Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 2.586
Thành phố Huế nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình
Lượt đọc: 5520Thời gian: 10:21 - 09/09/2020
Mô hình sinh hoạt CLB phường Phú Thuận

VHH - Trong những năm qua, công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn thành phố Huế đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành và đoàn thể quan tâm triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc xây dựng gia đình văn hóa, giữ gìn thuần phong mỹ tục của gia đình xứ Huế, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Năm 2016, thành phố Huế đã triển khai thí điểm mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại cơ sở với những hoạt động cơ bản nhằm hướng đến giảm thiểu bạo lực gia đình từ nhận thức tới hành vi của các gia đình và cộng đồng. Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình bao gồm hoạt động của Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình. Trong đó, việc thành lập Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững là nơi để tuyên truyền, giáo dục đời sống gia đình và Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình là nơi phát hiện những trường hợp bạo lực gia đình để tư vấn, hỗ trợ, ngăn ngừa, can thiệp các vụ bạo lực xảy ra trên địa bàn dân cư. Mô hình được thí điểm tại phường Phú Thuận và Phú Hòa, trong đó triển khai hoạt động Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình tại phường Phú Thuận và Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững tại phường Phú Hòa. Hoạt động của Mô hình Phòng, chống bạo lực trên địa bàn 02 phường đã phát huy hiệu quả, trong đó lấy việc thành lập Câu lạc bộ gia đình và phát triển bền vững và Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình để triển khai các nội dung về xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát hiện sớm, ngăn chặn các vụ bạo lực gia đình.

Với mục tiêu hướng đến là xây dựng gia đình phát triển bền vững, Câu lạc bộ đã thu hút được nhiều gia đình có hoàn cảnh khác nhau cùng tham gia sinh hoạt. Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững tại phường Phú Hòa được thành lập là nơi để triển khai các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về phòng, chống bạo lực gia đình, giáo dục các giá trị đạo đức, lối sống trong gia đình, sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan… Câu lạc bộ thu hút được nhiều đối tượng với nhiều lứa tuổi khác nhau bao gồm ông bà, cha mẹ và con cái tham gia. Sau khi thành lập, Câu lạc bộ duy trì tổ chức sinh hoạt 2 tháng/ lần và thu hút các thành viên tích cực tham gia. Tại các buổi sinh hoạt, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ đã trao đổi thông tin với các thành viên, qua đó nắm bắt kịp thời các gia đình có nguy cơ xảy ra bạo lực, từ đó có biện pháp theo dõi, phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời. Bên cạnh việc tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh và Thành phố liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình, Ban chủ nhiệm câu lạc bộ đã lồng ghép thêm Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trong đó trọng tâm là xây dựng gia đình, tổ dân phố văn hóa; ông, bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo; nuôi con khỏe, dạy con ngoan; xây dựng nếp sống văn minh đô thị…

Cùng với hoạt động của Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững, Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn phường Phú Thuận cũng triển khai hoạt động hiệu quả. Hoạt động tuyên truyền, tư vấn, vận động được triển khai thực hiện mô hình thông qua các phương tiện như: Loa truyền thanh phường; lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực gia đình trong các buổi họp tổ dân phố. Ngoài ra, phường Phú Thuận còn thành lập 12 địa chỉ tạm lánh cho nạn nhân bạo lực gia đình khi có bạo lực xảy ra.

Nhờ hoạt động hiệu quả, thành công của các mô hình thí điểm tại 02 phường Phú Hòa và Phú Thuận đã làm tiền đề cho việc lan tỏa Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình trên phạm vi toàn thành phố. Đến năm 2017, Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tiếp tục được nhân rộng tại phường Phú Hậu và Xuân Phú, trong đó triển khai Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình tại phường Xuân Phú và Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững tại phường Phú Hậu. Năm 2018, triển khai Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình tại phường Trường An và CLB gia đình phát triển bền vững tại phường An Hòa. Năm 2019, triển khai Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình tại phường Phú Nhuận và CLB gia đình phát triển bền vững tại phường An Cựu. Hiện tại, Mô hình đang tiếp tục triển khai và duy trì gồm Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình tại phường Hương Sơ và Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững tại phường Phước Vĩnh.

Có thể thấy, hoạt động của các Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn 10 phường đã phát huy được vai trò của mình trong việc tuyên truyền về Luật trẻ em, Luật Bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, vận động người dân xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh đô thị… Ngoài việc phát huy hiệu quả trong can thiệp, hỗ trợ, hòa giải kịp thời khi có vụ việc xảy ra, các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình còn đổi mới hình thức sinh hoạt, thu hút các thành viên tham gia, duy trì hoạt động hiệu quả, góp phần xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, đảm bảo an ninh trật tự ở các địa phương. Thông qua hoạt động mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, các vụ bạo lực đã được kịp thời can thiệp, xử lý bằng các biện pháp như góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư và hòa giải tại gia đình, tình trạng bạo lực gia đình ngày càng có xu hướng giảm. Năm 2018, số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn thành phố là 26 vụ thì đến năm 2019 giảm xuống chỉ còn 06 vụ. Những trường hợp có biểu hiện dẫn đến bạo lực được thành viên trong Câu lạc bộ kịp thời phát hiện thì sớm được tuyên truyền, vận động, hòa giải.

Đến nay, toàn tỉnh có gần 150 Mô hình đang hoạt động. Tuy nguồn kinh phí hạn hẹp, Sở Văn hóa và Thể thao hỗ trợ mỗi huyện, thị xã, thành phố 3 triệu đồng/2 mô hình nhưng các địa phương đều chủ động tìm cách nhân rộng mô hình này ở khắp các xã, phường, thị trấn. Hiện nay, hầu hết các hộ dân tham gia sinh hoạt tại các CLB đều tự nguyện đóng góp kinh phí sinh hoạt. Tại một số  phường, người dân dùng nguồn đóng góp hằng tháng cho các hội viên nghèo vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế, tiền lãi phục vụ hoạt động sinh hoạt của CLB. Bà Phạm Thị Quỳnh Dao, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Huế chia sẻ: “Nguồn kinh phí nhà nước có hạn, rất khó để “trang trải” hết từng tổ dân phố, do vậy có được sức lan tỏa nói trên cũng nhờ nhận thức và sự đồng lòng của người dân. Đồng thời, cũng phải ghi nhận sự nỗ lực của chính quyền địa phương, nhất là những người trực tiếp làm công tác gia đình tại cơ sở.”

Để củng cố và phát triển Mô hình đạt hiệu quả cao hơn, trong thời gian đến, thành phố Huế sẽ tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và sự chỉ đạo của chính quyền các cấp đối với công tác gia đình, thực hiện có hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác gia đình. Củng cố, kiện toàn Ban chủ nhiệm Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại cơ sở. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn và hỗ trợ nâng cao chất lượng nội dung hoạt động của các mô hình gia đình, đồng thời huy động nguồn lực để duy trì và phát triển mô hình cả về chất và lượng, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc chung tay đẩy lùi tình trạng bạo lực gia đình, tiến tới xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

Huỳnh Ly - Nghi Dung
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL