Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 6.664
Về Quảng Ngạn đi chợ phiên ngày Tết
Lượt đọc: 93233Thời gian: 08:03 - 06/02/2015

(VHH) - Cứ mỗi độ Xuân về Tết đến, người dân Quảng Ngạn và những vùng phụ cận lại nô nức tham dự phiên chợ cổ truyền độc đáo được tổ chức vào  3 ngày Tết nguyên đán mỗi năm.

Ở phiên chợ, hàng hóa chính là những sản phẩm nông nghiệp gần gũi mà người dân làm ra, có khi chỉ là mớ rau, vài quả đu đủ,... hái được ở trong vườn. Họ đưa ra chợ bán, mong có được cái duyên, cái lộc đầu năm mới cho gia đình và những người xung quanh. Mặt hàng bán nhiều nhất là cau trầu, bởi theo suy nghĩ của nhiều người, đầu năm đi chợ mua cau trầu là mua cái lộc. Không chỉ các cụ già, những người cao tuổi mới đi chợ mà rất nhiều thanh niên cũng đến chợ này. Họ đến để hiểu thêm nét đẹp văn hóa truyền thống và mua cho mình chút lộc đầu năm. Chợ bắt đầu đông khách vào sáng sớm đến khoảng 10 giờ trưa thì bắt đầu vắng khách, sáng mai lại đông trở lại.

Người đi chợ gặp nhau chào hỏi và không quên chúc nhau những lời tốt đẹp, năm mới an lành, phát tài phát lộc.

Chợ không chỉ có người trong xã Quảng Ngạn mà người dân các vùng lân cận như Quảng Công, Điền Hải cũng tập trung về mua bán.

Theo nhiều người buôn bán ở đây, chợ phiên này không biết có từ khi nào. Họ sinh ra đã có, truyền từ đời này sang đời khác. Chợ năm nào cũng họp, nhưng chỉ họp ngày Tết. Chợ đông từ sáng sớm đến trưa.

Dưới cái lành lạnh của những ngày đầu năm, giữa những bộn bề của cuộc sống, nhiều người vẫn tìm đến chợ phiên để đưa mình về với tuổi thơ. Vì lẽ đó, đồ chơi trẻ em trở thành một trong những món hàng được bày bán nhiều nhất và nhiều người dân quan tâm nhất. Người lớn dẫn con nhỏ đến chợ không chỉ du xuân mà để dạy cho con biết yêu quý truyền thống. Còn những đứa trẻ này, bây giờ chỉ nghĩ đến chuyện được khoe áo mới, được mua đồ chơi, nhưng mai này lớn lên hình ảnh những chợ phiên ngày Tết sẽ trở thành một hồi ức đẹp mà chúng sẽ mang theo đến cuối cuộc đời.

Nhìn dòng người tấp nập, người bán hàng bán những sản vật do mình làm ra với mong muốn một năm “mua may, bán đắt”, còn người mua thì mua cái may mắn, cái lộc đầu năm... Vì lẽ đó, không hề có sự mặc cả, trả giá thay vào đó là những tiếng cười nói, lời chúc nhau đầu năm. Để đến với chợ phiên, những người bán hàng phải tranh thủ đi từ tờ mờ sáng tìm một chỗ ngồi nho nhỏ bày hàng, còn những người đi chợ cũng tranh thủ đến sớm lựa chọn cho mình những món hàng, những sản vật ưng ý. 

Chợ phiên Quảng Ngạn có một sức hấp dẫn kỳ lạ đối với nhiều người. Sức hấp dẫn được tạo nên từ những nét văn hóa rất độc đáo khiến không khí đón xuân thêm sinh động và ý vị. Không những thế, không khí nhộn nhịp của chợ phiên còn phản ánh sự phồn thịnh và khát vọng về một cuộc sống ấm no. Nhà văn Vũ Bằng từng có một nhận định về chợ Tết thế này: "Chợ Tết có một sức hấp dẫn hết sức kỳ lạ, muốn về nhưng lại muốn đi, đi để xem thiên hạ mua bán, đi để xem bao nhiêu cái ngon, cái đẹp của quê hương, đi để xem... chợ Tết. Bởi, chợ Tết là hiện thân của những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Không những thế, chợ Tết còn là biểu hiện cho sự sinh động của cuộc sống và cái đẹp. Một cái đẹp bình dị trong sáng nhưng cũng lý thú và thi vị".

BM (Tổng hợp)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL