Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 13.863
Thái y viện: Độc đáo & riêng có
Lượt đọc: 94503Thời gian: 14:12 - 20/11/2015

(VHH) - Dịp tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về “Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới”, ông Trần Thanh Bình, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khẳng định, thời gian đến phải nghiên cứu phục hồi Thái y viện triều Nguyễn, một địa chỉ khám chữa bệnh (KCB) gắn kết du lịch.

Những động thái tích cực

Trong di sản triều Nguyễn để lại cho vùng đất Cố đô, Thái y viện là một tài sản vô giá. Thừa kế truyền thống vùng đất ngự y, Thừa Thiên Huế đã có nhiều lương y, lương dược giỏi bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc chữa bệnh thành danh góp phần củng cố, phát triển ngành y học cổ truyền (YHCT) nước nhà. Đến nay, hầu hết các trung tâm y tế trên địa bàn đã thành lập khoa YHCT. Các trạm y tế xã, phường đều triển khai KCB bằng châm cứu, dùng thuốc YHCT, thu hút ngày càng nhiều bệnh nhân.

Theo Thạc sĩ Phan Tấn Tô, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đông y tỉnh, YHCT hiện nay đóng góp khá quan trọng trong nền y học tỉnh nhà. Việc phục hồi Thái y viện đã đưa lên bàn nghị sự của lãnh đạo tỉnh từ nhiều năm nay, với mục đích chấn hưng những giá trị truyền thống về YHCT, góp phần đưa Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước. Trong đó, đã lưu ý phục hồi Thái y viện trở thành một thương hiệu độc đáo, là địa chỉ KCB, gắn kết với du lịch.

Để tạo bước khởi động ban đầu, dịp Festival Huế 2014, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế (BTDTCĐ) và Hội Đông y tỉnh phối hợp tổ chức không gian Thái y đường tại khuôn viên Phủ Nội vụ - Đại Nội Huế. Tại không gian này, các bác sĩ, lương y thuộc Hội Đông y tỉnh đã tái hiện hình ảnh của các vị Thái y triều đình ngày xưa bắt mạch, bốc thuốc cho du khách theo đúng trình tự mà các thái y, ngự y xưa đã làm, tạo điểm hẹn ấn tượng thu hút du khách gần xa.

Từ năm 2012 đến nay, Hội Đông y tỉnh đã được giao chủ trì thực hiện đề tài khoa học sưu tầm, biên dịch và đề xuất hướng sử dụng các bài thuốc của Thái y viện triều Nguyễn. Đây là một động thái tích cực làm tiền đề để Thái y viện triều Nguyễn được tái hiện trên đất Cố đô Huế. Thực hiện đề tài, Thạc sĩ Phan Tấn Tô cùng các cộng sự vào các thư viện, trung tâm lưu trữ quốc gia ở TP.HCM và Hà Nội để sưu tập tài liệu, tuyển chọn, biên dịch hơn 1.000 trang từ Hán Nôm tài liệu về bài thuốc Thái y viện triều Nguyễn và liên quan ra tiếng Việt; thống kê, phân loại các bài thuốc và đề xuất hướng sử dụng theo 15 chuyên đề; trong đó, có 10 chuyên đề sử dụng bài thuốc cung đình và 5 chuyên đề sản xuất đặc sản cung đình. Có giá trị nhất là các tài liệu Châu bản triều Nguyễn Thái y viện về ngự dược và bản gốc sách thuốc ngự y triều Nguyễn. Cuối tháng 9 vừa qua, đề tài đã được Hội đồng khoa học tỉnh nghiệm thu, đánh giá khá cần thiết, phù hợp với chủ trương kế thừa, phát huy y dược cổ truyền của Đảng, Nhà nước hiện nay. Nếu phát huy các bài thuốc Thái y viện sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động y dược cổ truyền, làm đa dạng và đặc sắc văn hóa địa phương, phát triển kinh tế xã hội trong thời gian đến.

Cần sự quan tâm từ nhiều phía

Đề tài “Sưu tầm, biên dịch và đề xuất hướng sử dụng các bài thuốc của Thái y viện triều Nguyễn” do Hội Đông y tỉnh chủ trì đã đánh giá, phân tích đề xuất 15 chuyên đề để điều trị, chữa bệnh bảo vệ sức khỏe cho mọi người. Trong đó, đề tài đã đánh giá 16 bài thuốc bổ khí, bổ huyết, bổ nguyên dương và bổ nguyên âm để đề xuất chọn 7 bài thuốc có trong dược điển là: Bổ trung ích khí thang;Hoàn thập toàn đại bổ; Hoàn bát trân; Hoàn qui tì; Hoàn bát vị, Hoàn lục vị; Sâm nhung bổ thận. Bên cạnh đó, đề tài đã nghiên cứu đề xuất các bài thuốc bổ thận, tráng dương, nam khoa; các bài thuốc mang tính dược thiện, dược tửu, dược trà và mộc dục (tắm gội, xông hơi), chăm sóc sắc đẹp, lão hóa...góp phần nâng cao chất lượng hoạt động YHCT hiện nay.

Với những khởi động lạc quan để hướng đến phục hồi Thái y viện đã mang lại bao kỳ vọng không chỉ cho các danh y mà cả người dân Cố đô Huế.

Mang vấn đề này trao đổi với nhiều danh y hoạt động trong lĩnh vực YHCT, chúng tôi nhận được những câu trả lời rằng, phải xem đó là một sản phẩm văn hóa kết hợp dịch vụ du lịch- một sản phẩm độc đáo chỉ riêng có ở Huế. Đơn vị chủ trì nên giao Trung tâm BTDTCĐ Huế trên cơ sở được sự ủng hộ, quan tâm của các ban ngành và đồng thuận của các đầu mối dịch vụ du lịch.

Thạc sĩ Phan Tấn Tô cho rằng, không gian Thái y đường được thử nghiệm thành công dịp Festival Huế vừa qua, là cơ sở để các ban ngành, đơn vị chức năng tiếp tục nghiên cứu phục hồi không gian Thái y viện hiệu quả. “Nếu Thái y viện được phục hồi với cách làm bài bản, mời được những thầy thuốc giỏi cùng với những bài thuốc xuất phát từ Thái y viện chắc chắn sẽ thu hút nhiều du khách gần xa đến Huế tham quan, nghỉ dưỡng kết hợp với KCB bằng YHCT”. Thạc sĩ Phan Tấn Tô nhận định. 

Qua tìm hiểu, trong hướng phục hồi Thái y viện hiện có nhiều đơn vị đang phối hợp mở các điểm giới thiệu, sản xuất sao chế các danh trà (trong danh mục trà thuốc của Thái y viện) tại các điểm di tích để phục vụ du khách; đồng thời cũng kỳ vọng cùng Trung tâm BTDTCĐ Huế đầu tư cơ sở vật chất, con người để tái hiện không gian Thái y viện trong khuôn viên Đại Nội. Tuy nhiên, chuyện phục hồi Thái y viện đang cần sự quan tâm ủng hộ từ nhiều phía không chỉ riêng của các sở, ngành chức năng hiện nay...

Theo Minh Văn (TTH)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL