Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 368
Tri ân Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát – Người có công định chế lại y phục áo dài Việt Nam
Lượt đọc: 10053Thời gian: 16:15 - 09/07/2020

(VHH) - Sáng ngày 09/7, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc, Hệ 9 Tiền biên tổ chức húy kỵ lần thứ 255 và tri ân Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1765 - 2020) - người đã có công định chế lại chiếc Áo dài Việt Nam tại lăng Trường Thái và Triệu Tổ Miếu. Tham dự hoạt động này có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Ngọc Thọ; lãnh đạo các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và đông đảo nhân dân, du khách gần xa.

Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714 - 1765), húy là Hiểu, hiệu Vũ vương, là vị chúa Nguyễn thứ tám trị vì Đàng Trong từ năm 1738 đến 1765. Thời chúa Nguyễn Phúc Khoát trị vì, đất đai, điền thổ được mở mang, góp phần hoàn thành công cuộc Nam tiến của dân tộc. Lãnh thổ Việt Nam đến thời điểm này về cơ bản đã được định hình xong. Đến năm 1744, sau khi lên ngôi xưng vương ở phủ chính Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành nhiều chính sách, tổ chức lại bộ máy và đề cập đến việc cải cách triều phục, chiếc Áo dài trên đất Huế được chú trọng, trân quý và trở trở thành trang phục chính của người dân ở vùng đất Đàng Trong, khẳng định tính tự chủ trong văn hóa. Năm 1802 vua Gia Long đã có ý định phải thay đổi nhưng không thực hiện được. Từ năm 1826 đến năm 1837 chính vua Minh Mạng đã quyết liệt thay đổi trang phục trong cả nước; từ đó, chiếc Áo dài được áp dụng rộng rãi và thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Nhìn lại bối cảnh lịch sử thời kỳ này, việc Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát và vua Minh Mạng ban hành đạo luật thay đổi trang phục là kết quả tất yếu của một quá trình vận động và biến đổi trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội Đàng Trong và Đại Nam đã bắt đầu xuất hiện từ trước đó. Sự cải cách thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát và vua Minh Mạng là sự thay đổi về tư duy chính trị, khẳng định bản sắc văn hóa, thể hiện rõ nét nhất qua việc thay đổi kiểu trang phục thống nhất trong toàn quốc.  Đây cũng là tiền đề lịch sử rất quan trọng để hình thành và phát triển chiếc Áo dài truyền thống Việt Nam. Ngày 07/7/1765 (20 tháng 5 Ất Dậu), chúa Nguyễn Phúc Khoát qua đời, thọ 51 tuổi. Ông được táng tại lăng Trường Thái, làng La Khê, Hương Thọ, Hương Trà, Thừa Thiên Huế. 

(Ảnh: Vạn An)

Tri ân Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát - Người có công định chế lại y phục áo dài Việt Nam, đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế trong trang phục áo dài đen, khăn đóng, cùng đoàn hành lễ đã thành kính dâng hương lên mộ phần chúa Nguyễn Phúc Khoát ở xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà. Sau khi dâng hương tại lăng Trường Thái, đoàn hành lễ trong trang phục áo dài, khăn đóng đã diễu hành qua Đại nội Huế, đường 23/8, đường Đoàn Thị Điểm để vào Triệu Tổ miếu trong Hoàng thành Huế dâng hương theo nghi thức truyền thống.

Chia sẻ về hoạt động có ý nghĩa này, đồng chí Phan Thanh Hải, TUV, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: Áo dài từ lâu đã trở thành trang phục truyền thống, là nét văn hóa đặc trưng của người Huế và của dân tộc Việt Nam. Võ vương Nguyễn Phúc Khoát đã có công trong việc cải cách trang phục Đàng Trong, góp phần khai sáng áo dài. Sau đó vua Minh Mạng có công trong việc nâng tầm, tôn vinh áo dài trở thành quốc phục. Hôm nay, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ tri ân này là một phần trong đề án Ngày hội Áo dài Huế, nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Huế, cũng là cơ sở tiến tới xây dựng đề án "Huế - Kinh đô áo dài". Là cái nôi của áo dài Việt Nam, Huế còn lưu giữ các giá trị đặc trưng của áo dài truyền thống và là nguồn cảm hứng trong việc sáng tạo nhằm nâng cao giá trị của áo dài Việt Nam.

svhtt.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL