Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 33.469
Nam Đông bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Cơ Tu hướng đến phát triển du lịch
Lượt đọc: 6822Thời gian: 15:18 - 11/03/2021

VHH - Nam Đông là một trong hai huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế có số lượng lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (11.044 người, chiếm 44,5% dân số toàn huyện). Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện chủ yếu là dân tộc Cơ Tu và một số các dân tộc khác như Tà Ôi, Pa Cô, Pa hy, Vân Kiều... sống tập trung tại các xã Thượng Long, Thượng Quảng, Hương Hữu, Thượng Nhật, Hương Sơn, Thượng Lộ và Hương Phú. Đồng bào Cơ Tu sinh sống ở các khu vực vùng núi, đồi dốc, có đời sống tinh thần phong phú. Ngôi nhà Gươl (nhà sinh hoạt cộng đồng), cồng chiêng, lễ ăn cơm mới là những nét đặc trưng trong di sản truyền thống của đồng bào.

Toàn huyện hiện có 36/37 thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng, trong đó 3 nhà Gươl được bảo tồn theo kiến trúc truyền thống. Cùng với kiến trúc nhà được làm bằng gỗ, gồm cột giữa (cột bố) và hệ thống cột chung quanh (gồm 18 cột); mái dốc dựng đứng cấu tạo như hình chiếc nón lợp tranh mây (hoặc cọ) trang trí họa tiết gắn với sinh hoạt:  người đàn ông đánh trống, phụ nữ bồng con; những con vật gần gũi với đời sống sinh hoạt (trâu, gà, cá) và các loài động vật núi rừng (hổ, tắc kè, kỳ đà...) kết hợp không gian trưng bày mang đặc trưng của đời sống văn hóa cộng đồng dân tộc Cơ Tu (chiêng, khèn, sáo, chóe...). Gươl là chốn linh thiêng thờ cúng thần linh, là nơi bàn chuyện làng, chuyện nước, chuyện gia đình và là nơi diễn ra những lễ hội quan trọng. Nhà Gươl có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh và văn hóa của cộng đông người Cơ Tu, là nơi bảo tồn các nghi lễ truyền thống, nơi cố kết bản làng và lưu giữ văn hóa cộng đồng.

Trong những năm qua, việc bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ tu nói riêng và cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện Nam Đông được chú trọng. Nhiều hoạt động văn hóa du lịch đã được triển khai: mở 09 lớp truyền dạy về văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ tu như đánh cồng chiêng, nói lý hát lý, các điệu múa truyền thống và đan lát đã thu hút hơn 200 học viên tham gia; tổ chức ngày hội văn hóa thể thao và du lịch (2 năm 1 lần)... Năm 2020, huyện Nam Đông đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện Quyết định số 2493/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam, giai đoạn 2017 - 2020 và Kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 26 tháng 7 năm 2017 nhằm thực hiện Đề án Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; thực hiện dự án Bảo tồn làng truyền thống dân tộc Cơ Tu, huyện Nam Đông. Kết quả đã tu bổ, tôn tạo, sửa chữa Nhà Gươl tại thôn Dỗi, xã Thượng Lộ: nhà Gươl tại thôn A Xăng, xã Thượng Long và kiểm kê, sưu tầm hơn 450 hiện vật tại các xã và thị trấn trên địa bàn huyện Nam Đông.

Xác định việc bảo tồn di sản văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu là nhiệm vụ then chốt, là cơ sở để huy động nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia gìn giữ, bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của toàn xã hội, các chủ thể văn hóa và tổ chức, cá nhân có liên quan để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số một cách lâu dài, bền vững; giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số; thu hút sự quan tâm, trải nghiệm của công chúng, hướng đến phát triển du lịch của địa phương. Ông Dương Thanh Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết: “Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 203, Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2020, huyện Nam Đông đã xây dựng và ban hành đề án Bảo tồn làng truyền thống dân tộc Cơ tu huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020-2025 (số 01/ĐA-UBND ngày 19/8/2020) và đề án Phát triển văn hóa - du lịch giai đoạn 2021-2025 (số 05/01/ĐA-UBND ngày 30/11/2020).

Việc triển khai song song hai đề án Bảo tồn làng truyền thống dân tộc Cơ tu với nhiệm vụ trọng tâm là khôi phục làng văn hóa truyền thống, phục hồi lễ hội ăn cơm mới, bảo tồn các làn điệu dân ca, xây dựng hồ sơ di sản phi vật thể... và Phát triển văn hóa - du lịch trên địa bàn huyện sẽ mang lại diện mạo mới cho phát triển kinh tế du lịch. Việc khai thác du lịch di sản trên nền tảng bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ tu kết hợp du lịch sinh thái sẽ tạo sức hút riêng có trong phát triển ngành công nghiệp không khói, ngành kinh tế mũi nhọ của huyện.

Với những nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ tu hướng đến phát triển du lịch trong những năm đến, huyện Nam Đông hy vọng sẽ đón nguồn gió mới trong phát triển kinh tế du lịch, thu hút các nhà đầu tư và đóng góp lớn cho thu ngân sách của huyện nhà.

Hoàng Anh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL