Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 193
Những bông hoa của núi rừng
Lượt đọc: 6731Thời gian: 09:08 - 28/10/2019

(VHH) - Bằng ý chí, nghị lực và biết sẻ chia, những điển hình tiên tiến người dân tộc thiểu số (DTTS) ở A Lưới là những bông hoa tỏa hương thơm ngát cho núi rừng…

Đến thôn Paring – Cân Sâm, xã Hồng Hạ (A Lưới) hỏi già làng Nguyễn Hoài Nam hầu như ai cũng biết. Năm 1993, khi đã có quyết định nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục tham gia công tác tại Đảng ủy xã Hồng Hạ. Thời điểm đó, số hộ nghèo trên địa bàn xã hơn 40%. Trăn trở với đời sống của bà con DTTS ở địa phương còn quá khó khăn, ông cùng với tập thể Đảng ủy tích cực bám cơ sở, vận động đồng bào chuyển đổi phương thức sản xuất, canh tác sang hướng chuyên canh, thâm canh, mở đầu cho thời kỳ phát triển mới của địa phương…

Qua hơn 10 năm công tác tại Đảng ủy xã, ông Nguyễn Hoài Nam đã vận động xây dựng thành công nhiều mô hình kinh tế hộ, gia trại và phát triển hệ thống các ngành nghề, dịch vụ phân phối hàng hóa; vận động bà con khai hoang trồng rừng với tổng diện tích hơn 640ha. Nhờ đó, địa phương này đã từng bước xóa được đói, giảm được nghèo.

Đã 72 tuổi, nhưng tác phong của già làng Nguyễn Hoài Nam vẫn nhanh nhẹn, nói năng minh mẫn, đi đứng mạnh mẽ. Cùng ông đi nửa ngày trời đến các thôn trong xã mới thấy nỗi vất vả, cũng như nhiệt huyết của ông đối với đồng bào. Đến đâu là ông vào việc ngay, từ truyền đạt chủ trương xây dựng nông thôn mới đến vận động người dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hạch toán chi tiêu, đẩy mạnh sản xuất...

Anh Hồ Văn Phương ở thôn Paring – Cân Sâm, dừng tay dọn dẹp các vật dụng trước căn nhà khang trang của mình, trò chuyện: “Nhờ già Nam vận động quyết liệt, tôi đã tích lũy nguồn thu nhập từ 12 ha rừng tràm và vay mượn thêm để đầu tư chiếc xe tải làm dịch vụ nghề rừng, mỗi năm có thu nhập gần cả trăm triệu đồng. Trong thôn, xã, nhiều gia đình khá lên đều nhờ già Nam vận động, hướng dẫn cho bà con cách làm ăn…”.

Là người dân tộc Ka Tu, ông Nguyễn Hoài Nam từng thoát ly tham gia cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ. Sau 1977 trở về quê hương, ông trải qua quá trình công tác ở nhiều lĩnh vực: Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, Chánh văn phòng UBND huyện, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy. Đến ngày nghỉ hưu vẫn tham gia công tác ở địa phương. Dù ở cương vị nào ông cũng luôn trăn trở hết lòng vì đời sống của đồng bào mình. Ngoài được tặng thưởng các huân chương, huy chương trong kháng chiến chống Mỹ, ông còn tặng nhiều bằng khen của Trung ương và của tỉnh...

Chị Lê Thị Hằng ở thôn Cân Tôm, xã Hồng Thượng (A Lưới)- người phụ nữ Pa Cô rất mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm

Chị Hằng nhớ lại: “Trước đây, gia đình tôi không đủ ăn, năm nào cũng thiếu đói trong thời gian giáp hạt. Mỗi lần đi qua các địa phương khác, thấy gia đình nào chăn nuôi cũng khá giả. Có đất đai, có sức lao động mà cứ nghèo mãi cũng buồn. Tôi bàn với chồng phải quyết tâm thoát khỏi hộ nghèo”.

Gia đình chị thông qua Hội Nông dân xã tín chấp vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số vốn 30 triệu đồng, cùng với vay mượn người thân, chị dồn hết vào trồng chuối và chăn nuôi bò, dê, gà… Chăm chỉ, kiên trì chăn nuôi, mỗi năm chị cho xuất chuồng hơn 300 con gà, 2-3 con bò, 5-7 con dê, đem lại nguồn thu hơn 100 triệu đồng. Tích lũy để tái đầu tư, chị tiếp tục nhân đàn bò lên 15 con và dành dụm mua cây giống trồng rừng kinh tế. Sau vài năm, chị mạnh dạn thế chấp vay ngân hàng thêm hai đợt, mỗi đợt gần 100 triệu đồng để đầu tư xây dựng thêm khu chuồng trại chăn nuôi, đào thêm 4 hồ cá và trồng hơn 13ha rừng...

“Lúc mới vay thêm vốn, vợ chồng cũng rất lo, không biết đầu tư hiệu quả thế nào, nhưng với quyết tâm, đất đã không phụ công người. Hiện tại, ước tính thu nhập từ gia trại trên 250 triệu đồng mỗi năm, nên gia đình đã có của ăn của để và có điều kiện giúp đỡ thêm cho bà con” – chị Hằng chia sẻ.

Giờ đây, nhà cửa của chị Hằng khang trang, tiện nghi đầy đủ, con cái đều trưởng thành. Chị cũng vừa ký hợp đồng với thương lái dưới xuôi thu hoạch diện tích rừng trồng của gia đình, với doanh thu hơn 300 triệu đồng. Thấy chi làm ăn hiệu quả, các hộ đồng bào trong thôn, xã cứ tìm đến để học hỏi.

Người phụ nữ Pa Cô sinh năm 1976 này chẳng ngại giúp đỡ cho nhiều gia đình nghèo ở địa phương từ việc hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, đến cho vay con giống...

Gia đình anh Hồ Văn Kha ở thôn Cân Tôm là một hộ nghèo được chị Hằng giúp đỡ, nay đã vươn lên khá giả, mua được cả ô tô tải làm dịch vụ chở keo tràm cho các cơ sở thu mua. Anh Kha bộc bạch: “Nhờ chị Hằng hỗ trợ, giúp đỡ về con giống, tôi đã mạnh dạn vay vốn đầu tư chuồng trại nuôi bò và dê, lứa đầu tiên bán 2 con bò đã có tiền trả nợ. Thế là quyết tâm đầu tư. Có được như hôm nay, gia đình tôi mang ơn chị Hằng nhiều lắm. Rất nhiều hộ đồng bào khó khăn trên địa bàn được chị Hằng giúp đỡ nay đã vươn lên”.

Chị Đào Thị Miệt ở thôn Kăn Te (Hồng Thượng) cũng là hộ nghèo được chị Hằng giúp đỡ nay đã thoát nghèo. Chị Miệt cứ xuýt xoa: “Dám mạnh dạn vay vốn hàng trăm triệu đồng để đầu tư mô hình kinh tế gia trại, rồi giúp đỡ cho nhiều hộ khó khăn trên địa bàn từng bước thoát nghèo. Đây là trường hợp xưa nay hiếm đối với một nữ đồng bào người dân tộc thiểu số…”.

Phòng XDNSVH&GĐ
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL