Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 10.257
Giữ tuồng Huế
Lượt đọc: 8447Thời gian: 10:24 - 15/09/2020

VHH - Trong bối cảnh nghệ thuật tuồng Huế đang vắng khán giả, thiếu đội ngũ kế cận, một cơ chế đãi ngộ xứng đáng để đào tạo, giữ chân nghệ sĩ trẻ cũng như có kinh phí dàn dựng nhiều trích đoạn, vở tuồng là điều các nghệ nhân, nghệ sĩ ao ước.

Nỗ lực gìn giữ

Xuất thân từ gia đình có truyền thống nghệ thuật, NSƯT La Thanh Hùng gắn bó với nghệ thuật tuồng gần 30 năm nay. Từ lớp đồng ấu, mới 8-9 tuổi, NSƯT La Thanh Hùng đã vào nghề, trở thành diễn viên. Không chỉ thành công qua nhiều vai diễn, anh còn là đạo diễn “mát tay” mang về nhiều giải thưởng cho các vở tuồng.

Đam mê và tâm huyết với nghề, mấy tháng trước, anh còn cất công ngồi vẽ hơn 100 chiếc mặt nạ của các nhân vật trong những vở tuồng Huế để quảng diễn tại chương trình “Tuồng Huế - Âm vọng ngàn xưa” trong khuôn khổ Festival Huế 2020. Đây cũng là kết quả ứng dụng từ đề tài nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học “Mặt nạ tuồng Huế” do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế thực hiện, trong nỗ lực khái quát toàn bộ các loại mặt nạ nhằm tránh thất truyền cho hậu thế. Đáng tiếc, Festival Huế 2020 đã phải tạm dừng do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Ghé nhà NSƯT La Thanh Hùng 2 tháng trước, nhìn anh say mê với từng nét vẽ trên mặt nạ, mới hiểu được tâm huyết và mong muốn bảo tồn, lan tỏa những giá trị độc đáo của nghệ thuật tuồng Huế. Anh Hùng chia sẻ: “Buồn lắm khi tuồng không còn được khán giả say mê như ngày xưa, nhưng âu đó cũng là xu thế thời đại. Điều tôi mong muốn là tinh hoa của nghệ thuật tuồng luôn được giữ gìn mãi mãi. Tôi vẫn đang cố gắng lưu giữ nghệ thuật diễn tuồng cũng như kỹ thuật vẽ mặt nạ tuồng với ước mong được tiếp tục truyền nghề đến các nghệ sĩ trẻ”.

Theo bà Lê Mai Phương, Trưởng phòng Nghiên cứu ứng dụng thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, mặc dù xã hội đang cố gắng bảo tồn, nhưng ngặt là môi trường diễn xướng không còn, đối tượng khán giả thích tuồng rất ít, tuồng hầu như chỉ còn thăng hoa trong khuôn khổ các cuộc thi, liên hoan, hội diễn. Lực lượng nghệ sĩ tiếp tục kế thừa vốn quý này cũng không còn nhiều, tuồng đứng trước nguy cơ mai một.

Trong xu thế khó khăn, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế tự đào tạo thế hệ kế cận từ lớp diễn viên trẻ để giữ gìn tuồng. Ngoài dựng vở để tham gia các liên hoan chuyên nghiệp hàng năm, nhà hát còn lồng ghép diễn các trích đoạn tuồng trong chương trình biểu diễn phục vụ khách du lịch tại Duyệt Thị Đường.

Ngoài phục dựng nhiều vở tuồng và trích đoạn tuồng, như: Sơn Hậu, Nguyệt Cô hóa cáo, Ngọn lửa hồng sơn, Quần phương tập khánh…, việc xây dựng cơ sở dữ liệu cho tuồng Huế mà nhà hát đang thực hiện cũng là cách để lưu giữ những nguồn tài liệu hiện có của bộ môn nghệ thuật này, từ vũ đạo, mặt nạ, phục trang đến kịch bản, âm nhạc, các làn điệu, cũng như tập hợp tất cả hình ảnh, băng đĩa, thu âm...

Giữ nền tảng từ lớp trẻ

Theo NSND Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tuồng cũng như nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống khác mới được giữ gìn đến tận bây giờ. Tuy nhiên, để nghệ thuật tuồng sống được, cần sự quan tâm đặc biệt dành nguồn kinh phí để xây dựng kịch bản, kịch mục, các trích đoạn truyền thống cũng như các vở tuồng dài.

Chị ao ước: “Giá như có nguồn kinh phí như Nhật Bản giữ kịch Noh hoặc Trung Quốc “nuôi” Kinh kịch, thì chúng tôi sẽ xây dựng được những kịch mục biểu diễn để chuyển tải đến gần với khán giả. Mong muốn nhiều nhưng chúng tôi hiểu, với sự khó khăn chung của đất nước cũng như tỉnh nhà, chúng tôi không dám đòi hỏi. Nhưng, chúng tôi cần được quan tâm cấp kinh phí để hàng năm xây dựng các vở tuồng, trích đoạn; mời các nghệ nhân viết kịch bản, truyền đạt các vai mẫu; tạo điều kiện cho nghệ nhân, nghệ sĩ tập luyện để tham gia các hội thi, hội diễn để họ được cọ xát, phấn khởi và yêu nghề hơn”.

Để giữ gìn nghệ thuật tuồng Huế, không thể không có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho nghệ nhân, nghệ sĩ. Đào tạo một nghệ sĩ tuồng rất khó. Trong tất cả các bộ môn nghệ thuật truyền thống, học tuồng vất vả nhất, vì nó là sự kết hợp giữa diễn xuất, hát và vũ đạo. NSND Bạch Hạc cho biết: “Tuyển một diễn viên múa, ca sĩ không khó nhưng để tuyển được diễn viên tuồng khó cực kỳ. Học một vai tuồng rất khó khăn, đi thi đạt giải các em rất vui mừng, nhưng sau đó các em vẫn chỉ là hợp đồng thời vụ chứ không có biên chế lâu dài. Sau khi đào tạo, chúng tôi muốn giữ chân những diễn viên trẻ này để có lớp kế thừa. Vì vậy, cần có sự quan tâm để có chính sách đào tạo, giữ chân lớp diễn viên trẻ”.

Từng là học sinh đồng ấu, tham gia giảng dạy nghệ thuật tuồng, NSƯT La Thanh Hùng cho rằng, muốn giữ được tuồng, phải tạo được nền tảng từ lớp trẻ kế thừa, đào tạo diễn viên trở thành những nghệ sĩ giỏi. Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế có thể kết hợp với Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tuyển chọn và phối hợp đào tạo đội ngũ nghệ sĩ từ bậc trung cấp, kể cả sơ cấp. Việc tuyển sinh phải do nhà hát tuyển chọn những em thật sự có năng khiếu, đam mê. Đồng thời, tuồng phải được giới thiệu nhiều hơn, sống được trong lòng công chúng.

Minh Hiền - HU
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL