Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 3.780
Tiếp nhận ý kiến
Hỏi:
Hiện vẫn còn khá nhiều công trình di tích lịch lịch sử, văn hóa bị xuống cấp nhưng chưa được khắc phục kịp thời và đề nghị tỉnh cho biết các giải pháp thực hiện công tác trùng tu di tích thời gian qua, kế hoạch thời gian tới?
Người gửi: Nguyễn Văn Thạnh - Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế (Ngày gửi: 24/12/2017)
Đáp:

Hiện nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có gần 1.000 di tích được kiểm kê, lập hồ sơ, tính đến cuối tháng 11 năm 2017, đã có 156 di tích được xếp hạng: 87 di tích cấp Quốc gia (bao gồm 02 cụm di tích cấp Quốc gia đặc biệt), 69 di tích cấp tỉnh, trong đó có 36 di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế và 120 di tích do Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và một số đơn vị được phân cấp quản lý.

Căn cứ vào quy mô, tính chất, phạm vi ảnh hưởng, khả năng phát huy giá trị di tích, UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định phân công quản lý trực tiếp di tích đối với từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật Di sản Văn hóa. UBND tỉnh cũng đã giao Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành khảo sát thực địa, đánh giá hiện trạng xuống cấp và xây dựng kế hoạch tu bổ, tôn tạo di tích của các di tích nằm ngoài hệ thống Quần thể di tích Cố đô Huế giai đoạn 2012 - 2020 và UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch này.

Trong giai đoạn 2011-2016, với tổng kinh phí khoảng 30,5 tỷ đồng (nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa 9,6 tỷ đồng; nguồn hỗ trợ từ ngân sách các địa phương là 11,5 tỷ đồng; nguồn xã hội hóa là 9,4 tỷ đồng), các đơn vị, địa phương đã tiến hành bảo tồn, tu bổ cho 30 công trình (26 di tích cấp Quốc gia và 04 di tích cấp tỉnh). Một số địa phương bên cạnh nguồn kinh phí nhà nước đã tập trung huy động nguồn xã hội hóa đạt hiệu quả cao. Các di tích sau khi được trùng tu đã phục vụ kịp thời hoạt động giáo dục truyền thống và tham quan du lịch.

Năm 2017, với các nguồn vốn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của Tỉnh và của các địa phương bố trí nguồn kinh phí cho công tác tu bổ di tích vào khoảng gần 10 tỷ đồng.

Hệ thống di tích đã được xếp hạng bao gồm nhiều loại hình khác nhau (lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ…), có quy mô lớn, phân bố rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh và trải qua quá trình tồn tại dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chiến tranh khốc liệt tàn phá nên rất nhiều di tích bị xuống cấp trong khi khả năng nguồn tài chính của tỉnh còn gặp quá nhiều khó khăn. Đây cũng là tình hình khó khăn, bất cập chung của các địa phương trong cả nước. Từ năm 2015, nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trong công tác trùng tu di tích không còn, do vậy các địa phương rất khó bố trí. Các di tích đã được UBND tỉnh phân cấp quản lý nhưng một số địa phương do kinh phí hạn hẹp nên vẫn chưa chủ động cân đối được nguồn ngân sách tu bổ các di tích do mình được phân công trực tiếp quản lý.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành ưu tiên tập trung trùng tu một số công trình tiêu biểu như: Nhà lưu niệm Bác Hồ tại 112 Mai Thúc Loan, Cầu ngói Thanh Toàn, Đình làng Thế Lại Thượng, Chùa Thánh Duyên… Tỉnh sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cùng nguồn vốn do địa phương đảm nhận để tu bổ một số công trình di tích được xếp hạng như di tích Đình làng An Cựu (thành phố Huế), Đình làng Lại Thế (huyện Phú Vang)...

Để ngăn chặn tình trạng xuống cấp hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, đồng chí Phan Tiến Dũng đề nghị HĐND tỉnh quan tâm, nghiên cứu để ban hành nghị quyết trong việc bố trí kinh phí để thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị đối với các di tích. Đồng thời, đề nghị các địa phương chủ động bố trí và huy động xã hội hóa để lựa chọn ưu tiên thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo các di tích do địa phương trực tiếp quản lý.

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL