Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 14.292
Hiệu quả từ việc tái sử dụng phế liệu ở Trường Tiểu học Hòa Mỹ
Lượt đọc: 10508Thời gian: 08:48 - 07/11/2019

(VHH) - Từ phong trào thu nhặt phế liệu làm kế hoạch nhỏ đã góp phần xây dựng các công trình mang tên Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh ở Trường Tiểu học Hòa Mỹ huyện Phong Điền.

Chúng tôi ghé thăm trường Tiểu học Hòa Mỹ, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền vào một ngày đầu tháng 11. Khoảng sân trường xuất hiện những bồn hoa màu sắc sặc sỡ được chế tạo từ những chiếc lốp xe cũ bỏ đi. Hàng chục em học sinh đang cùng nhau lao động, chơi đùa, cười nói bên các vật dụng tự tạo. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ” và hưởng ứng phong trào “Xây dựng công trình măng non”, cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trường Tiểu học Hòa Mỹ đã tổ chức thu gom lốp xe đã qua sử dụng, đồng thời hướng dẫn các em trong Liên Đội nhà trường tạo ra những chậu hoa có trang trí mỹ thuật, tạo thành một “Vườn cây thuốc Nam” trong khuôn viên nhà trường.

Cô Văn Thị Nhàn, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hòa Mỹ cho biết: “Việc tận dụng các đồ vật tái chế đã khai thác tối đa sự sáng tạo, từ đó hình thành những chiếc chậu ấn tượng, tạo sự thích thú cho các em và làm cho cảnh quang của nhà trường xanh - sạch - đẹp. Quan trọng hơn, chính là xây dựng ý thức bảo vệ môi trường cho các em học sinh, cũng là thông điệp gửi đến cộng đồng về chiến dịch bảo vệ môi trường”.

Hưởng ứng phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” nhà trường đã phân chia đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên ra làm các nhóm, mỗi nhóm phụ trách đảm nhiệm các công việc. Theo đó, cứ vào chiều thứ sáu hàng tuần vừa lao động, vừa hướng dẫn học sinh dọn dẹp chỗ ngồi, nhổ cỏ, tưới cây... Nhóm khác sẽ tập trung vào mỗi sáng chủ nhật để dọn vệ sinh nghĩa trang liệt sĩ cách trường khoảng 500m. Qua đó, những học sinh thể hiện tích cực sẽ được nêu gương trước toàn trường vào giờ chào cờ đầu tuần.

Chia sẻ về chuỗi hoạt động ý nghĩa này, cô Trần Thị Lan Anh, giáo viên Tổng phụ trách trường TH Hòa Mỹ cho biết: “Nhà trường đã tổ chức các nhóm nhỏ, mỗi nhóm đảm nhiệm một khâu công việc khác nhau tạo thành một dây chuyền khép kín để đạt hiệu quả cao và khoa học. Nhóm tạo hình và sơn màu nền cho sản phẩm. Nhóm trồng cây, hoa và sắp xếp trên sân trường… Kết quả, đã thu được nhiều sản phẩm, vì thế góp phần vào việc xây dựng môi trường thêm xanh - sạch - sáng”.

Việc sử dụng phế liệu để làm những bồn cây không chỉ có việc lượm nhặt những chiếc lốp cũ kỹ đã bỏ đi mà phải dày công, tỉ mỉ từng công đoạn. Từ việc lắp ghép và liên kết các lốp, sơn họa tiết đều phải đạt thẩm mỹ cao.

Em Trần Văn Tin, học sing lớp 5/1 chia sẻ: “Khó nhất là công đoạn lắp ghép các lốp với nhau để tạo thành bồn cây đẹp. Sau đó chúng em phải tìm các loại cây trồng phù hợp và chịu nắng, chịu hạn tốt để đảm bảo cây sống tốt”.

Em Thái Văn Danh, Học sinh lớp 4/2 tâm sự: “Đây không chỉ là món quà xinh xắn dành cho chúng em mà qua đó còn dạy cho chúng em cách sử dụng đồ vật thông minh, tiết kiệm bằng cách tái chế. Lốp xe cũng là vật liệu thân thiện với môi trường nên chúng em tiếp xúc với chúng cũng khá an toàn”.

Nhìn từ xa chẳng ai có thể nghĩ những vườn cây đầy màu sắc kia lại được làm từ chiếc lốp cũ kỹ, bỏ đi. Bằng ý tưởng sáng tạo, bàn tay khéo léo, giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Hòa Mỹ đã ghép và vẽ màu sắc sặc sỡ, biến những đồ bỏ đi trở thành vật dụng có ích, vừa đẹp mắt, vừa tiết kiệm và bảo vệ môi trường.

Em Trần Thị Hoài An, học sinh lớp 3/1 chia sẻ: “Em rất vui vì có sân chơi dành cho em đẹp như thế này. Các vật dụng được làm từ lốp xe được sơn nhiều màu sắc, em rất thích nên ngày nào em và các bạn cũng ra chăm sóc các loại cây trồng”.

Chị Trần Thị Mỹ Nhung, một phụ huynh học sinh cho biết: “Tôi thực sự bất ngờ với cách làm này của nhà trường, rất bắt mắt và gần gũi. Tôi hi vọng với điểm nhấn đặc biệt này, Trường Tiểu học Hòa Mỹ ngày càng xanh - sạch - đẹp. Qua đó, tạo hứng thú cho các em sau giờ lên lớp”.

 “Việc tái chế lốp xe thoạt đầu tưởng chừng đơn giản. Nhưng để tạo ra vật dụng có ích, đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ, khéo léo để sản phẩm sau khi hoàn thành vừa bảo đảm an toàn, đẹp mắt, gần gũi với thiên nhiên, vừa kích thích sự phát triển vận động, tư duy sáng tạo của các em”, cô Văn Thị Nhàn tâm sự.

Ông Nguyễn Phi Hùng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Điền, cho biết: “Đây là chuỗi hoạt động nhằm hưởng ứng chương trình chung tay bảo vệ môi trường. Việc sử dụng các vật dụng phế thải để tái chế thành những vật dụng có ích không những là bài học lý tưởng để giáo dục các em cách bảo vệ môi trường, cách sống tiết kiệm mà đặc biệt còn là cách để phát triển khả năng sáng tạo của các em. Chính vì vậy, Phòng GD&ĐT huyện đang tiếp tục nhân rộng mô hình này đến các trường học trên địa bàn để tạo thành những mô hình sống động phục vụ cho các hoạt động vui chơi và học tập cho các em, qua đó góp phần thực hiện tốt cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”.

Tiến Dũng (CTV)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL