Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 69.238
Đầu tư chống xuống cấp các di tích nằm ngoài quần thể di tích cố đô Huế - Kỳ 1: Thực trạng quản lý, bảo quản, tu bổ và phục hồi
Lượt đọc: 6988Thời gian: 14:35 - 22/10/2020
Nhà lưu niệm thời niên thiếu Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đường Mai Thúc Loan

VHH - Tính đến tháng 8 năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 169 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 02 di tích quốc gia đặc biệt (Quần thể di tích Cố đô Huế và hệ thống đường Trường Sơn (Hồ Chí Minh) đoạn đi qua tỉnh Thừa Thiên Huế), 88 di tích cấp quốc gia, 80 di tích cấp tỉnh và 205 công trình, địa điểm lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh tiêu biểu thuộc Danh mục Kiểm kê di tích của tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong số các di tích đã được xếp hạng, có 40 địa điểm, công trình, cụm công trình di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế và 129 địa điểm, công trình, cụm công trình di tích nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế.

Về quản lý di tích

Sau khi được xếp hạng, căn cứ vào quy mô, tính chất, phạm vi ảnh hưởng, khả năng phát huy giá trị di tích, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 12 Quyết định phân công cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý 169/169 di tích. Theo đó, những di tích gắn với cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý hoặc phối hợp quản lý; di tích lịch sử cách mạng, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ có giá trị tiêu biểu hoặc di tích có sự kết nối nhiều địa bàn do Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý hoặc phối hợp quản lý; di tích gắn với quá trình hình thành và hiện đang hoạt động của một số đơn vị sẽ giao cho đơn vị đó trực tiếp quản lý và sử dụng (Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế, Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế); các di tích còn lại do các địa phương trực tiếp quản lý và có sự phối hợp, hướng dẫn của các đơn vị chuyên môn.

Trên cơ sở đó, các địa phương, cơ quan và đơn vị được giao trách nhiệm quản lý các di tích sẽ chủ động thành lập các Tổ/Ban quản lý di tích theo chế độ kiêm nhiệm, xã hội hóa  (trong đó, có sự tham gia của đại diện lãnh đạo UBND cấp xã, chủ sở hữu di tích và đại diện cộng đồng dân cư) để bảo vệ, chăm sóc và sử dụng di tích phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương.

Về bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích

Trong giai đoạn 2010 - 2019, nguồn kinh phí để bảo quản, tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế bao gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đầu tư chống xuống cấp cho các di tích; từ năm 2016 đến nay, nguồn vốn này được bố trí lồng ghép từ Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa; ngân sách địa phương; nguồn xã hội hóa hợp pháp (huy động từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước). Ở giai đoạn này, với tổng kinh phí khoảng 49 tỷ 870 triệu đồng (ngân sách Trung ương là 17 tỷ 800 triệu đồng; ngân sách địa phương là 21 tỷ 881 triệu đồng; xã hội hóa là 10 tỷ 189 triệu đồng) đã tiến hành tu bổ, tôn tạo 38 công trình di tích tại các huyện, thị xã và thành phố Huế.

Công tác bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế trong thời gian qua đã có sự quan tâm, hỗ trợ của các Bộ, Ngành Trung ương và các cấp chính quyền địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, tồn tại cần được sớm nghiên cứu, xem xét, giải quyết:

Thứ nhất, nguồn kinh phí được cấp từ ngân sách Nhà nước mang tính chất định kỳ hàng năm để thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo hệ thống di tích từ Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa còn rất hạn chế so với số lượng di tích cần tu bổ, tôn tạo trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, nguồn vốn này chỉ đầu tư chống xuống cấp cho các di tích được xếp hạng cấp quốc gia hoặc cấp quốc gia đặc biệt; các di tích cấp tỉnh được tu bổ, tôn tạo phần lớn bằng nguồn vốn đóng góp của con cháu dòng họ và nhân dân địa phương. Một số di tích được bố trí từ nguồn ngân sách địa phương nhưng nguồn kinh phí này thường không lớn, chỉ mang tính chất “hỗ trợ” nên không thể tiến hành tu bổ, tôn tạo một cách tổng thể.

Thứ hai, để tu bổ, tôn tạo tổng thể di tích đòi hỏi nguồn kinh phí lớn trong khi điều kiện về kinh tế của cộng đồng dân cư địa phương nơi có di tích đa phần còn gặp nhiều khó khăn nên mức độ huy động đóng góp, xã hội hóa từ các cá nhân, tổ chức không thể đáp ứng được yêu cầu; việc hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách Nhà nước sẽ tạo “đòn bẩy” vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác tu bổ, tôn tạo di tích nhưng thực tế một số địa phương còn thiếu quan tâm bố trí nguồn lực nên hiệu quả huy động xã hội hóa thấp; một bộ phận người dân, cộng đồng dân cư, dòng họ vẫn mang nặng tư duy sau khi các di tích được xếp hạng, công tác chống xuống cấp di tích đó là trách nhiệm thuộc về Nhà nước và cùng với việc thực hiện chưa tốt công tác tuyên truyền, vận động nên dẫn đến sự thiếu chủ động trong việc huy động các nguồn lực; công tác vận động xã hội hóa tại các khu vực đô thị phát triển gặp rất nhiều khó khăn do tính kết nối cộng đồng thấp; nguồn xã hội hóa chống xuống cấp các di tích nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế chủ yếu chỉ mới tập trung vào các di tích thuộc sở hữu cộng đồng, dòng họ (đình, miếu, nhà thờ).

Thứ ba, cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích sẽ góp phần bảo vệ di tích trước những tác động từ bên ngoài. Tuy nhiên, do các yếu tố lịch sự để lại, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh và nhiều di tích nằm ở khu vực có địa hình phức tạp, hiểm trở khó tiếp cận nên đến nay việc cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích chưa được hoàn thành.

Thứ tư, bảo tồn, phát huy giá trị gắn với khai thác di tích tạo nguồn thu, trở thành sản phẩm du lịch phát triển kinh tế - xã hội còn khiêm tốn so với tiềm năng. Nguồn thu từ di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh chủ yếu đến từ hệ thống các di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế. Đối với các di tích nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế, hầu hết đều mang tính chất “tham quan miễn phí”, không có nguồn thu cụ thể từ hoạt động bán vé tham quan hay từ những hoạt động dịch vụ du lịch... Cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch tại di tích hoặc xung quanh khu vực di tích chưa được tập trung đầu tư nên việc xây dựng sản phẩm du lịch và tuyên truyền về giá trị của các di tích nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế gắn với phát triển kinh tế, lợi ích của cộng đồng dân cư địa phương chưa hiệu quả.

Thứ năm, hiện vật và tư liệu tại di tích là một trong những yếu tố quan trọng gắn liền với giá trị tổng thể của di tích, nhưng thực tiễn trong công tác quản lý hiện vật, tư liệu tại các di tích do các huyện, thị xã và thành phố Huế trực tiếp quản lý chưa được chú trọng, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với Ban/Tổ quản lý di tích nên không đảm bảo an toàn và rất dễ dẫn đến tình trạng hư hỏng, xuống cấp, thất thoát. Những hiện vật, tư liệu tại di tích đều giao cho Ban/Tổ quản lý di tích, giám tự hoặc đại diện con cháu dòng họ trông giữ, bảo quản, chưa được nghiên cứu, xây dựng thành hồ sơ khoa học....

Nguyễn Vũ Minh Tú
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL