Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 1.142
Tấm gương vượt khó của thầy giáo dạy nghề Trần Công Đông
Lượt đọc: 7555Thời gian: 15:12 - 09/08/2019
Gia đình của anh Đông

(VHH) - Trần Công Đông sinh năm 1984, tại thôn Hiền Sĩ, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền đã vượt lên bệnh tật để trở thành người truyền dạy nghề mộc mỹ nghệ cho nhiều trẻ khuyết tật.

Năm 2 tuổi, cậu bé Trần Công Đông sau một đợt sốt dài ngày đã bị bại liệt một chân. Gia đình có đông anh em (6 người), Đông là người anh cả, bố là thương binh hạng 1/4, cuộc sống cả gia đình phụ thuộc vào đồng lương của bố và những gánh hàng của mẹ bán ở chợ. Dù cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn, một chân bị bại liệt, nhưng anh không khuất phục trước số phận để vươn lên trong cuộc sống... Năm 2002 sau khi tốt nghiệp THPT, do điều kiện kinh tế khó khăn không cho phép Đông tiếp tục theo học, anh phải vào thành phố Hồ Chí Minh kiếm việc làm, xin theo học nghề điện tử. Do cơ thể bị tật nguyền nên anh gặp nhiều trở ngại, sau đó anh trở về quê hương.

Năm 2005, anh xin vào học nghề mộc mỹ nghệ tại Trung tâm dạy nghề và Đào tạo việc làm cho người khuyết tật tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau hơn 3 năm học nghề, anh được giữ lại Trung tâm làm giáo viên, bắt đầu hành trình truyền nghề cho các em cùng cảnh ngộ.

 “Khi đến lớp, mình phải tạo không khí vui vẻ, nói chuyện hài hước để các em hưng phấn. Ngoài việc học, mình còn bày vẽ thêm về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống, vừa học vừa tâm sự cho các em. Dạy ở Trung tâm mình thấy vui, hạnh phúc vì được giúp đỡ các em có hoàn cảnh giống mình”, Anh Đông chia sẻ.

Sau hơn 14 năm theo nghề, nhiều thế hệ học sinh khuyết tật đã được anh chỉ dạy từ những bước căn bản đầu tiên của nghề mộc mỹ nghệ. Đến nay, có hơn 100 em thành thạo tay nghề, nhiều em ra ngoài tự mở xưởng hoặc đi làm cho các xí nghiệp...

Thầy giáo Trần Công Đông tâm sự: “Với tôi, chỉ có sự nhiệt huyết, lòng say mê nghề nghiệp, tình yêu thương con người mới tạo được sự cảm phục của học sinh. Những năm tháng tuổi trẻ đó, vượt lên mọi khó khăn nghề nghiệp, sự mưu sinh của cuộc sống, tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất công việc chuyên môn. Từ đó, tôi đã truyền đến  niềm đam mê khám phá, tính sáng tạo cao nhất cho các em trong học tập”.

Hạnh phúc luôn mỉm cười với những người biết phấn đấu. Tại trung tâm dạy nghề, thầy giáo Trần Công Đông đã tìm được một nửa của mình, đó là chị Trần Thị Gái, một học viên của Trung tâm. Năm 2017, vợ chồng thầy giáo Đông đã tham gia chương trình giao lưu “Hạnh phúc gia đình người khuyết tật” và được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch tặng bằng khen đại diện các gia đình người khuyết tật tiêu biểu.

Ngoài công việc chuyên môn ở Trung tâm dạy nghề và đào tạo việc làm, thầy lại trở về với ngôi nhà nhỏ của mình ở thôn Hiền Sĩ, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền để làm tròn trách nhiệm của một người chồng, người cha mẫu mực trong gia đình.Thầy luôn là người tích cực, gương mẫu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và luôn năng nỗ, nhiệt tình tham gia mọi hoạt động ở địa phương.

Không chỉ tự tạo hơi ấm cho hạnh phúc riêng, thầy giáo Trần Công Đông còn biết cách “truyền lửa” hy vọng vào tiếp nối ước mơ cho cho những mảnh đời bất hạnh. Hơn 10 năm công tác, phấn đấu hết mình vì sự nghiệp, thầy giáo khuyết tật Trần Công Đông vẫn không ngừng nỗ lực để xứng đáng với niềm tin yêu của đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh. Sự trưởng thành và thành đạt của các thế hệ học trò chính là phần thưởng lớn nhất đối với những người giáo viên tận tâm với sự nghiệp như thầy - một người thầy ưu tú với trái tim luôn ngập tràn ngọn lửa nhiệt huyết đam mê “truyền lửa” cho các em khuyết tật.

Tiến Dũng - HU
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL