Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 12.159
Kiến nghị Thừa Thiên Huế là “đô thị di sản đặc thù - thành phố trực thuộc Trung ương"
Lượt đọc: 9657Thời gian: 01:33 - 19/08/2019

(VHH) - Trong dịp dự Kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh Thừa Thiên Huế (01/7/1989 - 01/7/2019) và Lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất diễn ra vào ngày 17/8, tại Trung tâm văn hóa Thông tin Tỉnh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có buổi làm việc với Đoàn Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tại buổi làm việc, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã báo cáo với Chủ tịch Quốc hội những kết quả đạt được đối với việc thực hiện Kết luận 48/KL-TW và Thông báo 175/TB-TW của Bộ Chính trị; những kết quả thực hiện về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội năm 2019 và định hướng các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Theo đó, sau 10 năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị, đô thị Thừa Thiên Huế đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng theo các lợi thế và bản sắc riêng.

Cùng với những thành tựu về kinh tế, phát triển đô thị, trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, tỉnh cũng đã phát huy và ngày càng khẳng định vị thế 4 trung tâm: văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước; y tế chuyên sâu; khoa học - công nghệ; giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Tập trung xây dựng và phát triển theo hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”, qua đó đã khẳng định Thừa Thiên Huế là trung tâm văn hóa, du lịch có thương hiệu quốc gia và khu vực, là “Thành phố Văn hóa Asean”, “Thành phố bền vững môi trường Asean”, là “Thành phố Xanh quốc gia”, “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”. 

Tuy nhiên, trong thời gian qua, mục tiêu cơ bản để đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương chưa thực hiện được, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Để tạo đột phá, thúc đẩy phát triển đô thị Huế theo hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”, tỉnh Thừa Thiên Huế cần có cơ chế để trở thành “Đô thị di sản- Thành phố trực thuộc Trung ương” nhằm phục dựng và bảo tồn toàn vẹn các di sản vật thể, phi vật thể và thiên nhiên mang nét đặc trưng của Việt Nam mà Cố đô Huế đang vinh dự bảo tồn và phát huy.

Kiến nghị tại buổi làm việc, đồng chí Phan Ngọc Thọ mong muốn Chủ tịch Quốc hội quan tâm và có cơ chế, chính sách đặc thù để Thừa Thiên Huế là “đô thị di sản đặc thù, để trở thành phố trực thuộc Trung ương.

Tiếp thu các ý kiến kiến nghị của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục phát huy 4 lĩnh vực thế mạnh của tỉnh; đồng thời làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ, phát huy di sản cố đô Huế mà nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là thực hiện tốt việc di dời các hộ dân tại khu vực 1, Kinh thành Huế; kịp thời đánh giá tổng kết 10 năm thực hiện kết luận 48 và báo cáo với Bộ Chính trị để có định hướng mới xây dựng phát triển Thừa Thiên Huế và đô thị Huế trong thời gian đến.

Tại buổi Lễ Kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh Thừa Thiên Huế (01/7/1989 - 01/7/2019) và Lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo tỉnh đã trao Cờ thi đua xuất sắc năm 2018 của Chính phủ cho 5 đơn vị thuộc tỉnh. Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế vinh dự được Chính phủ tặng Cờ Thi đua trong dịp này. Đây là một ghi nhận của Đảng, Nhà nước về những nỗ lực của tập thể cán bộ, viên chức, người lao động, của Ngành Văn hóa và Thể thao trong thời gian qua.

 

 

Trong chương trình làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã đi thăm, động viên một số hộ dân nghèo, khó khăn đang sinh sống trên thượng thành thuộc diện di dời trong thời gian tới; đồng thời khảo sát, nắm bắt về tình hình triển khai dự án di dời dân cư tại khu vực 1, Kinh thành Huế.

svhtt.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL