Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 440
Nhiều cách làm hiệu quả của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trong công tác phòng chống bạo lực gia đình
Lượt đọc: 7333Thời gian: 14:45 - 18/08/2020

VHH - Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp tác động toàn diện đến gia đình. Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã phối hợp với các cấp chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể quan tâm triển khai thực hiện, phát huy vai trò, trách nhiệm của của cá nhân, gia đình, các tổ chức Hội ở cơ sở trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh.

Đáng chú ý là chuỗi hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi. Các cấp Hội đã tổ chức các sự kiện truyền thông lớn, mang tính đại chúng: Ngày hội gia đình kết nối yêu thương, biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu, Hội thi “Gia đình hạnh phúc”, “Bữa cơm an toàn”, Chiến dịch toàn cầu “16 ngày hành động phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”, Hội thảo quốc gia Nâng cao bình đẳng giới, hạn chế bạo lực gia đình, Diễn đàn “Hãy lên tiếng với bạo lực”, “Phụ nữ thế kỷ 21”, thu thập 16.000 chữ ký ủng hộ công tác phòng, chống bạo lực gia đình, Hội thảo “Vai trò của người cha trong gia đình”... đã tạo hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ trong xã hội về giá trị của gia đình; vai trò, trách nhiệm của  phụ nữ và nam giới, các thành viên trong xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.

Bên cạnh đó, Hội còn triển khai hoạt động truyền thông nhóm nhỏ, theo từng đối tượng, nội dung phù hợp với tình hình, đặc điểm văn hoá vùng miền thông qua 500 mô hình CLB gia đình với tên gọi Ông bố/bà mẹ nuôi dạy con tốt; Bình đẳng giới; PCBLGĐ; gia đình hạnh phúc, không phạm tội, không tệ nạn xã hội; Câu lạc bộ tiền hôn nhân; Câu lạc bộ nuôi dạy con theo phương pháp tích cực; Câu lạc bộ phụ nữ phát triển kinh tế; Phụ nữ khởi nghiệp;...  251 mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không 3 sạch” xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; 15 “Câu lạc bộ trẻ em” nhằm giáo dục, cung cấp kiến thức về chủ trương, chính sách, luật pháp liên quan đến gia đình; kỹ năng sống như kỹ năng làm cha, mẹ, ứng xử, nâng cao chất lượng mối quan hệ giữa các thành viên, bảo đảm quyền của phụ nữ trong gia đình. Kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, của dòng họ, nâng cao kiến thức về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội. Hội tích cực hướng dẫn quy trình thành lập, từ khảo sát đến tổ chức ra mắt, xây dựng nội dung hoạt động, quy chế, cách thức vận hành các mô hình và CLB. Hỗ trợ mỗi mô hình 1-2 lớp tập huấn về chuyên môn mỗi năm. Mỗi CLB từ 20-30 thành viên; trong đó có thành viên là nam giới, người chồng, chồng, ông, bà. Sinh hoạt theo từng chủ đề, tư vấn giải quyết các vấn đề gia đình, hỗ trợ pháp lý... Các CLB là nơi giao lưu các hoạt động văn hoá, thể thao, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của gia đình, tặng quà sinh nhật, trao mái ấm tình thương, mô hình sinh kế cho gia đình khó khăn. Đặc biệt, quỹ học bổng Nguyễn Thị Định cho con em trong CLB đã đem lại nhiều lợi ích thiết thức, tạo sự gắn bó bền vững của mô hình với các thành viên. 

Điển hình là CLB Gia đình phát triển bền vững tổ dân phố Khuôn Phò, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền ra đời cách đây 10 năm. Thành viên Ban Chủ nhiệm CLB là những cán bộ đoàn thể chính trị xã hội trong tổ dân phố, có tâm huyết với các phong trào ở địa phương và uy tín trong cộng đồng dân cư. Với nhiều hiệu quả tích cực trong phong trào ở địa phương, CLB đã được  được nhận bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và được mời tham dự Hội nghị tuyên dương Gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc lần thứ năm 2013.

Trong hoạt động can thiệp xuất phát từ  thực tế phụ nữ chưa mạnh dạn lên tiếng khi bị bạo lực, Hội LHPN tỉnh đã thành lập mô hình với sự can thiệp của pháp luật để tăng hiệu quả truyền thông qua các Câu lạc bộ “Tổ tư vấn, hỗ trợ một số vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em” tại Huế, 7 CLB “Vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết, giám sát một số vấn đề xã hội” tại các huyện, thị xã với mục đích hỗ trợ, can thiệp giải quyết vụ việc BLGĐ. Ra mắt 02 CLB điểm “Nâng cao vai trò vị thế phụ nữ và trẻ em” tại thị xã Hương Trà, huyện Nam Đông bao gồm phụ nữ, nam giới, cán bộ tư pháp, dân vận, các đoàn thể, đại diện Đảng uỷ, UBND. Các thành viên trong câu lạc bộ sẽ đại diện các gia đình để nói lên những nguyện vọng chính đáng, hỗ trợ, tư vấn để phụ nữ, những thành viên gia đình mạnh dạn lên tiếng, tố cáo sự việc.

Công tác gia đình vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra như định kiến giới vẫn còn tồn tại, mất cân bằng giới tính khi sinh, ly hôn gia tăng, xâm hại trẻ em, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật... Vì vậy, trong thời gian tới cần xây dựng bộ dữ liệu toàn tỉnh về gia đình có lồng ghép giới để khai thác, sử dụng trong công tác quản lý. Nghiên cứu đề xuất các chính sách, giải pháp giải quyết các vấn đề về gia đình một các cụ thể, thiết thực. Xây dựng Chương trình giáo dục tiền hôn nhân cho nam nữ thanh niên để bước vào đời sống gia đình vững chắc, có trách nhiệm. Triển khai và mở rộng các loại hình dịch vụ an sinh xã hội để nâng cao năng lực tự chủ của mỗi gia đình, đảm bảo cho các gia đình ổn định cuộc sống, chăm lo giáo dục cho trẻ em và chăm sóc người cao tuổi. Kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp PCBLGĐ, lấy phòng ngừa là chính, tập trung chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, xây dựng gia đình văn hóa, giữ gìn thuần phong mỹ tục của gia đình Việt Nam, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nghi Dung
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL