Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 33.797
Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị - Cuộc hóa thân của đất và đá
Lượt đọc: 112953Thời gian: 14:32 - 16/09/2015

(VHH) - Bước vào nghệ thuật tạo hình ở tuổi bốn mươi, tuổi bước qua ngưỡng thanh xuân để trở về với chiêm nghiệm và tĩnh lặng, Điềm Phùng Thị đã khiến giới tạo hình thế giới phải quay đầu dừng lại, người xem như bị thôi miên bởi tác phẩm của bà.

Những tác phẩm đó không chỉ khiến người xem nhìn ra chính mình trong đó mà khiến giới hàn lâm trong nghệ thuật tạo hình sững sờ trước những gì thật đơn giản nhưng lại chứa đựng sự thâm trầm của một bản lĩnh từng trải. Như thể Điềm Phùng Thị đã làm điêu khắc từ kiếp nào. Bà có một quan niệm nghệ thuật rất đơn giản nhưng ẩn chứa một nội lực thâm hậu như bảy mẫu tự do bà sáng tạo:

"Và nếu có ai đó ngắm nhìn

dừng chân và cảm mến

con người trong tôi

tức là tôi đã thành công

Nếu tôi thất bại

và chẳng ai chìa tay cho tôi

tôi sẽ đút tay vào túi, thật sâu

Mặc kệ.

Không sao đâu, Marie,

em vẫn đẹp như thường". 

(Điềm Phùng Thị, 1967)\

Điềm Phùng Thị (18/8/1920 - 29/1/2002), tên thật là Phùng Thị Cúc, sinh tại làng Châu Ê, Thủy Bằng, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế. Bà mồ côi mẹ từ năm 3 tuổi, năm 6 tuổi đã theo cha ròng rã suốt 9 năm ở Tây Nguyên, sau đó mới về Huế học. Một số tư liệu cho hay, những năm tháng sống ở Huế, Phùng Thị Cúc đã nổi danh không chỉ bởi học hành rất giỏi mà còn là một nhan sắc trường Đồng Khánh, khiến biết bao chàng si mê. Và đóa hoa lộng lẫy đó đã làm chao đảo hồn thơ Lưu Trọng Lư, để ông phải cất tiếng:

"... Ai bảo em là giai nhân

Cho đời anh đau khổ

Ai bảo em ngồi bên cửa sổ

Cho vương víu nợ thi nhân..."

Ngoài ra Lưu Trọng Lư còn sáng tác bài thơ "Một chiều về" có đề "tặng người bạn cũ họ Phùng". Cả hai bài thơ đã in trong tập Tiếng thu, xuất bản lần đầu năm 1939. Những năm 1940, bà là vị hôn thê của họa sĩ Mai Thứ (Mai Trung Thứ) và chính ông cũng có một phần ảnh hưởng trong những cảm hứng sáng tác sau này của bà.

Năm 1946, bà tốt nghiệp khóa Nha khoa tại Đại học Y khoa Hà Nội. Thời điểm đó, bà đã đính hôn với ông Hoàng Xuân Hà (em ruột GS. Hoàng Xuân Hãn) và cùng ông tham gia phục vụ kháng chiến. Ông Hoàng Xuân Hà hy sinh còn bà thì lâm bệnh nặng và được đưa sang Pháp chữa trị. Sau khi hồi phục sức khỏe, bà tiếp tục học và tốt nghiệp Tiến sĩ Nha khoa của Pháp. Năm 1953, bà kết hôn với ông Bửu Điềm, người bạn thời ấu thơ, cũng là Nha sĩ và định cư tại Paris. Tên gọi Điềm Phùng Thị được ra đời từ đây.

Năm 1966 Điềm Phùng Thị triển lãm riêng đầu tiên tại gallery Jeunes, Paris. Tượng “Mẹ con” được chính phủ Pháp mua, sau đó được đặt trong một công viên trẻ thơ. Thành công từ bức tượng đầu tiên ra mắt công chúng yêu nghệ thuật, bà có thêm niềm tin, cảm hứng làm nhiều tượng mới. Triển lãm riêng và chung rất nhiều nơi; năm 1967 triển lãm tại gallery Kasler, ở Copenhagen - Đan Mạch... Tên của bà đã được văn hào tên tuổi André Malraux, có thời là Bộ trưởng Văn hóa Pháp, viết thư đầy khích lệ: “tài năng của bà là hiển nhiên, và hơn nữa đã được thừa nhận.”

Vào năm 1991, tên Điềm Phùng Thị được ghi vào từ điển Nghệ thuật thế kỷ XX; năm 1993 được phong Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học, Văn học và Nghệ thuật châu Âu.

Trong lời tựa của Georges Boudaille, viết ở cuộc triển lãm tại Nhà văn hóa Saint Etienne 1977, có đoạn: "Sức cảm hứng nổi bật ở Điềm Phùng Thị rất bao la, hướng đến sự trầm tư, thậm chí đến một tâm linh thần bí có tính tôn giáo. Tác phẩm điêu khắc của chị mang một vẻ đẹp riêng nào đó của sự tĩnh lặng, nó khơi dòng tĩnh tâm và mặc tưởng..." . Rất nhiều bài viết của các nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng ở Pháp, Bỉ, Đức, Đan Mạch... đều công nhận tài năng hiếm có ở một nhà điêu khắc nữ gốc Á Đông, đã đem đến cho nghệ thuật điêu khắc luồng khí mới, bắt nguồn từ cảm hứng phương Đông nhưng cách xử lý đơn giản trần trụi mang phong cách phương Tây.

Trở lại với tác phẩm của bà có thể chia ra các thời đoạn sau:

Thời kỳ chưa sáng tạo bảy mẫu tự

Giai đoạn này, đa phần tác phẩm của bà có nội dung về tình mẫu tử, tình yêu, tuổi thơ, gia đình, và sự yêu chuộng hòa bình. Trên một số tác phẩm phảng phất nét trầm buồn trên khuôn mặt, trong dáng điệu như một gợi nhớ về quê hương. Như tác phẩm “Mẹ con”, tác phẩm “Tượng đài hòa bình” là niềm mong mỏi của bà về nền hòa bình cho quê hương, cho thế giới.

Trong thời kỳ này, các tác phẩm của bà đã có dấu hiệu của sự nối ghép, tuy nhiên ở dạng thô, bởi các thực thể đặc, chưa tạo ra sự khoáng đãng, thanh thoát, nó hàm chứa sự ẩn ức, bức bí.

Giai đoạn sáng tạo bảy mẫu tự

Để có được bảy mẫu tự mang tên Điềm Phùng Thị, là cả một quá trình suy tư, chìm đắm trong thế giới nghệ thuật, tất nhiên sự thừa kế, cắt bỏ những dư thừa của giai đoạn trước là rất quan trọng. Lúc này tượng của bà đã có dấu ấn đặc sắc, khẳng định tên tuổi của một Điềm Phùng Thị trong giới nghệ thuật hàng đầu thế giới. Các mẫu tự của bà biến hóa kỳ ảo tạo nên hàng trăm tác phẩm, mỗi tác phẩm có một dáng hình và thần thái khác nhau. Chính điều này, khiến cho hàn lâm viện châu Âu phải công nhận bà như một nghệ sĩ sáng tạo hàng đầu. Sự biến hóa của các mẫu tự để tạo ra tác phẩm tùy vào trạng thái tinh thần của bà, khi tâm thức của bà như trẻ thơ, thì tác phẩm có hình thái và biểu hiện của trẻ thơ, khi tâm bà đang suy nghiệm về tôn giáo, thì tác phẩm khiêm cung và yên tĩnh đến lạ thường. Khi tác giả bất an thì tác phẩm của bà như đang tìm kiếm hướng đến một cảnh giới thanh bình. Trong bảy mẫu tự của bà, nếu chú ý chúng ta sẽ thấy một mẫu tự có hình tựa trái tim, quả táo. Trong tác phẩm “Hạnh phúc” có hai trái tim đặt cạnh nhau, nhưng có một phần chung như nhắc nhở đến tình yêu phải chia sẻ, giao thoa, hy sinh. Có thể xem mẫu tự này như cái miệng, luôn nở nụ cười, nhưng khi đặt ngược lại thì trở thành một sự thất vọng trên khuôn mặt cuộc đời.

Một số tác phẩm gợi người xem liên tưởng đến các thiền sư đang nhập định, hay là sự chiếu rọi vào bên trong.

Điều đặc biệt trong các mẫu tự này, tinh giản đến độ tối giản, và những ô trống đã tạo ra sự thanh thoát trong tác phẩm của bà.

Các mẫu tự của Điềm Phùng Thị còn có một đặc điểm khác là không góc cạnh, luôn có những đường cong để làm mềm những mắt xích nối ghép, những đường cong đó gợi cho người thưởng ngoạn nhớ về mẹ, về nguồn gốc của vạn vật, nhớ vế cái âm, sự sinh sôi để tạo dựng ra thế giới này. Một số tác phẩm gợi tưởng đến phái nữ, nhưng không gợi dục mà mang tính bái vật trong tín ngưỡng thuộc chế độ mẫu hệ xa xưa.

Tác phẩm có tên "Ông quan" của bà gồm có ba phần chính: đế, thân và đầu. Phần đế to nhất và sát mặt đất, phần thân khiêm tốn như đang khum mình, phần đầu như chiếc mũ hình cánh chuồn. Tác giả như muốn nhắn gửi đến một thông điệp, như muốn nhắc lại đạo làm quan là phải gần dân, phải biết lắng nghe dân, đem lại lợi ích cho nhân dân và nhiều khi phải cúi mình trước nhân dân. Trong nhiều tác phẩm của Điềm Phùng Thị gợi người xem liên tưởng đến chân dung của các vị thiền sư, hay là hình ảnh con người đang chắp tay cầu nguyện; phần nhiều trong các tác phẩm đó luôn toát lên một trạng thái cô đơn của con người.

Tác phẩm Điềm Phùng Thị gợi tưởng đến những ngôi đền thời Hy Lạp cổ đại, có dấu ấn hướng vào nội tâm, gợi nhắc người thưởng ngoạn về một thế giới tâm linh trong sâu thẳm cõi lòng. Trong hàng loạt tác phẩm của bà, luôn có ba yếu tố: Thân, Khẩu và Ý. Đó là ba nghiệp đeo đẳng con người. Trong bảy chữ cái của bà có một mẫu tự mô tả đôi môi đang cười, thân là các thành tố còn lại được lắp ghép thành, như những khúc xương, và ý chính là yếu tố chính làm nên thần khí cho các tác phẩm của bà. Ý ở đây chính là sự khai ngộ là một quá trình trầm tư thường trực về cuộc sống, về các mối quan hệ trong xã hội và những thế giới khác vượt thoát cõi duy lý của con người. Vì một quá trình trầm tư như vậy, nên sức định và nội lực sáng tạo của bà đã khiến thế giới ngỡ ngàng, kính phục.

Điểm độc đáo của các tác phẩm Điềm Phùng Thị, là được công chúng đón nhận rộng rãi. Các tác phẩm đó đi vào cuộc sống tự nhiên như hơi thở của chúng ta, đặc biệt tác phẩm có thể đặt bất kỳ nơi đâu, trong vườn nhà, trong công viên, trong phòng làm việc, gia đình, trên bàn thờ hay sử dụng cho các tượng đài tưởng niệm, lăng mộ cho người đã nằm xuống với đất đá... Đó là tính khả dụng linh hoạt để tác phẩm nghệ thuật được đi vào mọi ngõ ngách cuộc sống, gần gũi với mọi người. Tôi nghĩ rằng ngành Văn hóa Du lịch Thừa Thiên Huế nên hỗ trợ và phát triển ý tưởng sản xuất bảy mẫu tự của nghệ sĩ Điềm Phùng Thị để làm quà lưu niệm của xứ Huế dành cho du khách, hoặc có thể tặng cho các em thơ thỏa thích sắp đặt như những trò chơi ráp hình. Một điều đặc biệt là trên đất nước được mệnh danh là kinh đô ánh sáng, là cái nôi của nghệ thuật, tác phẩm của nghệ sĩ Điềm Phùng Thị đã được dựng khắp nơi trong các công viên, nhưng Hoa sen ngay trên quê hương bà du khách nào có hiểu biết mới tìm đến ngôi nhà trưng bày, còn trong các công viên dù có rất nhiều tác phẩm nhưng mỏi mắt tìm chẳng thấy một tác phẩm nào của bà.

Trong kinh Cựu ước đại ý có nói rằng, đời sống này được tạo ra từ cát bụi qua quyền năng của thượng đế, và thượng đế đã ban linh hồn cho con người. Với nghệ sĩ Điềm Phùng Thị, cũng từ chất liệu đất đá, nhưng bằng tài năng và sự đam mê, bà đã sáng chế ra bảy chữ cái tưởng chừng đơn giản, nhưng qua đó hàng trăm tác phẩm nghệ thuật được ra đời một cách sinh động. Ngoài cuộc hóa thân của sự sáng tạo mà bà đã phát kiến, như “mẹ và con, có khi trở thành người đang “chắp tay” cầu nguyện, bất chợt nở đóa "hoa sen" thanh thoát, rồi hóa thân thành “ông quan” và trở về với sự "yên lặng" vĩnh cửu,... các mẫu tự đó còn tiếp tục hóa thân theo cách nhìn của người xem. Đó là cuộc hóa thân không ngừng nghỉ trong nghệ thuật, mà duy nhất chỉ có Điềm Phùng Thị được khải ngộ.

Theo Lê Huỳnh Lâm (SH)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL