Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực, chủ động, sáng tạo, lãnh đạo các chi bộ và đơn vị toàn ngành triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ nhất nhiệm kỳ 2010 – 2015.
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, nhiệm kỳ qua, Đảng bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những bước phát triển vững mạnh, toàn diện. Nhiều năm liền, Đảng bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch được UBND tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Cờ Thi đua xuất sắc; được Chính phủ tặng Cờ Thi đua dẫn đầu phong trào thi đua năm 2013; vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.
PV: Thưa ông, nhìn lại nhiệm kỳ qua, những điểm nhấn ấn tượng mà ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đạt được là gì ạ?
Ô. Phan Tiến Dũng: Đảng bộ Sở đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước, bên cạnh đó cũng đã tham mưu để cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch phát triển các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình, đây là địa phương đầu tiên trong cả nước đã xây dựng xong các quy hoạch này. Cũng trong nhiệm kỳ, vị thế văn hóa, du lịch Thừa Thiên Huế tiếp tục được khẳng định rõ, nhiều năm liền các hoạt động được bình chọn là sự kiện văn hóa tiêu biểu của Việt Nam. Các lễ hội diễn ra sôi động, đều khắp, mang đậm giá trị nhân văn và bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa Huế. Tiêu biểu là các chương trình trong Festival Huế, Festival Nghề truyền thống, Thuận An biển gọi, Lăng Cô Vịnh đẹp thế giới, Sóng nước Tam Giang… Nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật mang tầm quốc gia và quốc tế đã được tổ chức thành công. Tiêu biểu là Năm Du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012 với hơn 30 sự kiện lớn; Cầu truyền hình kỷ niệm 45 năm mùa xuân 1968; Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa Nghệ thuật ASEAN +3 và đón nhận danh hiệu Thành phố Văn hóa ASEAN; Ngày hội tôn vinh Ca Huế “Âm sắc Hương Bình”, Lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (1975-2015)…
Hoạt động du lịch vượt qua nhiều khó khăn thách thức và có bước phát triển. Giai đoạn 2010 - 2015, hằng năm lượng khách đến Thừa Thiên Huế từ 2,5 đến 2,7 triệu. Riêng trong năm 2014, khách du lịch đến Thừa Thiên Huế đạt 2,9 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 1 triệu lượt. Thừa Thiên Huế là địa phương có tốc độ tăng trưởng cao so với cả nước về du lịch với mức bình quân 13,6%/năm về lượt khách tham quan du lịch. Trong 4 năm từ 2012-2015 các chương trình phát triển du lịch luôn được Tỉnh đưa vào chương trình trọng điểm và triển khai hiệu quả. Doanh thu từ dịch vụ du lịch từ mức đóng góp 45% vào GDP của tỉnh năm 2010, đến nay đã vươn lên đạt 56% (đây là một tỷ lệ đứng hàng đầu cả nước).
Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", Đề án "Xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn" được triển khai đồng bộ, hiệu quả, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh có 1.381 làng, thôn, bản, tổ dân phố được công nhận đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 92,8%; 996 cơ quan, đơn vị được công nhận đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 86%; 233.731 gia đình được công nhận gia đình đạt chuẩn văn hóa, với tỷ lệ là 92,52%.
Lĩnh vực thể dục thể thao có bước phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng. Trong đó, thể thao thành tích cao đạt được những thành tích vượt trội. Tổng số huy chương mà các VĐV thể thao đã giành được từ năm 2010 đến nay là 1.118 huy chương các loại, trong đó 93 huy chương quốc tế.
Đảng bộ Sở đã chú trọng phối hợp với các cơ quan, các địa phương triển khai các hoạt động hợp tác và giao lưu văn hóa, quảng bá hình ảnh văn hóa Huế thông qua việc tổ chức các lễ hội, sự kiện quốc gia và quốc tế, các hội chợ quốc tế, thông qua các hãng thông tấn, kênh truyền hình nước ngoài...
Về công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ Sở luôn tập trung nâng cao công tác xây dựng Đảng, nghiêm túc trong tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Chỉ thị 03/CT-TW, đảm bảo các quy định của cấp trên, đúng tiến độ thời gian, đảm bảo chất lượng trong kiểm điểm phê bình và tự phê bình. Đảng ủy đã thực hiện tốt kế hoạch khắc phục các khuyết điểm, hạn chế trên tinh thần thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật. Luôn xác định việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Chỉ thị 03/CT-TW của Bộ Chính trị là một vấn đề cốt lõi tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng trong việc tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động, để vươn lên hoàn thành nhiệm vụ đề ra.
PV: Trong nhiệm kỳ tới, ông có thể chia sẻ về những mục tiêu mà ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng tới?
Ô. Phan Tiến Dũng: Nhiệm kỳ 2015 - 2020 là giai đoạn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước và tỉnh Thừa Thiên Huế. Toàn thể cán bộ, đảng viên Đảng bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết tâm khắc phục khó khăn, phát huy trí tuệ và sức mạnh đoàn kết, phấn đấu đưa sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Về văn hóa, phấn đấu đến năm 2020 tham mưu tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị vật thể và phi vật thể trên địa bàn, tập trung xây dựng các thiết chế văn hóa quan trọng, phấn đấu tỷ lệ xã phường có nhà văn hóa đạt 60%; tỷ lệ làng, bản, thôn, xóm, khu phố có nhà văn hóa là 80%; tỷ lệ làng, bản, thôn, xóm, khu phố đạt chuẩn văn hóa là 97%; tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa là 97%.
Du lịch đến năm 2020 thu hút 5,1 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 2 triệu lượt; khách do các cơ sở lưu trú phục vụ thu hút 3,9 triệu lượt; tăng trưởng khách du lịch bình quân đạt 12 - 15%/năm; du lịch dịch vụ đóng góp 54 - 56% GDP của tỉnh; doanh thu từ khách du lịch đạt 6.182 tỷ đồng. Thu nhập xã hội từ du lịch đến năm 2020 đạt 17.300 tỷ đồng.
Về thể dục, thể thao: Phấn đấu đến năm 2020 có từ 35 - 37% dân số tập luyện thể thao thường xuyên, mỗi năm tổ chức khoảng 600 - 700 giải thể thao quần chúng, tham gia thi đấu các giải trong nước đạt từ 230 - 250 huy chương, tham dự các giải thể thao quốc tế đạt 10 - 20 huy chương các loại, phấn đấu có các vận động viên đạt thành tích cao trong các kỳ Đại hội TDTT, Seagames, ASIAD.
PV: Hướng tới những mục tiêu ấy, ngành sẽ tập trung vào những giải pháp gì ạ?
Ô. Phan Tiến Dũng: Đảng bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tập trung vào những giải pháp thiết thực, như: Tham mưu để xây dựng các thiết chế văn hóa quan trọng đáp ứng yêu cầu hoạt động của người dân, nghiên cứu tổ chức tốt và nâng cao chất lượng các kỳ Festival Huế gắn kết với phát triển du lịch và quảng bá văn hóa Huế. Nâng cao nguồn kinh phí và tiến độ bảo tồn hệ thống di tích trên địa bàn, nghiên cứu và xây dựng các giải pháp để giữ gìn các loại hình văn hóa phi vật thể.
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng huấn luyện viên, vận động viên làm nòng cốt cho chiến lược phát triển thể thao lâu dài; chú trọng xây dựng lực lượng ở các bộ môn trọng điểm, thế mạnh của Tỉnh. Triển khai đồng bộ Quy hoạch phát triển du lịch Thừa Thiên Huế giai đoạn 2015 – 2025, tầm nhìn đến 2030. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm. Xây dựng Thừa Thiên Huế là vùng trọng điểm du lịch lớn nhất Bắc Trung Bộ để kết nối với các tỉnh trọng điểm Nam Trung Bộ. Đầu tư cơ sở hạ tầng; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch trong nước, quốc tế; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực quản lý và phục vụ của đội ngũ những người làm công tác du lịch.
Triển khai hiệu quả Đề án Xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn; tham mưu để có các giải pháp nâng cao đời sống văn hóa vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển đầm phá, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đẩy mạnh xã hội hóa phát triển văn hóa, thể thao, du lịch, huy động các nguồn đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể dục thể thao, cơ sở hạ tầng du lịch. Triển khai đồng bộ các hoạt động để thực hiện chiến lược phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình vùng trọng điểm miền Trung mà Thừa Thiên Huế cùng với Đà Nẵng được xác định là hạt nhân quan trọng nhất.
Cảm ơn ông về những trao đổi trên!