Linh hoạt, kịp thời
Đầu năm nay, dịp cận Tết Giáp Thìn, Công ty TNHH MTV Takson Huế công bố ngừng hoạt động. Bỗng chốc, 203 công nhân lao động mất việc làm. Ngay lúc đó, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh chỉ đạo Công đoàn Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh trích kinh phí công đoàn hỗ trợ cho toàn bộ số công nhân lao động trên, mỗi người một suất quà, trị giá 500 ngàn đồng. Tiếp đó, LĐLĐ tỉnh mời đại diện NLĐ làm việc với Bảo hiểm Xã hội tỉnh, hướng dẫn hỗ trợ, giúp công nhân lao động được hướng chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, phối hợp với Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh kết nối với các doanh nghiệp (DN) giới thiệu việc làm kịp thời cho công nhân có nhu cầu về việc làm.
Tại chương trình tặng quà dịp đó, ông Lê Minh Nhân, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh thông tin: Hơn 2 năm qua, Công đoàn Công ty TNHH MTV Takson Huế không đóng kinh phí công đoàn. Tuy nhiên, để chăm lo cho NLĐ trong khó khăn, LĐLĐ tỉnh đã có quyết định ngoài tiền lệ, đó là tặng quà tết cho 100% NLĐ của công ty để chia sẻ một phần khó khăn với NLĐ.
Năm 2023, khi nhiều DN khó khăn do ảnh hưởng lạm phát chung, kéo theo nhiều công nhân buộc phải giảm giờ làm, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam kịp thời có quyết định hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng từ 1-3 triệu đồng/người. Ngay khi quyết định được ban hành bằng văn bản (Quyết định số: 6696/QĐ-TLĐ, ngày 16/1/2023 về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng), LĐLĐ tỉnh đã khẩn trương triển khai, tuyên truyền, phổ biến đến các công đoàn cơ sở, đoàn viên, NLĐ; chỉ đạo công đoàn cơ sở phối hợp với chủ DN rà soát đối tượng, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định; đối với DN chưa thành lập công đoàn cơ sở, đề nghị hướng dẫn, phối hợp với người sử dụng lao động rà soát NLĐ đủ điều kiện lập hồ sơ xem xét, hỗ trợ. Chỉ trong thời gian ngắn, LĐLĐ tỉnh hỗ trợ 257 đoàn viên, NLĐ với tổng kinh phí hơn 300 triệu đồng. Ngoài ra, công đoàn các cấp tăng cường kết nối, giới thiệu việc làm, hướng dẫn các thủ tục khi tạm hoãn hợp đồng lao động để bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên, NLĐ.
Là DN có khá nhiều người lao động được hỗ trợ theo Quyết định 6696, ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Công ty TNHH May xuất khẩu Quảng Thành cho biết: “Chúng tôi rất biết ơn các cấp công đoàn đã hỗ trợ, động viên kịp thời cho NLĐ, giúp công ty bớt áy náy, có lỗi với NLĐ vào thời điểm DN khó khăn, không đảm bảo được việc làm, thu nhập ổn định cho NLĐ”.
Công đoàn ngày càng thể hiện rõ nét vai trò trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho đoàn viên, NLĐ. Từ đầu năm đến nay, các cấp công đoàn hỗ trợ xây dựng 25 nhà “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, với tổng số tiền hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng. Đồng thời, trao tặng 26 “Điều ước đoàn viên” với tổng số tiền hỗ trợ là 130 triệu đồng cho đoàn viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; giải ngân 25 dự án vay từ Quỹ trợ vốn cho công nhân lao động với số tiền 5,22 tỷ đồng, giúp 261 đoàn viên để phát triển kinh tế gia đình, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống.
Đổi mới thực chất
Xác định thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) như một “bộ luật lao động con” tại mỗi DN, một bản TƯLĐTT chất lượng sẽ là công cụ quan trọng trong đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ và phòng ngừa, giải quyết các tranh chấp lao động xảy ra. LĐLĐ tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp công đoàn đẩy mạnh công tác thương lượng, ký kết TƯLĐTT; tổ chức nhiều diễn đàn trao đổi kinh nghiệm; tập huấn trang bị kỹ năng, quy trình đối thoại, thương lượng ký kết TƯLĐTT cho cán bộ công đoàn cơ sở các DN.
Theo ông Hoàng Trọng Lam, Trưởng ban Chính sách pháp luật - Quan hệ lao động LĐLĐ tỉnh, trước đây, nội dung thương lượng chủ yếu "chép lại" quy định pháp luật và chỉ thêm nội dung hỗ trợ ốm đau, trợ cấp khó khăn, tổ chức hoạt động văn nghệ, thể thao... Nhưng nay, TƯLĐTT tập trung nhiều hơn đến các nội dung như tăng tiền lương, tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, các khoản phụ cấp, trợ cấp, thời giờ nghỉ ngơi.
Các cấp công đoàn cũng chủ động tổ chức các diễn đàn đối thoại để cấp ủy, chính quyền đồng cấp tiếp xúc, chia sẻ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, mong muốn, khát vọng cống hiến của công nhân lao động. Trong đó, tăng cường thiết lập các kênh thông tin thuận lợi, nhất là tận dụng và phát huy lợi thế của internet và mạng xã hội để lắng nghe ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, NLĐ. Qua đó tổng hợp, phản ánh đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết, góp phần chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.
Theo Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lê Minh Nhân, chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho NLĐ không chung chung, bằng văn bản, khẩu hiệu mà phải cụ thể, gắn với lợi ích vật chất, tinh thần của đoàn viên, NLĐ. “Trong triển khai nhiệm vụ, chúng tôi xác định rõ kế hoạch, đặt mục tiêu rõ ràng, phân bố chỉ tiêu nhiệm cụ thể. Đồng thời, chủ động kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện, không xuê xoa, bỏ qua”, ông Lê Minh Nhân khẳng định.