Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 1.867
Hội thảo chuyên đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc Văn hóa Huế trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương”.
Lượt đọc: 7202Thời gian: 16:08 - 28/11/2020

(VTH) - Sáng 27/11, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức Hội thảo “Bảo tồn, phát huy bản sắc Văn hóa Huế trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương”. Tham dự và đồng chủ trì Hội thảo có đồng chí Nguyễn Hữu Lạc - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh; đồng chí Phan Thanh Hải - Ủy viên Hội đồng di sản Văn hóa quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; đồng chí Đỗ Bang - Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế; đồng chí Nguyễn Ngọc Phương - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thừa Thiên Huế. Cùng dự có đại diện các sở, ban, ngành liên quan và nhiều nhà nghiên cứu trên địa bàn tỉnh.

Là vùng đất tích tụ nhiều giá trị văn hóa lịch sử qua hơn 700 năm hình thành và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế luôn ý thức sâu sắc di sản văn hóa Huế không chỉ là tài sản vô giá của tiền nhân để lại cho hôm nay mà còn là cho mai sau. Trong đó làm tốt công tác bảo tồn phát huy di sản văn hóa Huế cũng chính là nền tảng để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Với những thành quả về bảo tồn và phát huy giá trị di sản nối tiếp nhau trong chặng đường vừa qua là tiền đề vững chắc, tạo động lực để Thừa Thiên Huế thực hiện thành công Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, sớm trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng Bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Huế và bản sắc văn hóa Huế luôn giữ vị trí đặc biệt trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Phát triển đô thị Huế gắn liền với bảo tồn, phát huy giá trị của di sản sẽ là sự gắn kết chặt chẽ lịch sử, hiện tại và tương lai, phù hợp định hướng phát triển đô thị bền vững của quốc gia.

Kỷ yếu hội thảo ngoài Báo cáo tổng thuật và đề dẫn của Ban tổ chức gồm có 23 tham luận, nội dung đề cập chủ yếu đến 3 chủ đề: Đặc điểm, bản sắc văn hóa Huế trong tiến trình lịch sử; Vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Huế trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố Trực thuộc Trung ương; Phát triển du lịch di sản Huế  - Bài học kinh nghiệm và giải pháp phát triển.

Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh: “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường...”, vì vậy, việc tìm ra các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa Huế trong giai đoạn hiện nay cũng như thời gian tiếp theo sẽ là yêu cầu, nhiệm vụ mang tính cấp thiết, góp phần cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu nêu tại Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị; đồng thời, qua đó thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên Huế nhằm triển khai hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế một cách toàn diện, đồng bộ và mang tính định hướng, chiến lược lâu dài.

Chia sẻ về vấn đề này, đồng chí Phan Thanh Hải - Ủy viên Hội đồng di sản Văn hóa quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao khẳng định về tầm quan trọng đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị áo dài: “Chiếc áo dài xứ Huế đã đi qua một chặng đường dài hình thành và phát triển với nhiều thăng trầm lịch sử. Từ chiếc áo dài xứ Bắc xưa xẻ giữa thân trước thành hai vạt không có khuy, đến chiếc áo dài Đàng Trong mà vạt được xẻ thành tà áo. Áo dài Huế ra đời từ chính tâm hồn và nét thẩm mỹ của người Huế, mang trên đó những nét duyên dáng riêng có của mảnh đất Thần kinh. Có lẽ cũng kể từ đó, phụ nữ Huế luôn coi áo dài như là một trang phục thường ngày chứ không chỉ dùng trong những dịp lễ, Tết hay sự kiện đặc biệt nào đó và tùy theo điều kiện kinh tế mà ai cũng có vài bộ áo dài dành cho riêng mình. Vì vậy, Áo dài Huế là một di sản văn hóa phi vật thể xứng đáng được ghi danh, bảo vệ và phát huy giá trị như một di sản quốc gia và hơn thế nữa là của nhân loại

Đồng chí Phan Thanh Hải cũng nhấn mạnh:“Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạt được nhờ vào việc bảo tồn phát triển thương hiệu “thành phố/đô thị di sản”. Để kinh tế du lịch di sản làm động lực phát triển đô thị thì Thừa Thiên Huế phải hướng tới xây dựng một “thành phố du lịch di sản”. Vấn đề là phải giữ vững nguyên tắc bảo tồn để phát triển và không đánh mất đi bản sắc riêng của Huế”.

Góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Huế, tác giả Nguyễn Thiên Bình - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao với chủ đề“Di sản phố cổ Bao Vinh thể hiện sự pha trộn, giao thoa của nhiều nét đẹp khác nhau mang những dấu ấn riêng, thể hiện những giá trị độc đáo trong hệ thống đô thị cổ Việt Nam. Những công trình kiến trúc, tôn giáo, tín ngưỡng và giá trị văn hóa của phố cổ Bao Vinh là minh chứng sống động cho quá trình hình thành, phát triển và cả sự suy tàn của đô thị phố cảng xưa”.

Hội thảo chuyên đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc Văn hóa Huế trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương” là vấn đề lớn, có nội dung rộng, được kiểm định bằng thực tiễn để tìm ra bài học kinh nghiệm và đưa ra giải pháp giúp việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Huế ngày một tốt hơn.

svhtt.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL