Di tích khảo cổ Thành Lồi hiện nay tọa lạc trên địa phận 2 xã Thủy Xuân, Thủy Biều và một phần của phường Đúc (thành phố Huế), cách trung tâm thành phố khoảng 7km về hướng tây.
Tòa thành này được xây dựng trên đồi Long Thọ, phía tả ngạn sông Hương. Về mặt hình thể, quả đồi này uốn cong hình móng ngựa mở ra hướng sông Hương. Thành có dạng gần vuông, với các lũy Hướng Tây (dài 350m, rộng trung bình 10m, cao trung bình 3,5m), Nam (550m; 9m; 2,3m), Ðông (370m), và Bắc (750m).
Năm 1989, đoàn nghiên cứu do GS.Trần Quốc Vượng dẫn đầu đã tiến hành khảo sát thực địa, nghiên cứu về Thành Lồi. GS. Trần Quốc Vượng đã nhận xét: “Thành Lồi là một thành Chiêm lớn, xây dựng trên vùng đồi Dương Xuân Thượng với đầy đủ hệ thống hào, hệ thống thoát nước...” và đi đến kết luận về niên đại của Thành Lồi không thua kém thành Trà Kiệu, khoảng thế kỷ V - VI.
Hiện nay, các bờ lũy không còn nguyên dạng trừ lũy phía Tây, Ðông. Kết cấu lũy thành trên cơ sở lợi dụng triệt để địa hình tự nhiên, thành được đắp bởi 2 lớp đất, kè đá và gạch vỡ, một số đoạn đắp thêm lớp đất trên mặt.