Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 8.629
“Hồn” văn hóa, ai bán ai mua
Lượt đọc: 6054Thời gian: 10:08 - 11/09/2020

VHH - Với người đồng bào dân tộc thiểu số, có những hiện vật được xem là “linh hồn” của bản làng, tộc người. Nhưng trong thời mà những cái hiện đại đang từng bước lấn sâu vào tiềm thức con người thì “linh hồn” đó đang dần bị đánh mất.

Sự trân quý bị vơi dần

Bằng lời khó có thể lý giải được tầm quan trọng của những vật dụng như, chiêng, ché, thanh la, mã não, dáo, mác… như thế nào trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Có chăng, chính họ mới là người tường tận, bởi nó không chỉ gắn bó trong luật tục lẫn lễ nghi tồn tại từ ngàn đời, mà còn hiện diện ngay trong sinh hoạt hàng ngày.

Ngồi với già làng Trần Xuân Huy (dân tộc Cơ Tu, xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông) bên bếp lửa hồng. Lại rượu, chỉ dung nạp thứ hương vị làm con người chếnh choáng ấy thì già mới say sưa nói về nguồn cội của người đồng bào. Lần này, già nói về hiện vật, cổ vật lẫn di vật của những con người bên sườn núi.

Già Huy lục lọi trên bàn thờ tổ tiên khoe cặp nanh heo rừng dài gần gang tay, chuỗi mã não và cả những hiện vật đủ màu sắc mà tiếng Việt khó thể hiện bằng ngôn từ. “Hiếm lắm đó, những thứ này chừ ít người còn lưu giữ”, già nói.

Thuở hồng hoang, khi những con người phía núi gắn bó với cây rừng, họ đã mang theo những vật dụng ấy bên mình. Nếu chiêng, thanh la khiến cuộc sống trở nên thi vị thì mã não, ché thể hiện cho sự uy quyền và giàu có. Tất cả những thứ đó tạo nên nét văn hóa riêng có của người đồng bào và thân thuộc đến nỗi “nằm chung” dưới mái nhà gươl. Truyền thống tất nhiên phải lưu giữ và trao truyền. Tục cưới, hỏi của người đồng bào vì thế không thể thiếu những lễ vật đó, thậm chí mã não từng là của hồi môn của con gái trước khi về nhà chồng.

Nhưng nay, cái thở dài của già Huy minh chứng cho sự mai một. Già không đổ lỗi cho con người mà bảo đó là số phận. Vì sao? Trong những thanh âm của cuộc sống bây giờ, đó dường như đã trở thành thứ yếu. Yếu ngay trong nhận thức của thế hệ trẻ. “Hồi trước, chiêng ché của tôi đếm phải hơn 10 ngón tay, những thứ đó đều được tổ tiên để lại. Bây giờ, người trẻ họ không quý, không giữ nữa thì biết làm sao. Tôi cũng đã già rồi…”, già Huy chia sẻ.

Cổ vật hiểu một cách nôm na là những thứ xưa cũ nhưng giá trị không chỉ nằm ở vật chất. Với người đồng bào dân tộc thiểu số, cổ vật không phải thứ bất động và để nhìn ngắm, nó tạo ra một nhịp sống duy trì qua nhiều thế hệ. Những âm thanh trong trẻo, vang vọng từ một chiếc chiêng có tuổi đời hơn cả trăm năm sẽ khiến cho một lễ hội có giá trị hơn; các họa tiết tinh xảo, xưa cũ trên ché rượu cần khiến người thưởng thức không chỉ đắm chìm trong men say mà còn tường tận về nét sinh hoạt cộng đồng của những người lưng tựa vào núi.

Già làng Quỳnh Hoàng (xã A Ngo, huyện A Lưới) trong câu chuyện về văn hóa vùng cao bảo rằng, mất hiện vật coi như văn hóa một phần mai một, bởi hiện vật thể hiện lịch sử và tạo ra âm thanh văn hóa. “Người trẻ vùng cao bây giờ ít đam mê văn hóa thì sự trân quý cho những thứ tạo ra văn hóa cũng cạn đi. Thực tế thì điều đó đang cạn dần theo thời gian”, già Quỳnh Hoàng chia sẻ.

Nỗ lực bảo tồn

Ở hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới, người ta nhắc nhiều đến việc thành lập các địa điểm trưng bày cổ vật của người đồng bào. Điều đó không sai khi mục đích quy tụ, lưu giữ những hiện vật trong từng giai đoạn đời sống của con dân làng bản, nhưng điều đó cũng minh chứng rằng, đã có sự mai một.

Câu chuyện “chảy máu” cổ vật của người đồng bào không mới, so với vùng đất Tây Nguyên, những cuộc mua bán cổ vật ở các địa phương vùng cao không rầm rộ bằng, và bây giờ không còn “nóng” như trước. Có mua bán nghĩa là người lưu giữ gặp khó khăn về kinh tế, bởi cổ vật hiện thân như linh hồn của cả tộc người. Một cán bộ văn hóa vùng cao tại huyện miền núi Nam Đông tiết lộ rằng, khi con nai trong rừng, con cá dưới suối cạn dần theo thời gian thì cũng là lúc những thứ quý giá nhất trong gia đình được người dân mang ra thị trường, có thứ dân bán với giá bằng vài con trâu. Bây giờ, làng bản vẫn còn chiêng, ché, thanh la, nhưng chỉ đủ phục vụ trong các dịp lễ hội lớn.

Ngay tại ngã ba xã Thượng Long, Thượng Quảng (huyện Nam Đông), một cửa hàng đề bảng thu mua chiêng ché của người dân đủ hiểu nhu cầu mua về các hiện vật của người đồng bào vẫn còn, chỉ có điều chủ nhân cửa hàng này bảo, con đường bán buôn của họ bây giờ phải rảo bước khắp các vùng Tây Giang, Đông Giang (Quảng Nam).

Nhắc điều này, Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Nam Đông Hồ Văn Nhũ nói thẳng: “Khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, vì giá trị nên nhiều người dân đã bán cho những đầu nậu hay những người đam mê đồ cổ. Chiêng ché, thanh la ở Nam Đông bây giờ cạn dần, bởi vậy những cuộc giao thương từ đó ít đi. Chúng tôi đã và đang sưu tầm những hiện vật, cổ vật của đồng bào để trưng bày và lưu giữ”.

Theo bà Nguyễn Thị Sửu, Bí thư Huyện ủy A Lưới, với những người bán đi hiện vật đặc trưng của đồng bào mình thì lý do không hẳn nằm ở kinh tế. Ở đây có sự thoát ly khá vội vàng của một số tộc người, đặc biệt là người Cơ Tu. Họ muốn loại bỏ các hủ tục lạc hậu, tốn kém và các vật dụng như chiêng, ché, chum có sự ràng buộc trong đó.

Bản sắc dân tộc tạo nên nét đặc trưng dọc dãy Trường Sơn hùng vỹ. Khi những thanh âm của núi nghe chừng không còn rõ thì người ta đang tìm cách níu kéo, có những thứ đã được lưu giữ như zèng của người Tà Ôi, song bảo tồn nguyên vẹn tất cả các giá trị xem chừng là “cuộc chiến” dài hơi. Huyện A Lưới có Đề án Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, ở Nam Đông cũng vậy, với mục đích người còn thì giá trị văn hóa cũng còn.

Phòng XDNSVH&GĐ (Theo Quỳnh Viên - BáoTTH)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL