Chúng tôi từng đi nhiều nơi, đến nhiều đô thị và không ít lần rơi vào thế khó xử khi đang dạo phố, ngắm cảnh tại các công viên mà rơi vào tình thế “bí”, muốn giải quyết nhu cầu cá nhân. Có thể nói “bí” cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Những lúc như vậy mình luôn nghĩ, ước gì nơi đó có NVSCC.
Thấy ở bạn rồi nhớ về ta. Đúng vào dịp lần đầu tiên Huế tổ chức Festival và cũng bất ngờ mình trở thành hướng dẫn du lịch bất đắc dĩ cho những người thân đến từ Đà Nẵng. Khi dạo chơi ở công viên gần khu vực phía bắc cầu Trường Tiền, mọi người đều vui vẻ trò chuyện rôm rả, bỗng bà chị họ im bặt ghé qua tai tôi - "chỉ cho chị đi giải quyết nỗi buồn". Là người thổ địa nhưng nghe vậy tôi cũng bối rối, sau đó chị tôi phải tìm đến khu vực bến xe Đông Ba… dù hơi bất tiện.
Nhiều năm nay với chủ trương xây dựng đô thị Huế văn minh, cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, ý thức con người… chúng tôi cảm kích các ý kiến đặt ra trên bàn nghị sự khi đề cập, quan tâm nhiều hơn về NVSCC.
Gần đây, đô thị Huế ngày càng xanh, sạch, đẹp. Rất mừng, từ năm 2022 đến nay, cùng với việc nâng cấp chỉnh trang hạ tầng, đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn minh đô thị, TP. Huế đã chú trọng nâng cấp, đầu tư, chỉnh trang hệ thống NVSCC trên địa bàn phù hợp cảnh quan, sắc thái của một thành phố văn hoá di sản…
Anh Đặng Ngọc Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế (chủ đầu tư chỉnh trang, xây dựng NVSCC) cho biết, đến nay trên địa bàn TP. Huế đã nâng cấp, cải tạo, xây mới 18 NVSCC ở khu vực Kinh thành Huế, các công viên hai bên bờ sông Hương, cầu Trường Tiền, cồn Dã Viên…; trong đó có 7 nhà làm mới tại khu vực đường 23/8, cồn Dã Viên, Công viên Kim Long, khu vực Bến Me… tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng. Ngoài mục đích phục vụ nhu cầu cho người dân, du khách miễn phí, các NVSCC được xây dựng với kiến trúc đẹp, hiện đại, có không gian mở, tiện ích kết nối để bán cà phê, hàng lưu niệm...
Chị Nguyễn Bích Ngọc (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đến Huế tham quan dịp cuối hè vừa qua chia sẻ: “Tôi ấn tượng tốt các NVSCC ở đôi bờ sông Hương. Những không gian ở đây sạch, đẹp tạo cho mình cảm thấy thoải mái khi dừng chân, tham quan ngắm cảnh ở TP. Huế”.
Ông Đặng Ngọc Quý thông tin thêm, hiện nay hệ thống NVSCC ở TP. Huế đang trong quá trình vận hành thử nghiệm và không ngoài mục đích phục vụ miễn phí cho người dân, du khách.
Một quyết sách đúng, hợp lòng dân, nhưng theo anh Quý, vấn đề đặt ra hiện nay làm thế nào để hệ thống này luôn sạch, đẹp, tạo dấu ấn cho du khách cũng là bài toán khó. Đã có nhiều trường hợp kém ý thức vào sử dụng mở vòi nước tùy tiện, thậm chí quên khóa; nhiều trường hợp nghiện ma túy lại trú ngủ qua đêm vứt xả rác bừa bãi… Trong khi đó, nhân viên của đơn vị không thể trực ở những NVSCC 24/24h. Câu chuyện này rất mong mọi người chia sẻ, nâng cao ý thức trách nhiệm cùng với đơn vị quản lý, trước hết hãy xem đó là những tài sản như ở gia đình mình để giữ gìn vệ sinh cũng như cơ sở vật chất.