ăn mặc của người dân hoặc nếu làm ra một bộ áo quần để mặc đòi hỏi tốn rất nhiều về thời gian và công sức. Để giải quyết được vấn đề này đòi hỏi chúng ta trước tiên phải có hướng để phục hồi được nghề dệt Zèng của người Cơ tu.

Về sưu tầm hiện vật: Hiện nay tại Nhà văn hóa dân tộc huyện trưng bày các hiện vật giới thiệu về lịch sử cách mạng huyện, về văn hóa, con người của dân tộc Cơ tu qua quá trình lao động sản xuất và phát triển với 137 hiện vật. Qua khảo sát tại các xã, thị trấn, hiện nay có 280 hiện vật về lao động sản xuất, nhạc cụ… được người dân tại địa phương lưu giữ. Bước đầu đã phục vụ được cán bộ, nhân dân và học sinh trên địa bàn và một số đoàn khách ngoài huyện quan tâm tìm hiểu, học tập, nghiên cứu về về lịch sử địa phương cũng như về văn hóa của người Cơ tu.

Về văn hóa phi vật thể:

Hiện nay trên địa bàn huyện có 109 nghệ nhân dân gian, người hiểu biết về văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Cơ tu trên địa bàn huyện. Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc được quan tâm, đến nay đã mở 13 lớp truyền dạy về văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ tu như đánh cồng chiêng, nói lý hát lý, các điệu múa truyền thống đã thu hút hơn 350 học viên tham gia,.. Công tác bảo tồn và phát huy dân ca, dân nhạc, dân vũ được chú trọng, các địa phương đã phục dựng lại các lễ hội, các làn điệu dân gian, các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống..., góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc miền núi Nam Đông nói riêng và văn hóa Huế nói chung.

Thực hiện công tác bảo tồn dân ca, dân nhạc, dân vũ truyền thống của dân tộc thiểu số. Hàng năm, UBND huyện chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với các xã định canh định cư trên địa bàn huyện mở các lớp bảo tồn về dân cac, dân nhạc, dân vũ như: Truyền dạy đánh cồng chiêng, nói lý hát lý, các điệu múa; nhạc cụ, đan lát, ẩm thực, điêu khắc truyền thống của dân tộc Cơ tu cho thế hệ trẻ...đã thu hút được nhân dân trên địa bàn huyện tham gia, hưởng ứng. Với mục tiêu xây dựng đội ngũ kế cận biết đánh cồng chiêng, nói lý hát lý và các điệu múa truyền thống… nhằm tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật, bản sắc dân tộc. Qua đó nâng cao tinh thần trách nhiệm của thế hệ kế cận tiếp nối để phát huy giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống dân ca, dân nhạc, dân vũ cho các thế hệ hôm nay và mai sau; tạo được đông đảo mọi lứa tuổi biết sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống nói chung phục vụ trong các dịp lễ, hội của quê hương, đất nước.

Các lễ, hội được tổ chức thông qua sự kiện, các ngày lễ lớn của đất nước, các điệu múa, ca múa nhạc được lồng ghép vào các chương trình, hội diễn văn hóa văn nghệ tham gia cấp tỉnh, huyện và các hoạt động văn hóa ở khu dân cư…Trong năm 2022 đã phục dựng thành công Tái hiện Lễ hội Mừng lúa mới của dân tộc Cơ tu biểu diễn trong Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại huyện và tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.

Qua khảo sát, hiện nay dân tộc Cơ tu trên địa bàn huyện có 26 món ăn, 06 loại thức uốn và 24 loại thực phẩm, nông sản chiến biến các món ăn truyền thống của người đồng bào nơi đây. Ẩm thực truyền thống của người Cơ tu rất đa dạng, phong phú như: Bánh sừng trâu, thịt nướng ống, thịt xông khói… cho đến cơm lam, thịt cá, thịt đông và các loại rượu do chính đồng bào tự làm. Tất cả được chế biến theo hương vị truyền thống rất đặc trưng, cùng hương thơm của tiêu rừng, lá rau rừng tự nhiên.

Ngày 23/9/2022, huyện Nam Đông tổ chức Hội thảo “Xây dựng và bảo tồn giá trị văn hóa đồng bào Cơ tu”. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ dự và phát biểu tại Hội thảo. Trong buổi Hội thảo này, nhiều vấn đã được các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa đưa ra thảo luận như: Hệ thống di sản văn hóa dân tộc Cơ tu, Vai trò của cộng đồng trong việc gìn giữ di sản văn hóa, Mô hình Làng Du lịch miền núi, Khai thác di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch,... Hội thảo cũng đã lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp của đại diện lãnh đạo các xã, các già làng có kinh nghiệm, tri thức về di sản văn hóa truyền thống đồng bào Cơ tu.

Trong thời gian tới, huyện Nam Đông sẽ thực hiện các chính sách, giải pháp hiệu quả nhằm khai thác giá trị di sản văn hóa dân tộc Cơ tu phục vụ chiến lược phát triển du lịch bền vững.

Văn Dũng (PDS)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL