Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 7.750
Thán phục “bàn tay vàng” của anh Căn
Lượt đọc: 6626Thời gian: 09:27 - 27/08/2020

(VTH) - Về làng Dương Nỗ (xã Phú Dương, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) hỏi nghệ nhân Đoàn Minh Căn thì ai cũng biết, bởi anh là nghệ nhân làm lồng chim có tay nghề điêu luyện, xuất sắc nhất ở vùng đất núi Ngự sông Hương, nếu không muốn nói là có một không hai tại Việt Nam.

   Gian nan học nghề

   Từ nhỏ, sau mỗi buổi học về Căn cùng bạn bè trong thôn, xóm rủ nhau ra cánh đồng làng bẩy chim, những chiếc lồng chim bằng tre nhỏ nhắn, mộc mạc thuở ấy đã cuốn hút cậu bé ở làng Dương Nỗ đam mê, mong ước trở thành thợ làm lồng chim chuyên nghiệp. Sau khi học xong lớp 12 (năm 1982) Căn quyết định đi học nghề điêu khắc và có duyên được “thụ giáo” với người thầy giỏi: nhà điêu khắc Lê Đăng Duân-một nghệ nhân được phong “Bàn tay vàng” của Huế thời bấy giờ. “Những tháng ngày chập chững vào nghề, tôi thường gặp thất bại trong việc đục đẽo, khoan tiện những thớ gỗ, tâm trạng chán nản thoáng qua trong đầu, nhưng với quyết tâm bám nghề nên tôi đã vượt qua tất cả và tích lũy được một số kinh nghiệm nghề cho bản thân”-anh Căn tâm sự. Về thăm xưởng sản xuất của anh, được chiêm ngưỡng những chiếc lồng chim có giá trị nghệ thuật, kỹ thuật do anh chế tác, tôi thầm thán phục bởi tay nghề tinh xảo, khéo léo, điêu luyện của một nghệ nhân lồng chim thuộc hàng “đẳng cấp” ở Huế. Từ những thanh tre sần sùi, khô cứng nhưng qua bàn tay khéo léo của người thợ đã tạo ra những chiếc lồng chim có giá trị thẩm mỹ cao, đạt đến trình độ điêu luyện và giá trị kinh tế cũng không hề nhỏ. Xưởng sản xuất lồng chim của anh ở làng thực hiện, bao tiêu tất cả các công đoạn từ khâu: chọn tre, chẻ tre, phơi nắng, xử lý, sấy khô, uốn éo cho đến chạm khắc. Chúng tôi cảm nhận cái không khí lao động hối hả, rộn ràng của tiếng máy nổ, tiếng đục, tiếng chẻ tre và cả tiếng nói cười rộn rã của những nghệ nhân. Anh Căn cho biết: “Trước đây tôi làm nghề điêu khắc gỗ, nhưng dần dần, gỗ trở nên khan hiếm, nhà nước cấm khai thác rừng nên tôi chuyển sang nghề chạm khắc tre cho đến nay. Lúc đầu, tôi chỉ biết làm những chiếc lồng chim đơn giản (hàng thô), sau quá trình không ngừng suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo, tôi đã mạnh dạn “cách tân” để tạo ra sản phẩm là những chiếc lồng chim đẹp về mẫu mã, cách điệu về đường nét, phong phú về chủng loại để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngày càng khắc khe của người tiêu dùng”. Lúc đầu, anh làm những mặt hàng lưu niệm, quà tặng bằng tre như bình đựng trà, hộp tre, đồ trang trí, vật dụng để trên bàn làm việc và một số tranh chạm khắc nhỏ để bán cho khách du lịch. Từ đó, anh phát triển thêm nhiều sản phẩm tinh xảo hơn.

   Thành công nhờ sáng tạo

   Hiện nay, sản phẩm đặc trưng của cơ sở tre mỹ nghệ của anh Căn là lồng chim cảnh, với đủ loại lớn-bé, hình dáng, từ đơn giản đến những mặt hàng cao cấp, từ vài triệu đồng/chiếc cho đến 100 triệu/chiếc. Để hoàn thành một cái lồng chim có giá vài chục triệu đến 100 triệu, người thợ phải mất cả tháng trời (trung bình khoảng 30 công lao động/1 lồng), đòi hỏi sự kỳ công, tính kiên trì, cần mẫn của người thợ. Năm 2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội chợ triển lãm làng nghề Việt Nam tại Tp.Huế, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước một chiếc lồng chim bằng tre của anh Đoàn Minh Căn có tên gọi “Thập nhị hoa giáp quần tiên” được chế tác rất công phu, tỉ mỉ và vô cùng điêu luyện-sản phẩm của anh được trao giải nhất Hội thi Hàng thủ công Việt Nam (lần thứ 6, năm 2009). Vì thế, cái tên “Căn lồng chim” được nhiều người biết đến nhiều hơn. Đến nay, sản phẩm tre mỹ nghệ của anh Căn đã đạt được các giải thưởng lớn ở trong và ngoài nước. Điển hình, sản phẩm hộp để bàn, dĩa để bàn, lồng chim cảnh…đoạt giải nhất toàn quốc tại Triển lãm chuyên đề thiết kế mẫu và sản phẩm mây, tre. Trên những sản phẩm này, ông Căn đã chạm khắc vô cùng sống động các phong cảnh hữu tình, thiên nhiên, vạn vật, đặc biệt là những phong cảnh đặc trưng của xứ Huế: cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ, núi Ngự, sông Hương, đền đài, lăng tẩm…Ngoài ra, nghệ nhân Đoàn Minh Căn còn  “rinh” về nhiều giải thưởng tác phẩm tiêu biểu khác như” “Đĩa để bàn”-đạt giải “Dấu son tuyệt hảo” tại Hội thi UNESCO-SEAL của 29 nước châu Á, lồng vuông trúc “Bát tiên quần thú” đoạt giải sản phẩm tiêu biểu tại vòng chung khảo “Hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam lần thứ VII”…Không giấu được niềm tự hào, vui sướng vì thành đạt với nghề, anh Căn tươi cười: “Sản phẩm của tôi như “có duyên” với các Hội thi, hễ đi dự thi là “rinh” ngay giải thưởng về cho vợ con, ngẫm cũng sướng thật!”.

    Vươn ra thế giới

     Xưởng chạm khắc lồng chim của anh chuyên sản xuất những mặt hàng cao cấp, được tiêu thụ rộng rãi trên cả nước nhưng chủ yếu vẫn là các tỉnh, thành phía nam như: Đà Nẵng, Đà Lạt, Sóc Trăng, Cà Mau, TP.Hồ Chí Minh…, thậm chí đã vươn ra một số nước bằng đường “xách tay” như Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…Sản phẩm lồng chim cao cấp của anh Căn không chỉ đơn thuần sản xuất để bán vì mục đích kiếm lời, mà còn mang ý nghĩa tinh thần, thường xuyên tham gia triển lãm tại các kỳ Festival nghề truyền thống Huế và đạt được những thành tích cao, được giới chuyên môn đánh giá là một trong những nghề góp phần làm phong phú đời sống văn hóa của vùng đất cố đô.

Điều đáng nói, với tay nghề giỏi thuộc hàng bậc nhất ở Huế, anh Căn không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn luôn chú tâm đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm cho một số thanh niên ở địa phương và các vùng phụ cận. Tính đến nay, anh đã đào tạo nghề miễn phí cho 130 học viên. Sau khi học xong nghề, nếu học viên nào có nhu cầu ở lại cơ sở làm việc thì vợ chồng anh sẵn sàng tiếp nhận và bố trí công việc phù hợp với tay nghề của từng người. Cơ sở sản xuất lồng chim Đoàn Minh Căn hiện có 25 người, với mức lương từ 5-12 triệu/người/tháng. Em Trần Văn Dũng, 26 tuổi, trú ở làng Dương Nỗ (Phú Dương) tâm sự: “Gia cảnh em khó khăn nên em phải nghỉ học sớm từ năm lớp 8, được chú Căn thu nhận cho học nghề miễn phí, học xong chú thương tình cho em ở lại xưởng làm việc luôn. Qua hơn 7 năm hành nghề đến nay em đã khẳng định được tay nghề khá vững vàng và có thu nhập ổn định để tự nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình”.

Nghệ nhân Đoàn Minh Căn vinh dự được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vinh danh, là một trong những nhà sáng chế không chuyên tiêu biểu của tỉnh, lần thứ nhất năm 2017. Ông Trần Hữu Dàng-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh TT.Huế nhận xét: “Bằng đôi bàn tay và niềm đam mê của mình, ông Căn đã có những sáng kiến rất độc đáo và tinh xảo. Những sản phẩm của ông không chỉ được biết đến trong nước, mà đã vượt qua biên giới và được đánh giá rất cao. Thời gian đến, Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật tỉnh sẽ nghiên cứu, hỗ trợ ông Căn và những nhà sáng chế không chuyên khác, để sản phẩm của họ tiếp tục vươn ra các thị trường của nhiều nước trên thế giới”. Tháng 10/2017 ông Căn vinh dự được Viện quản lý và phát triển châu Á, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam mời đi dự Hội nghị Kết nối cộng đồng doanh nghiệp ASEAN 2017 tại các nước: Singapore, Indonesia, Malaysia. Mới đây, tháng 7/2018 sản phẩm Lồng họa mi “Thủy Hử” của anh được Cục Công thương chứng nhận: “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực - năm 2018”.  Tin rằng, bên cạnh lợi ích kinh tế, giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật thì cơ sở sản xuất tre mỹ nghệ lồng chim cao cấp Đoàn Minh Căn ở làng Dương Nỗ đã, đang và sẽ tiếp tục lên máy bay đi đến mọi miền của thế giới.

Bài, ảnh: Văn Dần
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL