Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 29.748
Huế hướng tới đô thị sinh thái đặc trưng
Lượt đọc: 109777Thời gian: 10:04 - 09/07/2014

(VHH) - Thừa Thiên Huế và đô thị Huế là một trong sáu đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Thừa Thiên Huế đang hướng đến mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực các nước Ðông - Nam Á.

Không giống như các tỉnh, thành phố khác, trong tiến trình đưa cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên Huế có những bước đi khá vững chắc, mang tính đặc thù riêng. Ðô thị Thừa Thiên Huế phát triển đậm bản sắc Huế, hài hòa giữa mới và cũ, giữa hiện đại và truyền thống. Ðề án xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình "chùm đô thị, đa trung tâm" đã được HÐND tỉnh thông qua mang tính khả thi cao. Hướng phát triển của đô thị Thừa Thiên Huế chính là sự kết nối giao thông, tạo sự "liên kết" vùng miền, cả miền núi lẫn đồng bằng.

Thừa Thiên Huế với tư cách trực thuộc T.Ư sẽ bao gồm Huế là đô thị thành phố trung tâm và các đô thị vệ tinh. Kết nối các đô thị sẽ là một hệ thống giao thông tốc độ cao và rộng khắp. Ðến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có một đô thị loại I là Huế, hai đô thị loại IV là Hương Thủy và Hương Trà, cùng tám đô thị loại V. Thị trấn Thuận An đang được đầu tư xây mới, nâng cấp để đạt chuẩn đô thị loại IV. Các trung tâm tiểu vùng Bình Ðiền, Ðiền Lộc, Thanh Hà, An Lỗ, La Sơn, Vinh Thanh đang được đầu tư đạt chuẩn đô thị loại V.

Yếu tố cảnh quan đô thị được đưa vào làm tiêu chí đánh giá tại Nghị định 42 của Thủ tướng Chính phủ về xếp loại đô thị. Thừa Thiên Huế sẽ không quá tập trung "nóng" vào công nghiệp để có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Cao cho rằng: "Thừa Thiên Huế sẽ không xây dựng thành một đô thị với những tòa nhà cao tầng, những khu công nghiệp với mật độ dân cư đông đúc, mà phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, giảm áp lực dân cư đô thị, hạn chế can thiệp vào kiến trúc, cảnh quan. Thừa Thiên Huế sẽ phát huy thế mạnh là tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên lịch sử - văn hóa - nhân văn - kiến trúc theo hướng phát triển hài hòa, lấy dịch vụ - du lịch và các thế mạnh của một trung tâm văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ để phát triển, hướng đến xây dựng Thừa Thiên Huế là thành phố "đô thị sinh thái, di sản, văn hóa và thân thiện với môi trường".

Chính phủ đang có chủ trương phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, Huế là đô thị di sản văn hóa, đô thị cố đô còn giữ được khá nguyên vẹn, bảo đảm các tiêu chí này. Diện mạo đô thị Huế đang thay đổi và ngày càng đẹp hơn. Thành phố phát triển nhưng cảnh quan đôi bờ sông Hương không bị xâm phạm, dòng Hương vẫn giữ được nét đẹp vốn có của nó, nhất là hệ thống cây xanh, mảng thảm xanh vẫn còn nguyên vẹn. Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng Nguyễn Ðăng Sơn, trong xây dựng, phải chú ý đến yếu tố thành phố vườn. Huế cần được quy hoạch xây dựng với không gian xanh và vành đai xanh, các phân khu chức năng được xây dựng tách biệt. Ngoài việc bảo tồn không gian văn hóa nghệ thuật kiến trúc, chúng ta cũng cần bảo tồn không gian tự nhiên từ các thành tố cấu thành đô thị như không gian sông Hương, không gian nhà vườn và hình thái đô thị - nông thôn cũng như không gian văn hóa lịch sử Huế.

Cùng với cơ sở hạ tầng giao thông kết nối, các trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc, y tế chuyên sâu, khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao cũng dần được hình thành. Nhiều lễ hội truyền thống, nhất là lễ hội cung đình Huế được phục dựng; các lễ hội văn hóa tín ngưỡng không ngừng phát huy. Hệ thống di tích cố đô Huế, di tích lịch sử văn hóa, cách mạng được đầu tư tu bổ, tôn tạo. Trung tâm y tế chuyên sâu của miền trung, Ðại học Huế luôn giữ vị thế của một trung tâm đào tạo đại học và sau đại học lớn ở miền trung, một trong 14 đại học trọng điểm của quốc gia. Khoa học - công nghệ phát triển theo hướng khai thác các thế mạnh về khoa học xã hội và nhân văn, y dược, công nghệ thông tin. Tất cả những tiềm năng, lợi thế sẵn có đó tạo nét đặc trưng riêng cho Thừa Thiên Huế trong tiến trình phát triển của mình.

Theo các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực xây dựng, đô thị được cấu thành bởi ba yếu tố quan trọng, gồm kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và năng lực quản lý. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã xác định chức năng của đô thị hướng tới, đó là cách làm hay trong vấn đề xây dựng đô thị trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm kinh tế biển, bởi Thừa Thiên - Huế có biển và đầm phá rộng lớn. Ngoài những chuyển động mang tính dài hơi, dễ nhận thấy gần đây là những nỗ lực trong việc xây dựng, chỉnh trang và nâng cấp bộ mặt đô thị Huế. Ðáng kể trong tạo ra sự kết nối đô thị là việc triển khai các dự án giao thông, như cầu Ca Cút gắn với quốc lộ 49B nhằm phá vỡ thế chia cắt ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; đường La Sơn - Nam Ðông đáp ứng nhu cầu kết nối đô thị Nam Ðông với TP Huế; khởi công quốc lộ 49A, đầu tư cầu bắc qua sông Hương. Thừa Thiên Huế đạt 79,1/100 điểm, hội đủ các tiêu chuẩn đô thị đề nghị Bộ Xây dựng thẩm định trình Chính phủ, Quốc hội công nhận Thừa Thiên Huế là đô thị loại I trực thuộc Trung ương.

Nhiều ý kiến khẳng định, Thừa Thiên Huế có rất nhiều lợi thế, nét đặc trưng riêng khó địa phương nào có được. Tuy nhiên, so với các địa phương khác, Thừa Thiên Huế đất rộng, người thưa, trình độ phát triển kinh tế nói chung, công nghiệp - dịch vụ nói riêng của tỉnh chưa cao. Hơn nữa, Thừa Thiên Huế cũng chưa có một "đầu tàu" hay một trung tâm phát triển đúng nghĩa, đủ mạnh để kéo cả tỉnh phát triển. Những lợi thế của Thừa Thiên - Huế cũng chỉ được "khai thác tài nguyên thô", mới tập trung khai thác lợi thế có sẵn, ít tạo ra giá trị gia tăng mới, chưa đủ tầm cỡ cạnh tranh quốc tế, chưa đặt trong sự kết nối vùng, quốc gia, quốc tế.

Không có nơi nào mà người dân kỳ vọng và có sức chờ đợi lâu như ở Thừa Thiên Huế. Gần 20 năm, điều đó nói lên sự tha thiết của Ðảng bộ, chính quyền cũng như người dân Huế. Thừa Thiên Huế đã có cách nhìn nhận đúng về giá trị của vùng, có quyết tâm và sự đồng thuận. Ðó là cơ sở, điều kiện và là niềm tin để sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Công Hậu (Nhân dân)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL