Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 10.329
Khi lãnh đạo tỉnh “tiên phong” diện áo dài ngũ thân
Lượt đọc: 6938Thời gian: 15:43 - 24/08/2020

(VTH) - Hướng đến “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” không chỉ dừng ở tôn vinh, quảng bá nét đẹp Áo dài của người phụ nữ, mà ngành văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế đang xây dựng lại nét đẹp văn hóa truyền thống từ áo dài ngũ thân dành cho nam giới. 

Từ sau Hội thảo khoa học “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” và chương trình tri ân tiền nhân chúa Nguyễn Phúc Khoát đã khai sinh ra áo dài tại TP Huế hồi tháng 7 vừa qua, việc quảng bá về chiếc áo dài ngũ thân đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của nhiều địa phương. Hơn hết, đó là quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Phan Ngọc Thọ về việc sẽ mặc áo dài truyền thống trong các dịp tiếp các Đại sứ, các đoàn ngoại giao. Mới đây, ông Phan Ngọc Thọ đã mặc bộ áo ngũ thân đậm chất văn hóa truyền thống trong buổi đón tiếp bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam đến thăm, làm việc tại tỉnh Thừa Thiên Huế và đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho phía đối tác.

Chỉ cách đây mấy ngày, đoàn cán bộ công chức và người lao động (nam) của Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng vừa đặt may xong những chiếc áo dài ngũ thân. Hình ảnh đoàn cán bộ Sở chụp lưu niệm với áo dài truyền thống đã nhanh chóng được chia sẻ và nhận được sự đồng tình của cộng đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, cán bộ nam trong áo dài ngũ thân lịch lãm, trang nhã, rất phù hợp với văn hóa Huế.

Đồng chí Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Chúng tôi đã có những đề xuất với UBND tỉnh về việc tăng cường quảng bá áo dài, trong đó chú trọng đến áo dài ngũ thân truyền thống, trang phục nổi tiếng mà Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã "sáng tạo" và Vua Minh Mạng đã đưa nó trở thành “quốc phục”. Sở sẽ là đơn vị tiên phong cho việc quảng bá về áo dài ngũ thân, không chỉ có nữ mà còn cả cán bộ nam”. Trong thời gian tới, Sở sẽ tiên phong thực hiện việc mặc áo dài ngũ thân tại các dịp lễ, các sự kiện quan trọng của ngành, của địa phương; cân nhắc và xem xét để có hướng vận động phù hợp về việc mặc áo dài ngũ thân đến công sở làm việc của cán bộ nam giới. Qua đó, mong muốn về lâu dài sẽ tạo được “nếp” riêng của ngành. Sở cũng mạnh dạn đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các Sở, ngành cũng nên may áo dài ngũ thân để mặc trong các dịp lễ, các sự kiện quan trọng của địa phương; đồng thời kiến nghị HĐND tỉnh (với khoảng 50 đại biểu) cũng nêu gương với việc mặc áo dài ngũ thân tại các kỳ họp HĐND tỉnh diễn ra trong năm. Phải nêu gương, bước qua những ngại ngần ban đầu để khôi phục hình ảnh áo dài ngũ thân truyền thống của nam giới. 

“Xây dựng thương hiệu Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam không chỉ làm rõ vấn đề Huế là nguồn gốc của áo dài truyền thống, mà còn là nơi “tỏa sáng” của trang phục này. Phải xem đây là một chương trình lâu dài, có quyết tâm và chiến lược đúng, cách triển khai tốt và bền bỉ thì Huế sẽ thực hiện được đề án này. Nếu chúng ta chỉ thực hiện được các chương trình nghệ thuật, các hoạt động mang tính chất ngắn hạn thì khó mà phục hồi được thương hiệu áo dài truyền thống”, đồng chí Phan Thanh Hải nhấn mạnh. 

Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình Làng Việt đã từng góp ý rằng, tỉnh Thừa Thiên Huế cần nghiên cứu, xem xét việc mặc trang phục áo dài tại các không gian nghi lễ và không gian văn hóa truyền thống, đặc biệt là đối với cán bộ, công chức, viên chức, nghệ sĩ thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan nhà nước. Dù trang phục áo dài truyền thống hay cách tân đều phải mang tính thẩm mỹ cao, phải giữ được bản sắc văn hóa.

“Để Áo dài lan tỏa hơn, cần bước đầu quy định cán bộ, công chức, viên chức ngành văn hóa mặc áo dài khi thực hiện nhiệm vụ. Trang phục cần quy định cụ thể như một dạng lễ phục (kiểu dáng, màu sắc, chức vụ)”, họa sĩ Nguyễn Đức Bình nhấn mạnh. 

Nguồn: Báo Văn hóa online
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL