Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 763
Một “cây đại thụ” của Ca Huế đã ra đi
Lượt đọc: 6926Thời gian: 08:23 - 25/08/2020

(VTH) - Chiều 24/8, Nghệ nhân Nhân dân Thanh Hương - cây đại thụ của nghệ thuật Ca Huế đã chia tay cõi trần vào lúc 17 giờ 55 phút, hưởng thượng thượng thọ 93 tuổi, để lại cho người mộ điệu Ca Huế nỗi nuối tiếc không nguôi về một nghệ nhân tài danh.

NNND. Thanh Hương, tục danh là Nguyễn Thị Thương, sinh ngày 4/4/1928, tại làng Thanh Phước, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ nhỏ, bà đã có niềm yêu thích với âm nhạc truyền thống dân tộc, đặc biệt là Ca Huế. Bà được cha là cụ Nguyễn Văn Tựu truyền dạy hát dân ca Huế, nhất là hò giã gạo. Sau đó, nghệ nhân Thanh Hương tiếp tục tầm sư học nghề với những nghệ nhân Ca Huế nổi tiếng đương thời, giọng ca của bà được bồi đắp bởi những kỹ năng điêu luyện từ các bậc nghệ nhân tài hoa.

Trước năm 1975, bà Thanh Hương cùng với hai danh ca Minh Mẫn, Vân Phi được xem là giọng ca vàng của các chương trình nghệ thuật Ca Huế phát sóng trên Đài Phát thanh Huế. Đồng thời, bà cũng tham gia biểu diễn Ca Huế trong đoàn hát Kim Sanh, đoàn hát Hồng Thu và giảng dạy Ca Huế tại Trường Quốc gia Âm nhạc Huế. Sau này, nghệ nhân Thanh Hương vẫn tiếp tục cộng tác với nhiều Đài truyền hình thực hiện các chương trình về Ca Huế. Bà thực hành di sản Ca Huế trong các hội diễn, các câu lạc bộ, đặc biệt cho dù tuổi cao sức yếu, nghệ nhân Thanh Hương vẫn thường đến trình diễn những làn điệu Ca Huế ngọt ngào, sâu lắng: Tứ đại cảnh, Nam bình, Nam ai, Nam xuân, Cổ bản, Quả phụ, Ngũ đối thượng... trong không gian Ca Huế thính phòng tại Bảo tàng Văn hóa Huế do nhà thơ Võ Quê sáng lập từ năm 2013. Bên cạnh đó, nghệ nhân Thanh Hương còn tham gia giảng dạy, truyền nghề cho nhiều học trò học Ca Huế tại tư gia và các cơ sở đào tạo nghệ thuật Ca Huế. Từ năm 1940 đến nay, bà Thanh Hương đã có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế. Bà Thanh Hương thuộc rất nhiều lời các bài bản lớn của Ca Huế cùng với những câu chuyện gắn liền với sự ra đời của các bài bản ấy đã giúp cho giới nghiên cứu, sưu tầm có điều kiện chỉnh lý, sưu tập làm tư liệu và truyền bá các bài bản cổ. Bà được xem là một “Bộ bách khoa toàn thư” về nghệ thuật Ca Huế để các thế hệ học trò “tra cứu” những ngón nghề tuyệt kỷ. Bà Thanh Hương là một trong những nghệ nhân đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật Ca Huế” đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2015.

Bằng những cống hiến của mình cho nghệ thuật Ca Huế, bà Thanh Hương đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân Nhân dân” năm 2019, phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” năm 2015; Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tặng Bằng khen đã có công lao xây dựng, giữ gìn và phát triển dân ca và nhạc cổ Huế năm 1991 và Giấy chứng nhận đã có nhiều đóng góp trong giữ gìn và phát huy giá trị Ca Huế vào dịp Festival Huế 2014.

Với tài danh, đức độ và tâm huyết truyền nghề, NNND. Thanh Hương là người thầy lớn của nhiều thế hệ diễn viên, nghệ sĩ Ca Huế và là tấm gương sáng về sự hăng say sáng tạo, cống hiến, lao động nghệ thuật cho các thế hệ mai sau.

Văn Dũng
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL