Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 2.722
Khai mạc trưng bày chuyên đề "Từ Thăng Long đến Phú Xuân, Gia Định".
Lượt đọc: 12017Thời gian: 21:40 - 07/10/2020

(VTH) - Kỷ niệm 60 năm kết nghĩa 3 thành phố Hà Nội - Huế - Sài Gòn (08/10/1960 - 08/10/2020), chiều ngày 07/10, tại Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội tổ chức Khai mạc trưng bày chuyên đề "Từ Thăng Long đến Phú Xuân, Gia Định".

Trưng bày chuyên đề "Từ Thăng Long đến Phú Xuân, Gia Định" với hơn 80 cổ vật tiêu biểu là đồ gốm sứ từ thế kỷ X đến XIX (trải qua các triều đại phong kiến Việt Nam từ thời Lý - Trần đến thời Nguyễn); gần 200 hình ảnh tư liệu, sơ đồ, bản đồ là nguồn tư liệu quan trọng, quí hiếm cùng hơn 50 hình ảnh, video giới thiệu Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh và gần 1.000 đầu sách viết về lịch sử hình thành, phát triển, mối quan hệ giao lưu và kết nghĩa giữa ba thành phố Hà Nội - Huế - Sài Gòn.   

Không gian trưng bày được phân theo 04 nội dung: Kinh đô Thăng Long và Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (thế kỷ X - XVIII); Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế, chặng đường hơn 700 năm; Gia Định từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX; Hà Nội - Huế - Sài Gòn là cây một cội là con một nhà, đem đến cho người xem một bức tranh chung về lịch sử xác lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam; đồng thời là dịp để ôn lại truyền thống đoàn kết, tình cảm keo sơn gắn bó của Nhân dân 3 thành phố nói riêng và của Nhân dân cả nước nói chung.

Phát biểu tại buổi Khai mạc trưng bày, đồng chí Phan Thanh Hải - TUV, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao nhấn mạnh: Phát huy những giá trị văn hóa bền vững, thấm sâu vào máu thịt con người Việt Nam, ba địa phương đại diện cho ba miền Bắc - Trung - Nam đã tổ chức lễ kết nghĩa vào ngày 08/10/1960, tại Câu lạc bộ Ba Đình - Hà Nội. Đây là một sự kiện văn hóa chính trị quan trọng đánh dấu một mốc son mới, tinh thần đoàn kết một lòng của Nhân dân Việt Nam nói chung, Nhân dân Hà Nội - Huế - Sài Gòn nói riêng được kết tinh từ hàng ngàn năm lịch sử.

Với bề dày lịch sử của 3 trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế từng giữ vị trí hàng đầu của đất nước gắn bó trong một chỉnh thể thống nhất “là cây một cội, là con một nhà” có ý nghĩa to lớn về mặt lý luận và thực tiễn, không những là xu thế khách quan của lịch sử mà còn là tình cảm chính đáng của Nhân dân 3 miền, là sức sống mãnh liệt của dân tộc, trở thành động lực phát triển quê hương, đất nước. 

Thừa Thiên Huế là vùng đất chiến lược nối liền hai miền Bắc - Nam. Với lịch sử hơn 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân, là thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong (1558 - 1777); kinh thành Phú Xuân của vương triều Tây Sơn (1788 - 1801). Từ năm 1802 - 1945, Phú Xuân - Huế trở thành kinh đô của vương triều Nguyễn. Với vai trò trung tâm chính trị, văn hóa của một quốc gia, kinh đô Huế trở thành nơi hội tụ, tiếp biến, giao thoa và thăng hoa của nhiều nền văn hóa. Đó là hệ thống các loại hình di tích lịch sử văn hóa phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình, độc đáo về giá trị mỹ thuật...

Ngày nay, Thừa Thiên Huế đang trên bước đường xây dựng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị chính là tiền đề cho vị thế mới của Thừa Thiên Huế trong sự hợp tác với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ba địa phương đã, đang và sẽ thực hiện nhiều kế hoạch, chương trình phối hợp toàn diện để cùng nhau phát triển: Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh trở thành ba trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - du lịch lớn với những đặc trưng của ba miền Bắc, Trung, Nam. 

Trưng bày được diễn ra đến 31/10/2020.

svhtt.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL