Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 37.345
Chung sức giúp người dân thoát nghèo
Lượt đọc: 105Thời gian: 14:22 - 20/09/2024
Lãnh đạo xã Xuân Lộc thăm người dân ở bản Phú Lộc trong căn nhà mới xây

Tỷ lệ hộ nghèo tại xã miền núi Xuân Lộc, huyện Phú Lộc giảm, “về đích” sớm so với kế hoạch Nghị quyết Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Đằng sau niềm vui của nhiều gia đình thoát nghèo là sự chung sức, nỗ lực của các cấp ngành, chính quyền địa phươn, người dân cùng nhiều nhà hảo tâm.

Gỡ đúng điểm khó

Trong căn nhà rộn rã tiếng cười nói ở bản Phúc Lộc, anh Hồ Văn Lương cảm thấy yên tâm hơn trước mùa mưa bão. Anh Lương chia sẻ: “Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, gia đình tôi xóa được nhà tạm. Có căn nhà kiên cố, chúng tôi yên tâm hơn để làm ăn, vươn lên trong cuộc sống”.

Kể từ năm 2020 đến nay, xã miền núi Xuân Lộc đã xóa được nhà tạm cho 27 hộ, trong đó chủ yếu là các gia đình người đồng bào dân tộc Vân Kiều ở bản Phúc Lộc. Bình quân mỗi căn nhà được xây mới từ 200 - 300 triệu đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc chia sẻ, trong công tác giảm nghèo, xóa nhà tạm là nhiệm vụ khó nhất, nhất là ở bản Phúc Lộc, nơi có 166 hộ, 749 nhân khẩu, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều sinh sống. Tuy nhiên, từ những khó khăn đòi hỏi chính quyền địa phương càng phải cố gắng hơn bên cạnh sự chung sức của các tổ chức, đơn vị, người dân.

Hàng năm, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể, nhất là tổ giúp việc ban chỉ đạo giảm nghèo của xã rà soát các tiêu chí chưa đạt; tăng cường tuyên truyền, vận động mạnh thường quân, các nhà hảo tâm hỗ trợ về cả tinh thần và vật chất, đặc biệt là xóa nhà tạm cho hộ nghèo. “Cùng với kinh phí từ chương trình giảm nghèo của huyện hỗ trợ mỗi nhà 70 triệu đồng, địa phương cũng hỗ trợ để các hộ vay vốn xây dựng nhà ở theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời, phát huy tinh thần tình làng, nghĩa xóm giúp nhau và vai trò của các hội đoàn thể. Điểm hay ở địa phương là trong gia đình, hễ ai có khả năng thì anh em trong nhà dồn lực cho người đó xóa nhà tạm trước, bà con hỗ trợ để người dân đối ứng thêm tiền xây được căn nhà khang trang”, ông Sinh kể.

Thông qua các mối quan hệ, lãnh đạo địa phương cũng trực tiếp đi vận động và tranh thủ nguồn hỗ trợ của hội đồng hương huyện. Hễ nghe tin có nguồn lực nào có thể giúp được người dân, lãnh đạo địa phương và các đoàn thể cùng vào cuộc để vận động.

Ông Sinh cho biết, cùng với việc xóa nhà tạm là chuyện lo sinh kế cho người dân ổn định cuộc sống. Lãnh đạo địa phương ngồi lại cùng người dân để lắng nghe, nắm bắt nhu cầu, từ đó tranh thủ các nguồn lực, dự án về các mô hình sinh kế để hỗ trợ cây, con giống cho người dân, từ chăn nuôi lợn, gà, dê, trâu, bò và cây giống. Xã cũng vận động Quỹ "Vì người nghèo" để hỗ trợ cho các gia đình phát triển sản xuất từ các mô hình sinh kế.

Theo lãnh đạo địa phương, nhờ sự đồng lòng, chung sức các cấp, ngành, chính quyền địa phương, các mạnh thường quân và người dân, từ năm 2020 đến nay số hộ nghèo tại xã đã giảm 25 hộ (giảm 3,44%); hộ cận nghèo giảm 45 hộ (giảm 6,18%). Hiện toàn xã chỉ còn 16 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 2,13%), 26 hộ cận nghèo (3,46%). Con số ấy cho thấy công tác giảm nghèo đã “về đích” sớm hơn so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra là đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,56%.

Không để tái nghèo

Theo lãnh đạo UBND xã Xuân Lộc, bên cạnh công tác xóa nhà tạm, hỗ trợ sinh kế cho người dân, địa phương đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp để thực hiện các chính sách. Nổi bật là các chính sách về tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo; hỗ trợ về giáo dục, đào tạo; hỗ trợ về y tế, hỗ trợ về việc làm; chính sách trợ cấp xã hội cho đối tượng yếu thế; hỗ trợ về nước sạch và vệ sinh môi trường; chính sách hỗ trợ tiền điện… Tuy nhiên, để người dân không trông chờ, ỷ lại dẫn đến nguy cơ tái nghèo thì giải pháp nâng cao nhận thức, ý thức giảm nghèo của người dân là việc làm đồng thời và thường xuyên.

Ông Hồ Văn Yên, Trưởng bản Phúc Lộc chia sẻ, công tác tuyên truyền, vận động từ xã về thôn, bản được thực hiện thường xuyên, liên tục gắn với việc lan tỏa những thông tin tích cực về giảm nghèo. Ngoài tuyên truyền, hướng dẫn người dân chăm chỉ làm ăn, biết cách quản lý chi tiêu, tiết kiệm, thì còn vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. “Trước đây, người dân đi làm rẫy về hết việc là nhậu. Tiệc cưới mỗi nhà làm đủ thứ lễ, kéo dài cả tuần. Nhưng hiện nay, người dân ý thức hơn nhiều, chăm chỉ làm ăn; đơn giản hóa, rút gọn lễ cưới. Nhiều gia đình còn chủ động tích lũy tự xây, sửa nhà để thoát nghèo. Thấy nhà này làm, nhà khác cũng cố gắng tự vươn lên”, ông Yên chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Phú Lộc, xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, thời gian qua, các cấp, ngành và chính quyền địa phương đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt ở xã Xuân Lộc, nơi có nhiều bà con người đồng bào Vân Kiều sinh sống, tỉnh và huyện cũng huy động nhiều nguồn lực, các dự án để hỗ trợ người dân. Chính quyền địa phương ở đây cũng sâu sát, cùng các hội đoàn thể ở thôn, bản nỗ lực vận động để thay đổi tư duy, xóa nghèo từ tư tưởng để người dân tự lực vươn lên thoát nghèo.

HU (Theo Hữu Phúc-Báo TTH)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL